MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia quốc tế nói gì về những lĩnh vực hưởng lợi của Việt Nam khi Trung Quốc mở cửa?

Chuyên gia quốc tế nói gì về những lĩnh vực hưởng lợi của Việt Nam khi Trung Quốc mở cửa?

Hàng trăm xe tải hàng từ Việt Nam đang xếp hàng chờ ngày mở cửa lại biên giới với Trung Quốc, làm dấy lên hy vọng rằng, chuỗi cung ứng sẽ tháo gỡ khó khăn của các biện pháp hạn chế mà Trung Quốc áp dụng để chống Covid-19, giải phóng lượng hàng hóa đã bị mắc kẹt trong nhiều tuần liền.

Trong khi việc mở cửa trở lại sẽ tạo thuận lợi cho thương mại cho cả hai nhà xuất khẩu điện thoại và quần áo hàng đầu thế giới, là Việt Nam và Trung Quốc, thì sự suy thoái toàn cầu cũng đang làm giảm nhu cầu đối với sản phẩm của họ, Nikkei Asia viết.

Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc kiểm dịch để chống dịch. Tại một số cửa khẩu, các tài xế phải dùng đến phương thức vận chuyển "không tiếp xúc": Họ đậu xe tải ở biên giới và sử dụng các đơn vị đầu kéo để chuyển container cho các tài xế Trung Quốc.

Khó khăn trong quy trình vận chuyển hàng hóa vào Trung Quốc năm ngoái đã khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với nước láng giềng tăng 10% so với năm 2021.

Paul Tonkes, Phó giám đốc Bất động sản công nghiệp của Core5 Việt Nam, cho biết đã có ngày càng nhiều các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, và việc mở cửa trở lại sẽ khiến các hoạt động trong chuỗi cung ứng sôi động hơn.

"Mọi thứ đang tốt lên", anh trả lời Nikkei qua điện thoại. "Việc kinh doanh đã bị đình trệ hoặc chịu áp lực trong một thời gian khá dài, nhưng giờ đã được giải phóng".

Rất nhiều mặt hàng, từ thiết bị điện tử, cho đến nông sản, đang được giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai quốc gia đã đạt kim ngạch thương mại song phương trị giá 176 tỷ USD vào năm 2022.

Tuần này, không khí tưng bừng đã trở lại biên giới, những người lái xe tải làm thủ tục nhập cảnh trong vòng chưa đầy một phút - trái ngược hoàn toàn với năm ngoái, khi họ phải chờ dài bên đường, có khi cả tháng trời.

Việt Nam là khách hàng lớn thứ tư thế giới đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, phản ánh chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển hướng - vận chuyển nguyên liệu từ Trung Quốc, lắp ráp tại Việt Nam - với chi phí thấp hơn và xuất khẩu chúng dưới dạng sản phẩm cuối cùng.

Nhiều sản phẩm trong số đó đáng lẽ sẽ lại xuất sang Trung Quốc, nhưng các hạn chế do Covid-19 đã làm giảm các chuyến hàng, khiến thâm hụt của Việt Nam với đối tác thương mại lớn nhất của mình lên 60 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ, theo dữ liệu hải quan.

Chính quyền Lào Cai, tỉnh biên giới Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại vào năm 2023, cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại "các cửa khẩu sau thời gian dài chống chọi với đại dịch Covid-19 sẽ là cơ hội để phục hồi và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu". 

Nhưng, nhu cầu đang suy giảm. IMF đã dự báo hồi tháng 10 rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2,7% vào năm 2023, "mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2001, ngoại trừ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn cấp tính của đại dịch Covid-19". Hôm 12/1, IMF cho biết họ kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm nay, nhưng sẽ không công bố triển vọng cập nhật cho đến cuối tháng này.

Và việc vận chuyển cũng chưa hẳn sẽ được nối lại nhanh chóng. Các lãnh đạo ở Lạng Sơn cảnh báo rằng, một số cửa khẩu hải quan sẽ tiếp tục sử dụng phương thức vận tải bằng xe tải "không tiếp xúc" trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, các công ty đang mong đợi sự gia tăng trong sản xuất, cũng như du lịch và các chuyến công tác trên khắp châu Á.

"Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi chính sách biên giới của Trung Quốc theo nhiều cách. Đầu tiên, Việt Nam sẽ giảm bớt một số vấn đề về chuỗi cung ứng", Eli Mazur, đối tác của công ty luật YKVN nói với Nikkei Asia. Thứ hai, ông nói, sự trở lại của du lịch sẽ cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc, từ năng lượng tái tạo đến công ty chăm sóc sức khỏe, tiếp tục hoạt động tại Việt Nam.

Ông Tonkes của Core5 cho biết, Việt Nam đã chứng kiến ​​các đơn đặt hàng và việc làm bị cắt giảm, nhưng những điều này có thể được bù đắp "với việc Trung Quốc trở lại cuộc đua".

Nguồn: Nikkei Asia

Nhã Mi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên