MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện cuối tuần: Vì sao nhiều doanh nghiệp đang thiệt hại hàng nghìn tỷ vẫn rộng tay ủng hộ trăm tỷ cho cuộc chiến chống Covid-19?

29-03-2020 - 19:30 PM | Doanh nghiệp

"Nhiều người chỉ cười khi họ nghe nói rằng bí quyết của thành công là cho đi...Rồi, lại một lần nữa, nhiều người sẽ không tới được cái thành công mà họ hằng ao ước".

Những ngày gần đây khi dịch bệnh Covid-19 chuyển biến phức tạp, mọi người hạn chế tiếp xúc xã hội, ở nhà, đọc sách. Câu chuyện về triết lý "cho đi và nhận lại" có thể cũng là một câu chuyện thú vị để bạn suy ngẫm cuối tuần. Đọc xong câu chuyện này, có lẽ, bạn sẽ dễ trả lời cho câu hỏi vì đâu hàng loạt doanh nghiệp Việt đang gặp khó vẫn sẵn sàng rộng tay ủng hộ hàng trăm tỷ cho cuộc chiến chống Covid-19.

Câu chuyện kể về 2 anh em nhà nọ được thừa kế một khối tài sản lớn từ người cha vừa qua đời. Mỗi người được chia một vùng đất màu mỡ để trồng trọt và cả những ngôi nhà trên phần đất của mình để sinh sống. Hai phần đất này cách nhau 1 ngọn đồi nhỏ. Người anh đã có vợ và có đến 6 người con, trong khi người em vẫn sống cuộc sống độc thân.

Mùa thu hoạch năm đó, khi hoa màu đã về đầy kho, một đêm người em nằm trằn trọc mãi không ngủ được, bật dậy và lẩm bẩm "thật không công bằng nếu cha chia tài sản như vậy. Anh mình còn có vợ và đến 6 người con, chắc chắn cần nhiều ngũ cốc và lúa mỳ hơn mình". Ngay lập tức, người em bật dậy, vào kho trữ lương và vác thật nhiều, leo lên ngọn đồi, vào kho chứa lương của người anh và xếp đặt thật gọn gàng. Trong lòng anh mừng khấp khởi vì công việc vừa làm.

Bên kia ngọn đồi, người anh cũng nằm lẩm bẩm một mình "Thật không công bằng khi cha chia tài sản như vậy. Mình có vợ và 6 đứa con. Các con có thể trông nom 2 vợ chồng khi về già, chưa kể sau này còn đẻ thêm con cái, còn em ấy chỉ một mình".

Nghĩ là làm, người anh bật dậy, vào kho lương và vác thật nhiều, leo lên ngọn đồi sang xếp thật gọn ghẽ vào kho của người em và vui vẻ ra về.

Sáng hôm sau, người em thức dậy, ngạc nhiên thấy kho lương của mình hình như không suy suyển, nghĩ rằng mình còn mang sang chỗ người anh quá ít. Tối hôm đó anh lại quyết tâm mang vác thật nhiều hơn nữa sang chỗ người anh, rồi trở về vào đêm muộn với tâm trạng thật là vui.

Bên kia ngọn đồi, sáng hôm đó người anh thức dậy cũng ngạc nhiên thấy kho lương của mình dường như chẳng hao hụt đi, nghĩ mình còn mang cho em ít quá, tối hôm đó anh lại cố gắng mang vác thật nhiều hơn nữa sang xếp gọn vào kho của người em rồi vui vẻ trở về.

Sáng hôm sau, người em thức dậy sau một đêm ngon giấc, lại thấy kho lương của mình dường như chẳng vơi đi. Anh quyết định lần này phải mang thật nhiều, anh chuẩn bị sẵn cỗ xe bò và chất thật đầy hoa màu, ngũ cốc lên xe chờ sẵn để tối mang sang kho lương của anh.

Bên kia ngọn đồi, người anh thức dậy vào sáng sớm cũng ngạc nhiên thấy kho lương của mình dường như chẳng vơi đi, nghĩ mình còn mang cho em quá ít, liền quyết tâm chuẩn bị sẵn xe bò, chất đầy lương thực định bụng tối nay sẽ mang sang cho người em thật là nhiều.

Tối hôm đó, khi màn đêm buông xuống, bên này đồi người em đánh xe bò leo lên dốc, tâm trạng thật thoải mái. Bên kia đồi, người anh cũng đánh xe bò lên dốc hướng về phía kho lương của người em. Trên đỉnh đồi hôm đó, 2 anh em đã gặp nhau, và không cần nói, cả 2 cũng cùng hiểu những điều kỳ lạ xảy ra mấy ngày qua.

Câu chuyện không kịch tính, chỉ nhẹ nhàng những ngấm vào lòng người về triết lý sâu sắc cho đi và nhận lại.

Cho đi và nhận lại không chỉ có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống, mà cả trong mọi hoạt động, kể cả công việc kinh doanh của bạn. Lời tựa đầu cuốn sách "Người dám cho đi" có một câu rất tâm đắc "Nhiều người chỉ cười khi họ nghe nói rằng bí quyết của thành công là cho đi...Rồi, lại một lần nữa, nhiều người sẽ không tới được cái thành công mà họ hằng ao ước" – là triết lý của Pindar – người được gọi là Chủ tịch trong quyển sách này.

Pindar giải thích cho triết lý của mình: Đa số sống với cái ý tưởng như đối thoại với cái lò sưởi "trước tiên hãy cho ta hơi ấm, sau đó ta sẽ quăng cho vài thanh củi". Hoặc họ muốn nói với ngân hàng rằng "hãy đưa tôi tiền lãi, sau đó tôi sẽ gửi tiền". Và dĩ nhiên, như vậy đâu có được!".

Những ngày này, khi cả nước đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, chúng ta cũng thường xuyên nghe đây đó thông tin các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ hàng tỷ đồng, thậm chỉ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ việc phòng chống dịch.

Không chỉ vậy, những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Vingroup mới đây đã kích hoạt nhiều chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ những khó khăn cho đối tác, khách hàng trong mùa dịch. Ví dụ như Vincom Retail công bố dành 300 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống.

Bên cạnh đó hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẵn sàng dành chỗ để làm khu cách ly khi cần. Hay việc Đại học FPT dành khu ký túc xá sạch đẹp làm chỗ cách ly y tế cho hàng ngàn người...

Trong khi hàng loạt doanh nghiệp chờ đợi các gói hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, thì nhiều doanh nghiệp lớn đã đi trước, chung tay giúp đỡ các đối tác, doanh nghiệp khác cùng vượt qua khó khăn. Hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động miễn, giảm chi phí thuê mặt bằng cho các đối tác trong giai đoạn khó khăn này...

Đây là cách các doanh nghiệp đang "cho đi". Và giá trị những khoản cho đi này chắc chắn chưa thể xác định được. Nhưng cái họ "nhận lại" là gì? – dù chưa thể biết kết quả cuối cùng, nhưng rõ ràng, khi các đối tác gặp khó, các doanh nghiệp cũng không thể phát triển tốt hơn được. Do vậy, đưa một tay ra cho đối tác nắm lấy lúc sắp "chìm" cũng là cách đễ giữ cho mình được nổi.

Trong những ngày này, đâu đó, vẫn còn rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp và cả những cá nhân đang âm thầm dốc sức giúp xã hội, Nhà nước cùng đẩy lùi dịch bệnh. Gần 1 tháng trước, chúng ta cùng trầm trồ trước việc một doanh nhân – ông Jonathan Hạnh Nguyễn -  thuê nguyên cả chiếc chuyên cơ đưa con gái từ Anh về nước để tránh ảnh hưởng đến những người khác nếu cô con gái bay thương mại. Và cô con gái của vị doanh nhân đó sau khi về nước cũng đã xác định bị dương tính với Virus Sars-cov-2.

Tuy vậy, những ngày sau đó, ít ai biết rằng vị doanh nhân này, người được xem là vua hàng hiệu, đã quyên góp, thực hiện các chương trình hành động thiết thực với tổng giá trị tiền ủng hộ lên khoảng 30 tỷ đồng để trợ giúp chống dịch và hạn mặn. Bên cạnh đó ông còn cho biết sẽ miễn phí mặt bằng rộng 5.000m2 tại Siêu thị miễn thuế Mộc Bài làm khu cách ly tập trung.

Trong cuốn sách "người dám cho đi" còn có một câu: "Sự đền bù anh nhận được tỷ lệ thuận với số người anh giúp đỡ". Những "người cho đi" luôn lôi cuốn được người khác.

Một triết lý được nhiều người xem trọng là nếu đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình và không ngừng làm tăng giá trị trong cuộc sống của người khác, cuối cùng sẽ mang lại lợi nhuận cao ngoài mong đợi.

Phương Chi

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên