MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền: 90% ông chủ trẻ nghĩ tiền trong doanh nghiệp là tiền của mình

16-10-2024 - 09:16 AM | Doanh nghiệp

"Một trong những đối tác trước đây của tôi đang chuẩn bị phá sản, bởi vì ông chủ suốt ngày sai kế toán đi rút tiền công ty về làm việc cá nhân. Mặc dù đây là doanh nghiệp của mình, nhưng hãy độc lập tiền của công ty và tiền cá nhân", chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền nêu kinh nghiệm.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền: 90% ông chủ trẻ nghĩ tiền trong doanh nghiệp là tiền của mình- Ảnh 1.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền.

Chuyên gia Nguyễn Duy Chuyền là một trong những “KOL tài chính” được chú ý gần đây với kênh TikTok Doctor Housing, sở hữu một số video hàng triệu view. Xuất hiện trên series podcast Extra Money do Rising Vietnam sản xuất, vị chuyên gia đã đưa ra nhiều “insight” sâu sắc về quản lý tài chính và đầu tư.

Ông Chuyền khẳng định quản lý tài chính là điều rất khó, đòi hỏi sự từng trải, tích lũy kinh nghiệm. Theo ông, một trong những sai lầm phổ biến nhất khi mở doanh nghiệp là đồng nhất tiền của công ty với tiền cá nhân.

90% ông chủ trẻ cứ nghĩ tiền trong doanh nghiệp là tiền của mình. Bây giờ rất nhiều ông chủ lớn trên thị trường, thậm chí doanh nghiệp ngàn tỷ, vẫn như vậy. Một trong những đối tác trước đây của tôi đang chuẩn bị phá sản, bởi vì ông chủ suốt ngày sai kế toán đi rút tiền công ty về làm việc cá nhân. Mặc dù đây là doanh nghiệp của mình, nhưng hãy độc lập tiền của công ty và tiền cá nhân ”, ông Chuyền nhấn mạnh.

Đây cũng là lời khuyên mà vị chuyên gia gửi gắm tới những bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp. Nếu muốn xài tiền của công ty, hãy rút tiền trong đó ra để trả lương cho chính mình. Kế toán là người quyết định điều này.

Ông Chuyền lấy ví dụ là công ty kiếm được 100 triệu đồng, nếu muốn lấy 50 triệu thì hãy trả lương cho chính mình 50 triệu. Tháng sau kế toán nói rằng tiền không đủ chi trả lương, thì phải tự hạ lương của mình xuống. Ông phân tích ngân sách của công ty dùng để nuôi sống chính nó, trả lương nhân viên, bảo hiểm, chi trả mặt bằng, tiền thuế… đồng thời cần thiết để quản lý những rủi ro trong tương lai.

Hãy để công ty hoạt động, cuối năm trích một phần lợi nhuận ra để đầu tư. Ví dụ, công ty tạo ra 1 tỷ đồng, cuối năm chúng ta lấy 500 triệu đi đầu tư. Nếu thành công sẽ tạo ra tài sản lớn hơn, còn thất bại thì mất 500 triệu, nhưng công ty vẫn duy trì được. Đây là công thức cơ bản ”, ông Chuyền lý giải.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền: 90% ông chủ trẻ nghĩ tiền trong doanh nghiệp là tiền của mình- Ảnh 2.

Một vấn đề được đặt ra là liệu câu “có chí làm quan, có gan làm giàu” đồng nghĩa với đánh cược hay không?

Theo góc nhìn của ông Chuyền, câu tục ngữ này chính xác, bởi phải liều lĩnh một chút mới có thể giàu có. Làm gì cũng sợ thì mãi không bao giờ giàu được.

Một người bạn đại học của tôi làm gì cũng sợ rủi ro. Hồi tôi mua nhà bên Tân Phú, tôi khuyên cô bạn này rằng bây giờ đang thuê trọ 5 triệu/tháng, chi bằng mua một căn chung cư 2 phòng ngủ, trả ngân hàng khoảng 8 triệu/tháng. Vậy là đang trả tiền cho căn nhà của chính mình.

Lúc đó mức thu nhập của bạn tôi là gần 30 triệu/tháng, chỉ phải trả 8 triệu/tháng mà vẫn sợ, vì mười mấy năm trước việc mua nhà là điều rất kinh khủng với người bạn đó. Cô ấy lo sợ đủ thứ, chẳng hạn như thất nghiệp. Cuối cùng cô ấy vẫn mua ”, ông Chuyền nêu ví dụ.

Đúc kết lại, vị chuyên gia cho biết trên thị trường tài chính phải liều lĩnh, nhưng có kiểm soát. Còn làm gì cũng sợ thì mãi mãi không bao giờ có thể đầu tư.

Cuộc chơi tài chính dành cho những người hiểu biết, chỉ mạo hiểm đối với người không có kiến thức ”, ông nêu quan điểm.

Theo Minh Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên