MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán khó bùng nổ

Vẫn còn một số nút thắt khiến thị trường chứng khoán khó có sự bứt phá

Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước những ngày cuối tháng 6 có sự điều chỉnh giảm đáng kể sau chuỗi ngày tăng điểm khá dài trước đó. Dù vậy, nhìn rộng hơn từ đầu năm 2023 đến nay, VN-Index - chỉ số chính của TTCK Việt Nam - đã tăng 10,74%, nằm trong nhóm các thị trường có mức tăng trưởng tốt trên toàn cầu, vượt bậc so với các thị trường trong khối ASEAN.

Tiếp tục hưởng lợi từ lãi suất giảm

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu - Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho biết từ đầu năm đến nay, giao dịch trung bình trên sàn HoSE đạt 11.433 tỉ đồng, giảm 48,46% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã có cải thiện đáng kể từ đầu quý II/2023. Từ cuối tháng 3-2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành, thanh khoản trên thị trường bắt đầu gia tăng. Giá trị giao dịch trung bình trong tháng 4 và 5-2023 tăng lên xấp xỉ 20% so với 3 tháng đầu năm. Từ đầu tháng 6, giao dịch tăng đột biến, nhiều phiên thanh khoản thị trường vượt mốc 20.000 tỉ đồng.

"Các nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng hút tiền mạnh và dẫn dắt đà tăng của thị trường. Đây cũng là những nhóm ngành được hưởng lợi nhờ xu thế nới lỏng tiền tệ và chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế gần đây" - bà Trần Thị Khánh Hiền nhận xét.

Chứng khoán khó bùng nổ - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn dư địa khá lớn để tăng trưởng những tháng cuối năm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thống kê cho thấy dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trở thành động lực tích cực cho TTCK. Nhiều nhà đầu tư sau thời gian dài "nằm im" đã bắt đầu giao dịch trở lại hoặc dịch chuyển dòng tiền từ kênh gửi tiết kiệm sang chứng khoán. Giá trị mua ròng của nhóm nhà đầu tư này lên tới gần 8.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2023, tập trung ở những tháng cuối quý II. Số liệu nhà đầu tư cá nhân mở mới tài khoản chứng khoán trong những tháng cuối quý II đã cho thấy xu hướng này.

Dù TTCK có những diễn biến tích cực nhưng dự báo 6 tháng cuối năm, các chuyên gia MBS duy trì quan điểm khá thận trọng. Theo đó, VN-Index khó có sự bùng nổ nếu các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp (DN) vẫn chưa được tháo gỡ, lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt đủ ở mức ngân hàng trung ương các nước mạnh tay đảo ngược chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích - Công ty CP Chứng khoán VNDirect, cho rằng trong nửa cuối năm 2023, TTCK Việt Nam vẫn còn dư địa khá lớn để tăng trưởng. Các yếu tố hỗ trợ chính như lãi suất huy động và cho vay duy trì xu hướng giảm; Chính phủ thực thi nhiều chính sách kích cầu, tăng cường giải ngân đầu tư công; thu nhập của thị trường (lợi nhuận của các công ty niêm yết) được kỳ vọng hồi phục từ quý III.

"TTCK đang ở vùng định giá thấp so với lịch sử và xứng đáng được trả mức định giá cao hơn trong bối cảnh lãi suất giảm, kỳ vọng dòng vốn đầu tư nội tiếp tục trở lại thúc đẩy đà phục hồi trong nửa cuối năm" - ông Hinh nhìn nhận.

Những nhóm, ngành nào hưởng lợi?

VN-Index nửa cuối năm nay được dự báo có thể hướng đến vùng 1.155 - 1.200 điểm trên cơ sở lợi nhuận các DN niêm yết tăng 10% và định giá P/E (giá cổ phiếu và lãi thu được trên một cổ phiếu) trong khoảng 12 - 12,5 lần.

Trưởng phòng đầu tư của một công ty chứng khoán tại TP HCM cho rằng mức định giá nói trên là khá hấp dẫn, phản ánh một phần kỳ vọng lợi nhuận cổ phiếu trong thời gian tới. Nhà đầu tư có thể tiếp cận cổ phiếu của các DN kinh doanh ổn định hoặc có động lực tăng trưởng. Chẳng hạn, DN ngành đường có kết quả kinh doanh tốt nhờ giá đường tăng 40%; nhóm DN nhiệt điện hưởng lợi từ nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.…

Ông Đinh Quang Hinh nhận định động lực phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2023 chủ yếu đến từ các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ, bao gồm chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng. Lãi suất cho vay giảm sẽ giúp DN giảm chi phí vốn, đặc biệt trong các ngành có nợ ròng cao như xây dựng và vật liệu, bất động sản. Ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi lãi suất huy động thường giảm nhanh hơn lãi suất cho vay, chứng khoán thường được hưởng lợi cả đầu vào (giảm chi phí vốn) và đầu ra nhờ thanh khoản thị trường được cải thiện, nhu cầu vay ký quỹ (margin) gia tăng…

"Đầu tư công sẽ vẫn là câu chuyện xuyên suốt trong năm nay và cả những năm sắp tới. Việc Chính phủ thúc đẩy hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn sẽ mang lại khối lượng công việc rất nhiều cho nhóm DN xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng trong nửa cuối năm 2023 và những năm sắp tới. Các dự án năng lượng liên quan lĩnh vực dầu khí, điện năng đang được rục rịch tái khởi động cũng sẽ cải thiện triển vọng của nhóm cổ phiếu ngành điện - dầu khí" - chuyên gia VNDirect phân tích.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Huy Thoại, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), cho rằng động lực lớn nhất của TTCK thời điểm này là hành động từ phía Chính phủ. Tăng trưởng GDP cả nước trong nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (trừ năm 2020 xảy ra đại dịch COVID-19), trong khi mục tiêu cả năm phải đạt 6,5%. Trong bối cảnh này, Chính phủ có thể cần thêm ít nhất một đợt hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khi sự hấp thụ vốn của kinh tế yếu, tín dụng chỉ tăng trưởng hơn 3,1% tính đến ngày 23-6. 

Tiền tiết kiệm chưa "chảy" nhiều sang chứng khoán

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng TTCK đã hồi phục đáng kể sau 4 lần giảm lãi suất điều hành nhưng thực tế, dòng vốn dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán không đáng kể. Bởi lẽ, lãi suất điều hành giảm nhưng gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn trong bối cảnh hiện tại.

"Lãi suất giảm sẽ tác động tích cực đến sản xuất - kinh doanh, bất động sản, chứng khoán. Có điều, nhà đầu tư không nên quá chủ quan vì triển vọng hồi phục của DN không thể nhanh và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu" - ông Lực lưu ý.

Theo Thái Phương - Thy Thơ

Người lao động

Trở lên trên