Chủ tịch VCCI: Cổ phần hóa mà nhiều tổng công ty chỉ bán 1-2% vốn điều lệ là vô nghĩa
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: nếu tỷ trọng sở hữu của Nhà nước ở doanh nghiệp vẫn cao sẽ khiến những nỗ lực cải cách khác không có nhiều ý nghĩa, không đạt được kết quả như mong muốn.
- 28-05-2018Đại biểu Quốc hội: Các doanh nghiệp như có một phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi
- 28-05-2018Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lần đầu lên "ghế nóng"
- 28-05-2018Lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước của các DNNN phát triển tích cực
DNNN phát triển ngược với xu thế chung
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp (VCCI) đã chỉ ra nhiều thực trạng đáng buồn về DNNN. Theo ông, DNNN đang không phát huy đủ và đúng chức năng nhiệm vụ, tương xứng với tiềm lực đang có.
Hiện hệ số ICOR của DNNN cao hơn nhiều so với các thành phân kinh tế khác. Ví dụ, năm 2016, các DNNN phải bỏ ra 10 đồng vốn để thu về 1 đồng tăng trưởng, cao gấp 2 lần so với khu vực FDI – chỉ bỏ ra 5 đồng, hay cao gấp 1,5 lần so với mức chi 6 đồng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Hơn thế, mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tài sản của DNNN không chỉ ở mức thấp mà còn có xu hướng giảm liên tục trong thời gian qua. Cụ thể, từ mức 16,4% và 6,5% năm 2012 xuống chỉ còn 10 – 4,6% năm 2016. Ngân sách trong nhiều năm cũng thất thu với thành phần kinh tế Nhà nước, tốc độ tăng thu chỉ đạt mức trung bình 3% (giai đoạn 2011 – 2016).
Ông Lộc cho rằng hiệu quả sử dụng vốn tại các DNNN giảm trong bối cảnh nền kinh tế đang đà phục hồi là một điểm cần đặc biệt lưu ý. Bởi nó đi ngược lại với xu thế chung, thể hiện nguyên nhân yếu kém DNNN là do vấn đề nội tại.
Ông nhấn mạnh các nguyên nhân như hệ thống pháp luật chồng chéo, thiếu hệ thống đánh giá tổng thể, năng lực quản lý, điều hành chưa cao... như báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội chỉ là một phần, không phản ánh được gốc rễ.
Nguyên nhân, DNNN yếu kém không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới có nền kinh tế phát triển. Tức là gốc rễ nằm ở sở hữu và động lực phát triển doanh nghiệp. Do đó, nếu tỷ trọng sở hữu của Nhà nước ở doanh nghiệp vẫn cao sẽ khiến những nỗ lực cải cách khác không có nhiều ý nghĩa, không đạt được kết quả như mong muốn.
Bởi vậy, chủ trương đúng đắn phải là đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá DNNN, thoái vốn một cách thực chất ra khỏi những lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần phải nắm giữ.
Tuy nhiên, việc cổ phần hoá đang diễn ra chậm chạp, hình thức. Cụ thể, giai đoạn 2011 – 2016, cả nước cổ phần hoá được 571 doanh nghiệp, thu về 43.000 tỷ đồng, rất ít. Nhiều tổng công ty, công ty chỉ bán 1-2% vốn điều lệ, là vô nghĩa.
Biến thoái vốn tại DNNN thành cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân
Theo ông Lộc, chậm cổ phần hoá không chỉ di nguyên nhân khách quan như định giá doanh nghiệp khó khăn, bối cảnh trong nước, ngoài nước không thuận lợi mà còn do những yếu tố chủ quan như lo ngại phải chịu trách nhiệm trước những sai phạm, yếu kém khi kiểm toán trước cổ phần hoá.
Một vấn đề quan trọng khác là sự thiếu quyết liệt trong các bộ ngành dẫn đến nhiều chính sách dù đúng đắn nhưng chưa được thực thi với hiệu quả cao.
Ví dụ chủ trương niêm yết lên sàn chứng khoán các doanh nghiệp cổ phần hoá, vốn là yêu cầu sơ đẳng cho doanh nghiệp, đến nay vẫn thực hiện chưa nghiêm túc. Tính đến tháng 8.2017, vẫn còn 747 doanh nghiệp cổ phần hoá chưa thực hiện nội dung này. Và cũng không có một ai phải chịu trách nhiệm.
Với việc cổ phần hoá bị trì hoãn, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh sẽ tác động đến niềm tin của người dân, các nhà đầu tư về quá trình cải cách kinh tế Nhà nước. Do đó, ông đề nghị Chính phủ phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Bởi nếu thành công, động lực phát triển doanh nghiệp sẽ được khơi thông, thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng trong nước.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cổ phần hoá xứng đáng có một bộ luật riêng. Vì vậy, ông đề xuất Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, làm luật để sớm đưa ra Luật.
Bên cạnh đó, ông Lộc cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ đề ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia vào cổ phần hoá DNNN. Ông quan niệm "lùi chân" của DNNN phải tạo được bước tiến cho doanh nghiệp tư nhân, trong các lĩnh vực quan trọng mà DNNN thoái lui, chứ không chỉ để cho khối FDI tiếp thu.
Nói rằng đây là vấn đề khó nhưng ông Lộc vẫn tin rằng có thể làm được mà vẫn tuân thủ được các nguyên tắc khi gia nhập Tổ chức WTO. Điều này sẽ giúp cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đồng thời là yếu tố quan trọng cho việc tự chủ của Việt Nam.