Chuyên gia kinh tế: Quỹ bình ổn xăng dầu đang gây… bất ổn?
“Các quốc gia khác không can thiệp vào giá xăng dầu mà dùng quỹ xăng dầu dự trữ mua vào bán ra để ổn định giá. Quỹ Bình ổn xăng dầu của Việt Nam đang gây bất ổn chứ không phải bình ổn giá”, TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân) - nói tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu ” sáng 14/2.
- 13-02-2023Một thành phố trực thuộc TW đặt mục tiêu GRDP bình quân trên 29.000 USD
- 11-02-2023Tỉnh duy nhất xuất siêu tỷ đô ngay trong tháng đầu năm 2023
- 07-02-2023Một cảng biển Việt Nam nhảy 10 bậc trong top 50 cảng lưu thông hàng hóa lớn nhất thế giới chỉ trong 1 năm
Theo ông Phạm Thế Anh, quỹ bình ổn xăng dầu là một “sáng tạo” của Việt Nam. Quỹ này hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Cùng đó, Quỹ bình ổn xăng dầu có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và ngược lại. Ngoài ra, việc trích lập khi giá thế giới tăng cũng khá phổ biến. Vì vậy, nguyên tắc này không đảm bảo "bình ổn" và Quỹ bình ổn xăng dầu chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá.
Theo tính toán của ông Phạm Thế Anh, có thời điểm, cơ quan điều hành ngược khi trích lập vào quỹ khi giá xăng dầu thế giới tăng. Tiêu biểu như năm 2022, giá xăng gần 30.000 đồng/lít nhưng người dân vẫn phải đóng vào quỹ khiến giá xăng tiếp tục tăng. Hiện nay, giá xăng hơn 22.000 đồng/lít nhưng vẫn xả quỹ để bù vào giá xăng dầu.
TS Phạm Thế Anh cũng chỉ ra một bất cập nữa của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là có tái phân phối thu nhập theo hướng làm gia tăng bất bình đẳng. Cụ thể, xăng E5 RON92 có số lần được chi quỹ nhiều hơn hẳn số lần phải trích lập. Các loại dầu phải trích lập nhiều hơn chi. Điều này khiến người sử dụng dầu đang phải “trợ giá’’ cho những người dùng xăng.
“Việc trích quỹ của dầu ít lần hơn so với xăng nhằm khuyến khích sử dụng xăng E5 chưa hợp lý. Nếu muốn khuyến khích người dân sử dụng xăng E5, cơ quan chức năng cần hạ thuế, tăng thuế bảo vệ môi trường chứ không phải dùng quỹ để điều tiết giá. Tôi khuyến nghị, nhà nước cần tái cấu trúc lại thị trường”, TS Phạm Thế Anh khuyến nghị.
Quỹ bình ổn xăng dầu cũng chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Việc xác định loại xăng, dầu nào phải trích lập hoặc được chi khá tùy hứng. Quy mô trích lập, chi cũng không tuân theo quy tắc nào. Quỹ bình ổn chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá, thể hiện qua mức độ biến động (đo bằng độ lệch chuẩn) của giá xăng dầu (từng ngày) sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn trong 3 năm gần đây (2020-2022).
Ông Thế Anh khuyến nghị, quỹ chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu. Rút ngắn thời gian điều hành giá và tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh hơn.
Hơn 300 doanh nghiệp tham gia Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu”.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng nhiều lần kiến nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu để hoạt động theo cơ chế thị trường. Mặt khác, khi bỏ quỹ bình ổn xăng dầu, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Trước đó, tại thảo luận về Luật Giá, Luật Đấu thầu sửa đổi ở Kỳ họp Quốc hội vào tháng 11/2022, nhiều đại biểu lo ngại sự minh bạch của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), không nhất thiết phải tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi quỹ này thu của người tiêu dùng nhưng giao doanh nghiệp quản lý chứ không phải Nhà nước. Thực tế có những thời điểm quỹ không phát huy được, nhiều thời điểm bị âm quỹ.
Tiền Phong