MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: Việc VinFast lùi tiến độ nhà máy tại Mỹ, tập trung phát triển thị trường Châu Á là một quyết định đúng đắn

08-08-2024 - 11:35 AM | Doanh nghiệp

"Quyết định này sẽ giúp hãng xe điện này có thêm thời gian chuẩn bị và tăng khả năng thích ứng với biến động của thị trường xe điện", ông Joshua Cobb, chuyên gia phân tích ô tô cao cấp tại BMI, chia sẻ với TechinAsia.

Theo TechinAsia, VinFast đã ra thông báo lùi thời gian xây dựng nhà máy tại Mỹ thêm ba năm và đẩy nhanh tiến độ mở hai nhà máy khác tại Indonesia và Ấn Độ vào năm 2025. Theo các chuyên gia phân tích, động thái này có thể giúp VinFast tối ưu hóa chi phí đầu tư trong bối cảnh thị trường xe điện tại Mỹ đang gặp nhiều khó khăn.

"Việc tạm hoãn xây nhà máy tại Mỹ sẽ khiến VinFast chậm lại trong quá trình thâm nhập thị trường Bắc Mỹ, nhưng đây lại là lựa chọn hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại. Quyết định này sẽ giúp hãng xe điện này có thêm thời gian chuẩn bị và tăng khả năng thích ứng với biến động của thị trường xe điện", ông Joshua Cobb, chuyên gia phân tích ô tô cao cấp tại BMI, chia sẻ với TechinAsia

Trước đó, công ty này đã lên kế hoạch đầu tư 1,4 tỷ USD cho nhà máy tại Bắc Carolina (Mỹ) và 400 triệu USD cho hai nhà máy tại Indonesia và Ấn Độ. 

Chuyên gia: Việc VinFast lùi tiến độ nhà máy tại Mỹ, tập trung phát triển thị trường Châu Á là một quyết định đúng đắn- Ảnh 1.

Một đại lý xe VinFast tại Mỹ.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường xe điện tại Mỹ và châu Âu đang có dấu hiệu chững lại, thì thị trường Nam Á và Đông Nam Á vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng do tỷ lệ sử dụng xe điện còn thấp. Ông Barry Weisblatt, Giám đốc Khối phân tích của Chứng khoán Vndirect cho rằng đây là một quyết định đúng đắn khi VinFast tạm hoãn kế hoạch đầu tư lớn tại Mỹ và tập trung vào thị trường châu Á. Chi phí xây dựng nhà máy ở Indonesia và Ấn Độ thấp hơn nhiều so với ở Mỹ.

THỊ TRƯỜNG XE ĐIỆN ĐANG DẦN THAY ĐỔI

Mặc dù VinFast đã có những bước tiến nhất định tại Mỹ, tuy nhiên hãng xe này vẫn sẽ phải đối mặt với một số khó khăn. 

Chính trị Mỹ đang có nhiều biến động, đặc biệt là với cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thận trọng hơn trong việc hoạch định chiến lược. Ông Colin Richardson, Nhà sáng lập công ty tư vấn Omni-Channel Automotive Solutions, cảnh báo rằng nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, xe VinFast có thể phải đối mặt với các mức thuế quan bổ sung.

Năm ngoái, VinFast bán được 265 xe tại Mỹ. Hãng đã có sự cải thiện trong quý đầu tiên của năm nay với 927 xe được bán ra, chiếm hơn 10% tổng số xe đã giao trên toàn cầu.

Hiện tại, VinFast đang có 7 mẫu xe, trải dài từ xe điện mini đến SUV cỡ lớn, ngoài ra công ty còn sản xuất cả xe máy và xe buýt điện. Hãng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới phân phối ra 50 quốc gia vào cuối năm nay và có thể sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hơn ở thị trường châu Á, nơi các Chính phủ đang tích cực khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng xe điện trong nước.

Tỷ lệ sử dụng xe điện ở Ấn Độ và Indonesia lần lượt là 6,4% và 1,7%. VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy tại Indonesia vào đầu tháng này và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tới, cùng với nhà máy tại Ấn Độ, mỗi nhà máy có công suất sản xuất ban đầu là 50.000 xe/năm.

Chuyên gia: Việc VinFast lùi tiến độ nhà máy tại Mỹ, tập trung phát triển thị trường Châu Á là một quyết định đúng đắn- Ảnh 2.

Lễ khởi công nhà máy VinFast tại Ấn Độ.

Ông Lukas Neckermann, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Neckermann Strategic Advisors, nhận định: "VinFast đã rất khôn ngoan khi nắm bắt cơ hội này, nhưng chúng ta cũng cần phải xét đến việc liệu thị trường có thực sự đáp ứng được kỳ vọng của VinFast hay không vẫn còn là một câu hỏi mở".

Không chỉ phục vụ thị trường nội địa, xe điện sản xuất tại nhà máy ở Ấn Độ sẽ được xuất khẩu sang Nam Á, Trung Đông và châu Phi, trong khi nhà máy ở Indonesia sẽ cung cấp xe điện tay lái nghịch cho các thị trường như Thái Lan, Singapore, Malaysia và Australia.

VinFast đã điều chỉnh mục tiêu doanh số cả năm 2024 xuống còn 80.000 xe, so với mục tiêu ban đầu là 100.000 xe. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được với công suất sản xuất lên tới 300.000 xe/năm của nhà máy tại Hải Phòng. 

Chuyên gia: Việc VinFast lùi tiến độ nhà máy tại Mỹ, tập trung phát triển thị trường Châu Á là một quyết định đúng đắn- Ảnh 3.

Nhà máy xe điện VinFast tại Hải Phòng

Từ năm 2017 đến 2023, VinFast đã nhận được tổng cộng 11,4 tỷ USD rót vốn từ công ty mẹ Vingroup, các công ty liên kết, các tổ chức tín dụng và tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Hãng tin Reuters đưa tin vào tháng 1 rằng VinFast có kế hoạch tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng trên sàn Nasdaq lên 10% đến 20% vào cuối năm nay, từ mức 2% hiện tại, nhằm thu hút thêm nhà đầu tư.

Hiện tại, VinFast được định giá khoảng 9,5 tỷ USD.

VinFast đã triển khai nhiều chiến lược để tối ưu hóa chi phí. Từ cuối năm 2023, VinFast đã chuyển đổi mô hình phân phối từ trực tiếp sang kết hợp với mạng lưới đại lý, nhằm giảm bớt gánh nặng về vốn. Hãng đặt mục tiêu có 400 điểm bán hàng trên toàn cầu vào cuối năm 2024.

Tháng 10 năm ngoái, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chuyển giao công ty pin VinES cho VinFast, giúp hãng tiết kiệm 5% đến 7% chi phí pin - linh kiện đắt đỏ nhất trong xe điện. Ông cũng thành lập V-Green, một công ty con chuyên về phát triển trạm sạc, nhằm giảm bớt chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho VinFast.

Trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2023 của Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng Vượng chia sẻ: "Nếu chỉ vì mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận, ban lãnh đạo Vingroup đã không chọn một lĩnh vực đầy thách thức như sản xuất ô tô." Ông nhấn mạnh rằng Vingroup thành lập VinFast xuất phát từ "lòng yêu nước" và "trách nhiệm xã hội."

Trọng Hiếu

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên