MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Không thể để nông nghiệp mãi thiệt thòi!

Nông nghiệp làm được nhiều điều cho kinh tế, nhưng Nhà nước đang hỗ trợ nông nghiệp ít hơn những gì ngành này đáng được hưởng!

Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bên lề một cuộc hội thảo về tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa cách đây ít hôm.

Bà Phạm Chi Lan cho biết, dù cho không gian chính sách của Việt Nam đã bị “thu hẹp” hơn so với trước đây bởi những cam kết khi hội nhập nhưng Chính phủ vẫn có những khoảng trống tận dụng được tại thị trường trong nước. Trong đó, bà đặc biệt đề cập đến việc hỗ trợ cho ngành nông nghiệp.

“Tôi muốn nhấn mạnh cái mà chúng ta cần tận dụng trong thời gian tới là hỗ trợ đối với nông nghiệp”, bà Chi Lan nói.

Bởi theo vị chuyên gia này, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác đồng thời có một vị trí quan trọng về mặt dân sinh.

Cụ thể hơn 65% dân số Việt Nam vẫn sống ở nông thôn và vẫn dựa vào nông nghiệp; 48% lực lượng lao động Việt Nam đang làm việc trong khu vực này. Ngoài ra, cho đến thời điểm hiện tại đây vẫn là ngành mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhất.

“Nông nghiệp nếu thoạt nhìn có vẻ như chúng ta bị thua các nước khác, tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, thì Việt Nam vẫn có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực này”, bà Chi Lan nhận định.

Do vậy, bà cho rằng đây là lĩnh vực cần hơn cả để nghiên cứu sâu, định hình rõ ràng những chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.

Không chỉ thay đổi, hỗ trợ ngành nông nghiệp vì tính cạnh tranh trên trường quốc tế, bà Chi Lan còn chỉ ra đây là việc bắt buộc phải làm vì nông nghiệp đang đứng trước thách thức lớn hơn bao giờ hết.

“Gần như chúng ta phải thay hoàn toàn cách làm nông nghiệp so với trước đây bởi biến đổi khí hậu, thiên tai. Từ thực tế ở Việt Nam đã đặt ra các vấn đề như tài nguyên thiên nhiên cần được khai thác hiệu quả, nuôi dưỡng về lâu về dài chứ không phải là tận diệt như bây giờ”, bà nói.

Bà Chi Lan cũng chỉ ra việc khoa học công nghệ cũng thay đổi liên tục đòi hỏi nông nghiệp có sự chuyển mình mạnh mẽ vì nếu không nông nghiệp Việt Nam không có cách gì đáp ứng được các chuẩn trên thế giới.

Mặt khác, theo bà Chi Lan, yêu cầu của người tiêu dùng trong nước về tính an toàn của nông sản cũng là yêu cầu lớn mà nông nghiệp cần làm vì đấy là nhu cầu tất yếu, là sinh mạng mà mấy chục triệu người dân, tương lai nòi giống Việt, đòi hỏi đó đặt nông nghiệp trước những thách thức lớn nên nông nghiệp cần phải tối đa không gian chính sách cho nông nghiệp.

“Việt Nam là nước đang phát triển nên vẫn được dùng 10% tổng sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ trở lại cho ngành nhưng từ trước đến giờ đã bao giờ chúng ta đã dùng hết chưa, chúng ta dùng thấp hơn rất nhiều. Nông nghiệp làm được nhiều cho ngành kinh tế, nhưng chúng ta lại đang hỗ trợ ít hơn những gì ngành đáng được hưởng. Thiệt thòi lắm!”, bà Phạm Chi Lan thở dài.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên