Chuỗi sản xuất giày dép toàn cầu chuyển dần từ Trung Quốc sang Việt Nam
Không chỉ hai thương hiệu khổng lồ trong ngành giày dép toàn cầu là Nike và Adidas chọn Việt Nam làm nơi sản xuất chính, một phần của chuỗi giày dép toàn cầu đang dần chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
- 18-09-2022GRDP Quảng Ninh tăng trưởng ra sao trong 9 tháng đầu năm?
- 17-09-2022Cần kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới
- 17-09-2022Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội phá vỡ 'kỷ lục' đội vốn, chậm tiến độ
Không chỉ hai thương hiệu khổng lồ trong ngành giày dép toàn cầu là Nike và Adidas chọn Việt Nam làm nơi sản xuất chính, một phần của chuỗi giày dép toàn cầu đang dần chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Truyền thông quốc tế vừa dẫn “Báo cáo nghiên cứu về Ngành Da giày ở Việt Nam, 2022-2031” của Research and Markets - một trong những công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, cho biết: hiện Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới về xuất khẩu da giày, chỉ sau Trung Quốc.
Cụ thể, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày dép các loại đến hàng trăm quốc gia trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang châu Âu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 2.200 doanh nghiệp sản xuất giày dép, tập trung chủ yếu ở khu vực xung quanh TP.HCM.
Báo cáo cho biết hiện hai thương hiệu khổng lồ trong ngành giày dép toàn cầu là Nike và Adidas đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất chính, và một phần của chuỗi giày dép toàn cầu đang dần chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam vì chi phí thấp hơn.
Nike có hơn 100 nhà cung cấp tại Việt Nam, với 96 nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam. Trong khi đó, Adidas cho biết Việt Nam đã trở thành quốc gia cung ứng lớn nhất cho hãng này, với khoảng 40% tổng sản lượng giày dép của hãng được sản xuất tại Việt Nam vào năm 2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, xuất khẩu giày dép của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 16,75 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đến năm 2021, sản phẩm giày dép của Việt Nam đã có đà tăng trưởng trở lại, xuất sang hơn 100 quốc gia và đạt khoảng 17,8 tỷ USD.
Báo cáo của Research and Markets chỉ ra rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự khởi sắc của xuất khẩu giày dép Việt Nam là do Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại có lợi cho xuất khẩu với châu Âu và Hoa Kỳ. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU chiếm khoảng 40%. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada và Mexico tăng vọt.
Sản xuất và xuất khẩu giày dép của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn từ 2022-2031.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, riêng tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại đạt 2,293 tỷ USD, tăng 0,9% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng xuất khẩu giày dép các loại đạt 16,368 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, bình quân xuất khẩu giày dép đạt trên 2 tỷ USD/tháng, còn 4 tháng mới hết năm và còn 3,6 tỷ USD là cán đích mục tiêu. Với cơ sở này ngành da giày hoàn toàn có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 22 – 23 tỷ USD trong năm 2022.
BizLive