Chứng khoán Kim Long - kẻ dừng bước trước 'cổng thiên đường'
Quyết định giải thể doanh nghiệp có thể là điều nuối tiếc đối với ban lãnh đạo CTCK Kim Long, khi chấp nhận 'dừng chân' trước thời điểm TTCK Việt Nam chuyển mình khởi sắc.
Ngày 16/03 vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) lại có thêm một phiên giao dịch trên 12.000 tỷ đồng, đợt tái cơ cấu danh mục của ETF trở thành cơ hội cho nhà đầu tư ‘săn hàng’ giá rẻ và bán hàng giá cao.
Sự hấp dẫn của thị trường sau một năm 2017 tăng trưởng ấn tượng đã tiếp tục ‘thu hút’ dòng tiền, giờ đây những phiên giao dịch chục nghìn tỷ đồng đã không còn xa lạ.
Thị trường hiện tại được ví như 'thiên đường' của các CTCK. Tất cả các yếu tố đang phác thảo một bức tranh rất tươi sáng với kỳ vọng một năm lợi nhuận khởi sắc.
Tuy nhiên, may mắn không đến với những ai đã quyết định 'dừng chân' như CTCK Kim Long (KLS), từng là một trong năm đơn vị chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường.
Hơn 1 năm trước, CTCK Kim Long tiến hành giải thể, thanh toán cho cổ đông với giá 11.000 đồng/cp, sau khi ghi nhận khoản lỗ hơn 154 tỷ đồng vào quý cuối cùng trên sàn. Nguyên nhân lỗ đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư chứng khoán dưới giá vốn.
Nhưng, điều mà KLS không ngờ tới là, chỉ sau hơn 1 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam trở lại thời kỳ 'phồn thịnh', từng bước trở lại đỉnh cao 2017.
Danh mục ngày đó của KLS, hiện tại là một khoản lợi nhuận ‘kếch sù’ đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí.
Theo BCTC kiểm toán nửa đầu 2016, danh mục của KLS gồm 40 mã cổ phiếu, với 30 mã niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán. Trong đó, nhiều cổ phiếu bluechips, ngân hàng, dầu khí đáng chú ý như PVD, PVS, GAS, MBB, CTG, HPG, PHR, FPT…
Ở thời điểm thanh lý, KLS bán tổng danh mục với giá 757,8 tỷ đồng, trong khi tổng giá vốn hơn 945 tỷ đồng, khiến công ty lỗ hơn 187 tỷ đồng. Mặt khác, KLS còn lỗ ròng hơn 358 tỷ đồng từ các mã trên sàn OTC.
Tuy nhiên, với cùng danh mục này, hiện tại có sự khác biệt rất lớn. Tính cả các khoản cổ tức và chia thưởng cổ phiếu, tổng giá trị tài sản danh mục cổ phiếu niêm yết của KLS nếu giữ lại đến giờ này đạt 1.626 tỷ đồng, mang về lợi nhuận gần 681 tỷ đồng, chuyển lỗ thành lãi chỉ sau hơn 1 năm.
Danh mục cổ phiếu niêm yết của KLS
Ước tính, những khoản đầu tư lời nhất gồm HPG, GAS, CTG, MBB, BID… đều tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần giá trị so với thời điểm KLS thanh lý. Con số này có thể vẫn chưa dừng lại ở thời kỳ thịnh vượng của thị trường như hiện nay, nhất là đối với nhóm ngành ngân hàng sau khi nút thắt xử lý nợ xấu đã được tháo bỏ nhờ nghị quyết 42.
Với sức nóng của thị trường, nếu KLS còn tồn tại, hoạt động môi giới – mảng chính của CTCK cũng hứa hẹn mang về lợi nhuận không nhỏ cho công ty.
Năm 2017, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 47 tỷ cổ phiếu, tăng 46% so với năm trước. Giá trị giao dịch đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 40%, mang về 2.500 tỷ - 4.000 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động môi giới cho các CTCK. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ giữa sức nóng của thị trường cũng mang về nguồn thu về không ít lợi nhuận cho các tổ chức tài chính.
Theo thống kê của UBCK, tổng lợi nhuận trước thuế của CTCK 2017 đạt hơn 7.000 tỷ đồng, gấp 2 lần năm trước, trong đó có 63 công ty báo lãi, nhiều đơn vị đã ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục.
Còn với KLS, nếu vẫn vững tâm theo ‘nghiệp’ chứng khoán, có thể đơn vị này cũng đã nằm trong top CTCK lãi cao nhất với quy mô vốn điều lệ xếp thứ 5 thời 2016. Nhưng thực tại vốn không cho phép hiện thực hóa từ “nếu”, những gì có thể rút ra được chỉ là kinh nghiệm và sự nuối tiếc.
Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Sau khi chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng 48% của chỉ số, vượt xa mức lãi suất tiết kiệm chỉ 8,5%, nhà đầu tư dường như đang dịch chuyển nguồn tiền sang kênh đầu tư hiệu quả hơn.
Những dự báo về tăng trưởng kinh tế quý I đang tạo dừng niềm tin cho thị trường, nhóm ngành ngân hàng được nhiều CTCK và các chuyên gia dự báo là ‘đầu tàu’ trong 2018, cùng với nhóm xây dựng và bất động sản, chứng khoán… sẽ dẫn dắt VN-Index chinh phục lại đỉnh cao 11 năm. Toàn ngành chứng khoán đang ‘vui trong niềm vui chung’ của thị trường, nhưng trong số đó thiếu đi Chứng khoán Kim Long.
Sau khi cái tên “Chứng khoán Kim Long” biến mất, cơ hội “gặt hái” lợi ích từ sân chơi chục ngàn tỷ đồng cũng không còn chỗ cho KLS, nhường lại một phần miếng bánh cho các đơn vị ở lại.
Thị giá cổ phiếu của các CTCK thời gian qua đã tăng mạnh phản ánh triển vọng của ngành. Đơn cử như cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI), đơn vị chiếm vị trí số 1 thị phần tại HNX và HOSE, đã tăng 81% chỉ trong chưa đầy 3 tháng, ở giá 41.300 đồng/cp. Cổ phiếu VND của CTCK VNDirect tăng 44%, ở giá 29.800 đồng/cp, SHS tăng 13,5% lên mức 24.400 đồng/cp…
Với những triển vọng khởi sắc của thị trường, lợi nhuận của các công ty chứng khoán chắc chắn sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng và xác lập con số mới trong năm nay.
NDH