Doanh nghiệp bia xoay xở hồi phục
Sau khi trải qua năm 2023 đầy khó khăn do kinh tế phục hồi chậm, cơ quan chức năng siết chặt các quy định về hạn chế rượu bia khi tham gia giao thông, hoạt động kinh doanh nhiều doanh nghiệp ngành bia đã khởi sắc hơn trong quý I/2024.
- 11-05-202486 mã chứng khoán bị HoSE cắt margin: HAG, FRT, HVN cùng hàng loạt cổ phiếu “hot” góp mặt
- 11-05-2024Bình quân mỗi ngày Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) lãi hơn 6 tỷ
- 11-05-2024Khối ngoại bất ngờ quay đầu bán ròng 3.000 tỷ trong tuần 6-10/5, một cổ phiếu bất động sản bị "xả" đột biến
Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu thuần ở mức 7.184 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng và tác động thuận lợi từ việc tăng giá trong năm ngoái. Nhờ đó, thu về lợi nhuận 1.024 tỉ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.
Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 327 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng hơn 7 triệu lít. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, lãi trước thuế của doanh nghiệp đạt gần 30 tỉ đồng, tương đương tăng 49%.
Công ty CP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) - chủ hãng rượu Vodka Hà Nội - ghi nhận lợi nhuận sau thuế 465 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên Halico kinh doanh có lãi sau chuỗi thua lỗ kéo dài 8 năm liên tiếp từ 2016 đến 2023.
Năm 2024, lãnh đạo Sabeco cho biết sẽ tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu và các hoạt động phát triển thị trường, bao gồm xây dựng chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phân phối, tiêu thụ phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng cấu trúc toàn diện hệ thống phân phối theo hướng chuyên nghiệp, gia tăng hiệu quả và hỗ trợ hiệu quả cho việc kiểm soát theo kênh và phân khúc sản phẩm. Đặc biệt, Sabeco sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và cho ra đời các dòng sản phẩm mới; nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng trên toàn hệ thống Sabeco; tập trung phát triển kênh thương mại hiện đại, kênh bán hàng trực tuyến đồng thời đẩy mạnh kênh tiêu thụ mang đi và tại chỗ.
Không chỉ Sabeco mà các doanh nghiệp bia khác cũng đang "đánh" mạnh vào kênh tiêu thụ mua về để gia tăng hiệu quả kinh doanh. Khâu phân phối được thiết lập trực tiếp đến các cửa hàng, đại lý, gia tăng quyền lợi cho các đại lý truyền thống. Với kênh phân phối siêu thị, cửa hàng, hầu hết doanh nghiệp bia đều bắt tay với nhà bán lẻ để triển khai các chương trình khuyến mãi "kịch sàn".
Trong khi đó, Heineken Việt Nam đẩy mạnh tiếp thị cho dòng bia không độ cồn với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng, các cộng đồng tài xế, người yêu lái xe. Thương hiệu Heineken cũng nhân rộng mô hình "trạm 0 độ" tại một số trạm dừng nghỉ cao tốc, trạm dừng chân để quảng bá rộng rãi hơn cho dòng sản phẩm này.
Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), các doanh nghiệp đồ uống đang hoạt động với công suất dưới 80% so với trước đại dịch COVID-19. Vì vậy, VBA kiến nghị tiếp tục lùi thời hạn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, chưa nên tăng thuế tại thời điểm này mà cần giữ ổn định chính sách thuế cho ngành đồ uống, đặc biệt là các doanh nghiệp bia, rượu. Cùng với đó, cần có thêm chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, phục hồi và phát triển sản xuất.
Người Lao Động