MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử là trầm cảm nhưng các dấu hiệu của bệnh thường bị bỏ qua vì định kiến

04-08-2020 - 22:59 PM | Sống

Cá nhân trầm cảm nặng thường có quan điểm bi quan không thực tế về bản thân, cuộc sống và tương lai của mình. Và chúng ta đều biết, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử là trầm cảm.

Trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Trong đó trầm cảm ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt là trong giới trẻ.

Tại Việt Nam, bệnh trầm cảm hiện đang chưa được nhìn nhận một cách đúng và đầy đủ. Khi một người tâm sự với người thân rằng họ bị trầm cảm, đa số họ sẽ bị áp đặt rằng họ bị vậy là do "không chịu ra ngoài nhiều" hoặc "quá yếu đuối", "quá nhạy cảm". Cho đến những năm gần đây, trầm cảm vẫn là một chủ đề khó nói và chứa đựng nhiều thành kiến tại Việt Nam.

PGS, TS Nguyễn Huy Việt, nguyên Trưởng bộ môn Tâm thần, ĐH Y Hà Nội nhận định trên báo Nhân dân, trong rối loạn sức khỏe tâm thần thì phổ biến nhất là bệnh trầm cảm. Hiện nay, 3% - 5% dân số thế giới mắc bệnh này. Ngoài lý do bệnh tật thì bị trầm cảm do chịu áp lực, quá tải, lo lắng, stress từ cuộc sống là căn bệnh của thời đại khiến cho bộ não bị quá tải. Người trầm cảm nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây tổn thương cho chính mình, phản ứng tiêu cực với người chung quanh, có thể tự sát hoặc giết người.

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14 nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Trong đó, trầm cảm được xem là rối loạn tâm thần phổ biến thứ ba trong thanh, thiếu niên. Khoảng 8% - 29% trẻ em vị thành niên Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Rối loạn tâm thần được định nghĩa là sự kết hợp của những suy nghĩ bất thường, quan niệm, cảm xúc, hành vi và mối quan hệ với người khác. Ngoài những rối loạn về mặt sinh học (chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần lưỡng cực, tâm thần phân liệt…), sức khỏe tâm thần, cũng có thể bị tác động bởi các yếu tố tâm lý xã hội gây căng thẳng.

Theo PGS TS Trần Thành Nam, thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội): "Mặc dù đã có rất nhiều chương trình truyền thông về chứng bệnh trầm cảm nhưng dường như xã hội vẫn tồn tại rất nhiều định kiến về bệnh trầm cảm. Trầm cảm được ví như biểu hiện của một người thất chí (không có ý chí phấn đấu), trầm cảm đồng nghĩa với sự lười nhác của cá nhân. Trên thực tế, trầm cảm là một chứng bệnh.

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử là trầm cảm nhưng các dấu hiệu của bệnh thường bị bỏ qua vì định kiến - Ảnh 1.

PGS TS Trần Thành Nam, thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nguyên nhân trầm cảm có thể đến từ yếu tố di truyền, sự suy giảm serotonin và mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh như norepinephrine, dopamine và acetylcholine trong não. Cũng có thể do cá nguyên nhân văn hoá-xã hội-môi trường và áp lực cuộc sống. Trầm cảm cần được chữa trị bằng thuốc kết hợp với các liệu pháp tâm lý và chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được trầm cảm".

Trong khi bệnh trầm cảm đang ngày một gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ với tỉ lệ tự tử mỗi năm khá lớn, Việt Nam lại đang thiếu hụt rất lớn đội ngũ bác sĩ tâm lý, các khóa học ứng phó với trầm cảm tại các trường học. PGS TS Thành Nam cho biết, khi xã hội có nhiều định kiến về bệnh tâm thần trong đó có trầm cảm, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu hụt và đội ngũ cán bộ tâm lý còn chưa chuyên nghiệp sẽ dẫn đến việc nhiều cá nhân nhận thấy mình đáp ứng đầy đủ các dấu hiệu của trầm cảm nhưng vì sợ định kiến xã hội nên không chấp nhận mình mắc bệnh.

Họ chỉ dám phàn nàn là mình mất ngủ, mình mệt mỏi hoặc mình đau đầu, đau lưng. Vì vậy, họ cũng ít khi tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sỹ tâm thần hay nhà tâm lý mà tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sỹ chuyên khoa thực thể. Không tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ sai địa chỉ sẽ làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Cá nhân trầm cảm nặng thường có quan điểm bi quan không thực tế về bản thân, cuộc sống và tương lai của mình. Và chúng ta đều biết, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử là trầm cảm.

Vậy chúng ta phải làm gì để giúp đỡ những người bị trầm cảm?

Sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống hiện đại khiến áp lực công việc gia tăng, bộ não làm việc quá tải, khiến con người thêm cảm giác cô độc, lệ thuộc vào mạng xã hội. Bên cạnh đó, sức ép của cha mẹ đối với con cái trong việc học hành, thi cử, không khí nặng nề trong các gia đình không hạnh phúc cũng chính là nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm cho người trẻ.

Số liệu thống kê cho biết, khi mắc bệnh, nhiều người trẻ đều tự đối phó với bệnh trầm cảm. Tuy nhiên nhận thức phổ biến của người trầm cảm lại luôn nghĩ mình sẽ khỏi bệnh mà không cần ai giúp. Hiện chưa có một nghiên cứu riêng biệt về kỳ thị, phân biệt đối xử trên thanh, thiếu niên có vấn đề về rối loạn tâm thần, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nhóm này sẽ phải chịu sức ép rất lớn khiến các em sẽ có cuộc sống ngày càng khép kín và bế tắc hơn.

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử là trầm cảm nhưng các dấu hiệu của bệnh thường bị bỏ qua vì định kiến - Ảnh 2.

Để kịp thời hỗ trợ người bị trầm cảm, những người xung quanh cần tích cực tiếp xúc, chia sẻ khi nhận thấy người đó có một số dấu hiệu đáng ngại. Thể hiện sự quan tâm, lo lắng một cách chân thành, cụ thể và luôn đồng hành cũng họ.

Theo PGS TS Trần Thành Nam, bệnh nhân trầm cảm rất cần được động viên tiếp tục thực hiện các hoạt động từng hứng thú trước đây cho dù hiện tại mất hứng thú. Giúp họ duy trì giấc ngủ đều đặn (ngủ đúng giờ, ngủ đủ giờ, tránh ngủ quá nhiều), tham gia hoạt động thể chất đều đặn, tham gia các hoạt động xã hội càng nhiều càng tốt (duy trì kết nối). 

Những người xung quanh cần chú ý đến những dấu hiệu, ý tưởng tự sát (đảm bảo luôn có người giám sát và một môi trường an toàn). Trong trường hợp cần thiết, hãy liên lạc với chuyên gia tham vấn tâm lý lâm sàng, bác sỹ tâm thần để được tư vấn, can thiệp tâm lý và hỗ trợ về thuốc...

Hoàng Lan

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên