Chuyên gia: Các thủ đoạn rửa tiền ngày càng tinh vi và khó bóc tách hơn
Các chuyên gia cho rằng, hoạt động rửa tiền là một trong những vấn đề nghiêm trọng xuyên biên giới có thể gây tổn hại tới rất nhiều nước trên thế giới.
- 30-10-2017Không loại trừ nguy cơ "rửa tiền, tài trợ khủng bố" từ việc giao dịch qua bitcoin
- 24-05-2017Đề nghị quy trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với tội rửa tiền
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Công ty Kiểm toán PWC đã tổ chức Hội thảo Phòng chống rửa tiền thời đại công nghệ số.
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền NHNN ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền (PCRT), thời gian qua, NHNN và cụ thể là cục phòng chống rửa tiền đã phối hợp chặt chẽ các cơ quan có liên quan trong và ngoài ngành tổ chức, hướng dẫn giám sát việc triển khai các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền đối với hệ thống NH nói riêng cũng như tất cả đối tượng báo cáo khác theo quy định của Luật PCRT nói chung.
Từ năm 2014 đến nay tuy chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào mới nhưng NHNN đã đưa ra nhiều báo cáo hướng dẫn triển khai PCRT. Trong quá trình hướng dẫn triển khai quy định, NHNN nhận được sự tương tác của đối tác, đối tượng báo cáo và ghi nhận những khó khăn mà các đơn vị triển khai đang gặp phải nhất là liên quan đến công nghệ số.
Các diễn giả tham dự hội thảo đều nhấn mạnh hoạt động rửa tiền là một trong những vấn đề nghiêm trọng xuyên biên giới có thể gây tổn hại tới rất nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giao dịch quốc tế ngày càng đa dạng cùng với sự phát triển công nghệ mới, công nghệ đột phá tạo ra nhiều thách thức đối với các NH Việt Nam trong việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật về PCRT ở hiện tại và tương lai, các thủ đoạn rửa tiền ngày càng tinh vi và khó bóc tách hơn.
Đại diện của PWC cũng chỉ ra những điểm yếu trong PCRT mà cơ quan này đã nhận diện thông qua nghiên cứu khảo sát như phân loại rủi ro khách hàng không hiệu quả, tầm quan trọng của việc tuân thủ PCRT không được hiểu rõ ở tất cả các cấp nhân sự trong NH; quy trình tiếp nhận khách hàng không hiệu quả… Muốn quản lý, rà soát được giao dịch khách hàng phải có hệ thống công nghệ hiện đại để tìm kiếm mọi rủi ro có thể có.
"Các NH đang mở rộng các kênh NH di động, kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách hieuẹ quả hơn về chi phí, tuy nhiên việc đáp ứng các nghĩa vụ về Nhận biết khách hàng (KYC) theo yêu cầu pháp lý đang tạo ra thách thức cho các NH trong quá trình tiếp nhận khách hàng", Phó Tổng giám đốc PWC Singapore Richard J Major đánh giá và nhấn mạnh lợi ích việc triển khai phương pháp tiếp nhận khách hàng: tăng cường kiểm soát để ngăn chặn và phát hiện việc sử dụng hồ sơ định danh giả mạo; cải thiện xử lý xuyên suốt trong quy trình trong công tác tiếp nhận khách hàng; giảm đáng kể yêu cầu nộp hồ sơ bằng cách thủ công…
Đồng tình quan điểm cần có những sản phẩm công nghệ giảm thiểu rủi ro nhưng ông Ngọc lưu ý phải đánh giá xem xét kỹ lưỡng những sản phẩm nào tội phạm có thể lạm dụng và đưa ra biện pháp quản rị rủi ro trước khi đưa ra thị trường cung cấp cho khách hàng.
Về những giải pháp PCRT trong thời gian tới, ông Ngọc cho biết, hiện NHNN đang tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Luật PCRT để trên cơ sở đó đề xuất với Quốc hội sửa Luật PCRT. Đồng thời từng bước tháo gỡ khó khăn cũng như nâng cao ý thức tuân thủ các định chế đặc biệt là các đối tượng báo cáo tuân thủ liên quan đến PCRT; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác PCRT.