Chưa đủ căn cứ pháp lý sử dụng ngân sách thanh toán các hợp đồng BOT giao thông
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp
Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 28/11, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội và bước đầu chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
- 25-11-2022Sắp dừng thu phí BOT Biên Hòa - Vũng Tàu
- 08-11-2022Niềm tin nhà đầu tư nhìn từ 'đại phẫu' 8 dự án BOT giao thông
- 07-11-2022Bị bỏ mặc, nhà đầu tư BOT chán nản
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, sau khi Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản đề nghị, Chính phủ đã có văn bản đề nghị trình Quốc hội 5 nội dung tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 bao gồm: Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Cùng với đó là đề nghị xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách gồm: giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan năm 2021; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; điều chỉnh vốn vay lại của các địa phương năm 2022; cho ý kiến về 3 dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
“Đối với nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh): Chính phủ đề nghị chưa đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2 do chưa chuẩn bị kịp và chưa có kết luận của Bộ Chính trị”, ông Bùi Văn Cường thông tin.
Về các đề xuất nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đối với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT : Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bằng văn bản về nội dung này và cho rằng đề xuất của Chính phủ chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý hỗ trợ/thanh toán các hợp đồng dự án giao thông BOT, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.
Đối với 3 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân: Hiện nay, Chính phủ chưa có đề nghị bổ sung 3 dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023, do đó, đề nghị Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thông tin về việc này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, sau khi nhận được văn bản của Tổng Thư ký, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng có tờ trình báo cáo về 3 dự án luật này.
Theo dự kiến, tại phiên họp tháng 11 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường. Các nội dung còn lại sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tháng 12/2022; tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Văn phòng Quốc hội chưa nhận được hồ sơ của các nội dung này.
"Do đó, sau khi có đủ hồ sơ tài liệu bảo đảm chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các nội dung cũng như việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 và quyết định triệu tập kỳ họp", ông Cường cho hay.
Đề xuất kỳ họp bất thường sau Tết Nguyên Đán
Về thời gian và hình thức họp, căn cứ tiến độ chuẩn bị các nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội xin đề xuất 2 phương án:
Trong đó, phương án 1: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường chưa kịp xem xét đủ điều kiện trong tháng 12/2022 thì đề nghị tổ chức họp sau Tết Nguyên Đán (trong tháng 2/2023) và theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Còn phương án 2: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12/2022 và đủ điều kiện trình thì đề nghị tổ chức họp trước Tết Nguyên Đán (đầu tháng 1/2023) theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, trong đó họp trực tuyến để thảo luận, cho ý kiến, còn họp tập trung để biểu quyết các nội dung (hoặc nếu xét thấy việc đi lại dịp Tết khó khăn thì có thể họp trực tuyến cả kỳ).
“Việc tổ chức kỳ họp vào tháng 1/2022 nên tiến hành theo hình thức này là để phù hợp với thời điểm các địa phương phải tập trung vào việc triển khai công tác năm 2023 và các hoạt động trước Tết Nguyên Đán”, ông Cường cho hay.
Dự kiến thời gian kỳ họp, Quốc hội sẽ làm việc trong 4 ngày, hoặc 6,5 ngày. Căn cứ tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy trường hợp tổ chức kỳ họp vào tháng 1 sẽ rất gấp, hơn nữa thời điểm tổ chức sát Tết cổ truyền. Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lựa chọn phương án 1.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các cơ quan cần khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp để Ủy Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định (chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).
“Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan sẵn sàng bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn, công tác phòng, chống dịch bệnh...để phục vụ tốt cho kỳ họp”, ông Bùi Văn Cường khẳng định.
Tại phiên họp, các đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều đồng tình với chủ trương họp phiên bất thường "càng sớm càng tốt".
Tiền phong