Chuyên gia cảnh báo: Căng thẳng Nga - Ukraine sẽ khiến lạm phát ở Mỹ tăng phi mã, kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái
Trong lần đánh giá tác động kinh tế sau ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine đầu tiên, các nhà dự báo cho rằng Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn và tỷ lệ lạm phát cao hơn, còn châu Âu sẽ tiến đến gần với sự suy thoái, trong khi kinh tế Nga rơi vào mức giảm sâu với 2 con số.
CNBC Rapid Update - theo dõi 14 dự báo về kinh tế Mỹ, cho thấy GDP quốc gia này sẽ tăng 3,2% trong năm nay, giảm 0,3% so với dự báo hồi tháng 2 nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ sự hồi phục sau đại dịch. Lạm phát chi tiêu tiêu dùng cá nhân được dự báo tăng 4,3% trong năm nay, cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát thực hiện hồi tháng 2.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo cảnh báo rằng, họ vẫn chưa thể ước tính kinh tế Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước cú sốc giá dầu tăng khi giá dầu thô cho đến nay đã tăng vượt 126 USD/thùng và giá xăng trung bình toàn quốc là trên 4 USD/gallon. Hầu hết dự báo của họ đều cho thấy mối rủi ro nghiêng về lạm phát cao hơn và tăng trưởng giảm tốc.
Các nhà kinh tế cho biết, việc loại bỏ hoàn toàn dầu của Nga khỏi nguồn cung toàn cầu có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ hơn nhiều. JPMorgan cho biết trong một báo cáo cuối tuần trước: "Hậu quả của việc Nga ngừng xuất khẩu 4,3 triệu thùng/ngày sang Mỹ và châu Âu là cực kỳ đáng sợ. Trong bối cảnh sự tách rời ngày càng căng thẳng, quy mô và thời gian của sự gián đoạn sẽ gây ra cú sốc cho tăng trưởng toàn cầu."
CNBC Rapid Update cho thấy tốc độ tăng trưởng của Mỹ tăng 3,5% trong quý II từ mức 1,9% trong quý I. Tuy nhiên, con số này đã giảm 0,8 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát trước đó. Bởi vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn được xem là đang hồi phục sau dịch bệnh, nhưng không phải với tốc độ ấn tượng vì lạm phát đang gây ảnh hưởng lớn.
Giới chuyên gia ước tính, lạm phát tại Mỹ sẽ tăng 1,7 điểm phần trăm trong quý này và 1,6 điểm phần trăm ở quý sau. Cuối năm, lạm phát sẽ giảm từ 4,3% xuống 2,4%. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn được đánh giá là ổn định.
Nhà kinh tế Stephen Stanley cho hay: "Giá năng lượng đang tăng đột biến và sẽ còn tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, tôi dự đoán phần lớn đà tăng trong những ngày gần đây sẽ hạ nhiệt trong vài tháng tới, điều này có nghĩa là tăng trưởng và lạm phát chỉ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn."
Một yếu tố khiến cú sốc lạm phát này khác biệt so với những yếu tố khác là lượng dầu mà Mỹ sản xuất. Với sản lượng và nhu cầu của Mỹ thiếu sự cân bằng, dòng tiền được chuyển từ người tiêu dùng sang các nhà sản xuất trong nước, thay vì chảy ra nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình và một số khu vực nhất định trong nước, nhưng lại thúc đẩy lợi nhuận của các công ty năng lượng Mỹ. Các công ty dầu mỏ có thể thúc đẩy tăng trưởng bằng cách sử dụng lợi nhuận để tăng cường hoạt động khoan.
Lạm phát của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.
Tuy nhiên, một số người bi quan cho rằng áp lực từ lạm phát tăng cao sẽ trở thành lực cản lớn đối với đà tăng trưởng của Mỹ. Joseph Lavorgna đến từ Natixis cho hay: "Mỹ đang chứng kiến tình trạng lạm phát kèm suy thoái, với giá năng lượng và lương thực còn có khả năng tăng cao hơn nữa."
Trong khi đó, các chuyên gia hầu hết đều đồng tình rằng châu Âu sẽ chịu tác động tồi tệ hơn.
Barclays gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng của châu Âu trong năm nay từ 4,1% xuống 3,5%. Ngân hàng đầu tư cho biết: "Giá hàng hóa tăng vọt và tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường tài chính là những yếu tố chính, cho thấy cả thế giới đang chịu cú sốc lạm phát và châu Âu là khu vực gánh nhiều rủi ro nhất."
JPMorgan cũng hạ dự báo tăng trưởng đối với châu Âu, ở mức gần 1%. Ngân hàng này ước tính GDP của khu vực eurozone sẽ tăng 3,2%, nhưng quý II là mức 0.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Nga được dự báo sẽ là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. JPMorgan ước tính kinh tế nước này sẽ giảm 12,5% do phải chịu các lệnh trừng phạt, khiến 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối bị "đóng băng" và tách rời nền kinh tế nước này với phần còn lại của thế giới.
Viện Tài chính Quốc tế cho rằng kinh tế Nga sẽ sụt giảm 15%, gấp đôi so với thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhà kinh tế trưởng Robin Brooks của IIF cho hay: "Chúng tôi nhận thấy rủi ro suy thoái tăng cao. Nước Nga sẽ không bao giờ như trước đây nữa."
Tham khảo CNBC
Doanh Nghiệp Tiếp Thị
Sự kiện: Căng thẳng Nga - Ukraine
Xem tất cả >>- Bất chấp áp lực khủng khiếp từ phương Tây, Nga vẫn có đồng minh ngay giữa lòng EU và NATO
- Roman Abramovich - vị tỷ phú lạc trôi giữa những "làn đạn": Bị phương Tây đóng băng tài sản nhưng đang chạy đua cho hòa bình ở Ukraine
- "39 ngày xung đột, tất cả người Việt ở Ukraine đều an toàn"
- Nga tuyên bố giai đoạn đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã kết thúc
- Giới chức Mỹ và NATO: "Ông nói gà, bà nói vịt" về khả năng Belarus sắp tham chiến ở Ukraine