MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán tuần cuối năm có ‘dễ thở’?

Khối ngoại có 18 phiên liên tiếp bán ròng, VN-Index tiếp tục giậm chân tại chỗ quanh vùng 1.100 điểm. Tuần cuối năm, các thị trường lớn sẽ nghỉ lễ, lực bán của khối ngoại được dự báo thu hẹp có đủ giúp giảm phần nào áp lực tâm lý cho chứng khoán trong nước?

VN-Index chứng kiến một tuần giao dịch đi ngang, tương đối ảm đạm với thanh khoản trung bình dưới 11.000 tỷ đồng/phiên. Thông tin Quốc hội đề nghị chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024 đã khiến cổ phiếu ngành bất động sản diễn biến tiêu cực. Ngược lại, cổ phiếu bán lẻ hồi phục mạnh, dẫn đầu là MWG, với đà tăng 4,31% khi khối ngoại mua ròng mạnh hơn 15 triệu cổ phiếu.

Tuần này, BID (+2,3%), MWG (+3,4%), ACB (+2,0%) là các cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt đà hồi phục. Ngược lại, nhóm cổ phiếu VCB (-1,6%), VPB (-2,9%) và GAS (-1,7%) gây áp lực lên chỉ số chung. Khối ngoại tiếp tục duy trì chuỗi bán ròng với tổng giá trị đạt 2.679 tỷ trên cả ba sàn.

Chứng khoán tuần cuối năm có ‘dễ thở’? - Ảnh 1.

Tính từ đầu năm

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDirect - cho biết , việc khối ngoại duy trì bán ròng 18 phiên liên tiếp đang là yếu tố gây tâm lý thận trọng cho dòng tiền nội, tác nhân chính cản trở đà phục hồi của thị trường. Bất chấp áp lực tỷ giá hạ nhiệt, dòng tiền ngoại liên tục bán ròng.

Theo ông Hinh, điều này xuất phát từ sự đối lập, lệch pha giữa các thị trường tài chính trên thế giới. Theo đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu ngừng tăng lãi suất điều hành và dự báo 3 đợt giảm lãi suất trong năm tới đã kéo các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ tăng điểm mạnh. Thậm chí, chỉ số chứng khoán Mỹ vượt đỉnh lịch sử.

“Có thể thấy, thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác như Nhật Bản đang “vượt trội” so với phần còn lại. Điều này khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển về các thị trường diễn biến tốt và xu hướng tăng mạnh Mỹ, Nhật Bản.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến không tốt trong giai đoạn từ cuối tháng 9 tới nay. Điều đó khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp, đặc biệt là dòng tiền đầu cơ, có xu hướng rút ròng và tìm kiếm cơ hội ở những thị trường thuận lợi hơn. Việc khối ngoại liên tục bán ròng với giá trị lớn đã khiến dòng tiền nội “chùn bước” và là lực cản chính cho sự phục hồi của các chỉ số chứng khoán trong nước”, ông Hinh nhận định.

Theo chuyên gia từ VNDirect, tuần tới, trong bối cảnh nhiều thị trường phát triển sẽ đóng cửa vài phiên để nghỉ lễ, áp lực bán của khối ngoại tại thị trường trong nước có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, xu hướng này có thể chỉ tạm thời, dẫn tới tâm lý dè dặt, thận trọng của nhà đầu tư nội chưa thể giải tỏa hoàn toàn.

Trong bối cảnh đó, các chỉ số chứng khoán khó có thể kỳ vọng bứt phá mạnh trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023. Theo đó, ông Hinh cho rằng VN-Index có thể phục hồi nhẹ hướng tới vùng 1.120-1.130 điểm trong tuần tới. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy ở thời điểm này, đặc biệt là trong bối cảnh xu hướng tăng trung hạn của chỉ số VN-Index chưa được xác lập, cho đến khi chỉ số vượt “thuyết phục” qua vùng kháng cự quanh 1.150 điểm.

Nhóm phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn nên giữ vững tâm lý trong các phiên rung lắc và chưa cần hạ tỷ trọng tại thời điểm hiện tại. Với góc nhìn kỹ thuật, VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và tiếp diễn xu hướng phục hồi trong thời gian tới.

Còn dưới góc nhìn của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), VN-Index tuần tới sẽ sớm gặp áp lực rung lắc tại vùng cản quanh 1.110 (+-5 điểm). Trạng thái giao dịch giữa 2 phe mua và bán vẫn đang có tín hiệu giằng co, lực cầu phần nào thể hiện sự chủ động sẵn sàng nhập cuộc hơn tại các vùng giá thấp/ngưỡng hỗ trợ của các cổ phiếu.

Tuy nhiên, đà tăng điểm chưa thực sự thuyết phục, khi thanh khoản vẫn đang duy trì ở ngưỡng thấp, phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành. Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục sớm, có thể cân nhắc mua/bán linh hoạt 2 chiều tỷ trọng thấp tại các vùng hỗ trợ/kháng cự kế tiếp, cụ thể là cận dưới 1.080 (+-15 điểm) và quanh 1.110 (+-5 điểm).

Theo Việt Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên