MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: Nhân danh quản lý, ngành thuế đang đòi hỏi quá nhiều từ ngân hàng

22-11-2018 - 13:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Một trong những điểm đáng chú ý về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là quy định buộc ngân hàng cung cấp số tài khoản có gắn với mã số thuế của khách hàng. Quy định này đã được sửa lại từ quy định trong dự thảo trước đó yêu cầu ngân hàng phải cung cấp số dư tài khoản, thông tin giao dịch của tài khoản.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Theo giải thích của Tổng cục thuế, mục đích quy định ngân hàng cung cấp số tài khoản có gắn với mã số thuế của khách hàng là để quản lý thuế tốt hơn, đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Theo Tổng cục thuế, ví dụ trong trường hợp người nộp thuế nợ thuế đến mức phải cưỡng chế chẳng hạn, cơ quan thuế sẽ phải thực hiện các biện pháp phong tỏa tài khoản hay trích tiền từ tài khoản. Thực tế, một người có thể mở tài khoản tại rất nhiều ngân hàng, mà nếu không có thông tin tài khoản của họ thì không thể thu được thuế với trường hợp trây ỳ, cố tình trốn thuế.

Cũng theo Tổng cục thuế, qua tham khảo kinh nghiệm của các nước, hầu hết đều quy định ngân hàng cung cấp số tài khoản của khách hàng gắn với mã số thuế của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Còn ở nước ta thì chỉ thực hiện khi cơ quan thuế yêu cầu. Hay với những trường hợp có dấu hiệu rủi ro về thuế, ngân hàng cũng cung cấp các giao dịch thanh toán của người nộp thuế.

Những lý giải trên của Tổng cục thuế, theo tác giả, có cái đúng, cái sai, bất hợp lý.

Trước hết, việc quản lý thuế thế nào cho tốt là nhiệm vụ và trách nhiệm riêng của ngành thuế. Về nguyên tắc, ngành thuế không được phép nhân danh việc này để làm khó cho những ngành khác, những đơn vị kinh tế và công dân. Điều này cũng tương tự, cũng áp dụng cho tất cả các cơ quan công quyền khác của nhà nước. Dù họ đều hoạt động vì mục đích công (của nhà nước), nhưng không vì thế mà họ được quyền làm phiền, làm khó những người khác một cách không thỏa đáng.

Từ nguyên tắc trên, ngành thuế không được đòi hỏi ngân hàng phải cung cấp số tài khoản có gắn với mã số thuế của toàn bộ khách hàng của ngân hàng. Yêu cầu này là không thỏa đáng (cả trên lý thuyết lẫn thực tế, như nói thêm dưới đây) nên cần phải loại bỏ khỏi dự thảo luật (sửa đổi).

Tuy nhiên, yêu cầu ngân hàng cung cấp số tài khoản gắn với mã số thuế của khách hàng có thể được chấp nhận, có thể là hợp lý trong một số trường hợp ngoại trừ mà Tổng cục thuế đã nêu, ví dụ trong trường hợp phải cưỡng chế thuế.

Như vậy, thay vì phải cung cấp hàng triệu số tài khoản với mã số thuế của khách hàn, ngân hàng chỉ phải cung cấp thông tin này của một số lượng nhất định khách hàng "có vấn đề". Điều này không chỉ là giảm phiền hà, tốn kém cho ngân hàng mà, quan trọng hơn, đảm bảo tính bảo mật thông tin của ngân hàng – một yêu cầu cơ bản và thiết yếu với mọi hệ thống ngân hàng.

Liên quan đến chuyện bảo mật thông tin ngân hàng, Tổng cục thuế cho rằng "hầu hết (các nước) đều quy định" ngân hàng cung cấp số tài khoản của khách hàng gắn với mã số thuế là không hoàn toàn chính xác. Ngay trong khu vực, Singapore, một nước không khoan nhượng với các hoạt động tội phạm liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế, rửa tiền nhằm mục đích giữ cho nước này luôn duy trì được vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu uy tín, không hề có điều luật nào tương tự như điều luật mà Tổng cục thuế Việt Nam đang dự thảo đưa vào luật.

Cụ thể, chuyện bảo mật ngân hàng ở Singapore được quy định ở phần 47 của Luật Ngân hàng (chương 19). Theo đó, các ngân hàng thành lập ở Singapore hoặc có chi nhánh ở Singapore không được phép tiết lộ bất cứ "thông tin khách hàng" nào cho bất cứ người nào khác ngoài những trường hợp ngoại trừ. Thông tin khách hàng được định nghĩa là mọi chi tiết cá nhân của người chủ tài khoản, và, ví dụ, loại tài khoản (tiền gửi, tiền vay, hay đầu tư). Những trường hợp ngoại trừ là khi cảnh sát hoặc một cơ quan công quyền hoặc tòa án gửi yêu cầu thu nhập thông tin cho mục đích điều tra hay công tố.

Như vậy, đối chiếu với quy định của Singapore, có thể thấy ngân hàng về nguyên tắc không phải tự động cung cấp (tất cả) thông tin của (tất cả) khách hàng cho bất cứ ai, kể cả cơ quan công quyền. Tuy có ngoại lệ, nhưng ngoại lệ này chỉ được phép khi cơ quan công quyền phải có văn bản yêu cầu, và chỉ để phục vụ mục đích điều tra, công tố, chứ không phải là mục đích khác, ví dụ như cứ biết để đấy, khi nào cần thì lấy ra sử dụng như cách hiểu và áp dụng ở Việt Nam. Thông lệ/quy định luật mang tính quốc tế này cũng đã được áp dụng ở Việt Nam, như thế là đủ, sao Tổng cục thấy chưa đủ, cần phải "tăng cường" thêm?

Tổng cục thuế có thể có lý khi cho rằng nếu không nắm được thông tin gì của khách hàng ngân hàng (khi chưa có/chưa phát hiện ra vấn đề, ví dụ, nghi vấn trốn thuế, rửa tiền) thì khó mà quản lý thuế một cách hiệu quả theo nghĩa là không kịp thời phát hiện ra những hành động gian lận, trốn thuế… Nhưng kể cả có quan ngại này (và quan ngại này không chỉ có ở Việt Nam) thì nó hoàn toàn có thể giải quyết theo cách khác, hợp pháp và hợp lý hơn.

Đó là việc yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo cho cơ quan chức năng toàn bộ các giao dịch nghi ngờ, có vấn đề. Đây là quy định cơ bản, thiết yếu trong hầu hết các luật ngân hàng ở các nước trên thế giới. Theo một khảo sát của OECD với các quốc gia thành viên thì tất cả các nước mà họ khảo sát đều bắt buộc các ngân hàng sở tại thực thi điều khoản này.  Nếu thực thi tốt điều khoản này thì ngành thuế (phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát của ngành ngân hàng) hoàn toàn có thể đạt được mục đích quản lý thuế của mình mà không phải đưa ra những đòi hỏi không thỏa đáng về cung cấp thông tin khách hàng như trong dự thảo.

Tóm lại, việc buộc các ngân hàng cung cấp số tài khoản và mã số thuế khách hàng rõ ràng là tiện lợi và tốt cho ngành thuế nhưng lại không tiện lợi cho và xung đột với các quy định riêng (hoàn toàn hợp pháp và hợp lý) của ngành ngân hàng. Do đó, ngành thuế cần bỏ quy định này trong dự thảo Luật Quản lý thuế.

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên