MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển hồ sơ vụ Khaisilk sang công an điều tra

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghề lụa Vạn Phúc (Hà Nội) cho rằng, việc bỏ mác nước ngoài đi đưa mác Việt Nam là kinh doanh không có đạo đức vì đây chính là hành vi lừa dối khách hàng, không trung thực.

Theo thông tin của Tiền Phong, tại cuộc họp của Bộ Công Thương với các đơn vị xung quanh vụ việc Khaisilk bán hàng hai nhãn mác chiều 30/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Quản lý thị trường chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cửa hàng 113 Hàng Gai (Hà Nội) bán hàng 2 nhãn mác sang cho cơ quan điều tra công an TP Hà Nội xem xét mức độ vi phạm hình sự của cửa hàng trong việc bán hàng 2 nhãn mác.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường có văn bản gửi cơ quan điều tra công an TP Hà Nội đề nghị hỗ trợ Bộ Công thương và lực lượng chức năng  làm rõ mối liên hệ cũng như vai trò của Tập đoàn Khải Đức với thương hiệu Khaisilk và việc kinh doanh của cửa hàng số 113 Hàng Gai trong việc dùng nhãn mác giả 'Made in Viet Nam' để lừa người tiêu dùng. Từ đó làm rõ những vi phạm của Tập đoàn Khải Đức và Khaisilk trong việc tiêu thụ các hàng hoá Made in Trung Quốc giả nhãn mác hàng hoá Việt Nam trong nhiều năm qua.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng yêu cầu lập đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của Bộ Tài chính, cơ quan thuế, hải quan, cơ quan chức năng của Bộ Khoa học Công nghệ, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội Dệt may và Cơ quan điều tra công an kinh tế của Bộ Công an để thực hiện sớm việc kiểm tra toàn bộ hệ thống hoạt động của Tập đoàn Khải Đức. Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành này sẽ có đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương như: Vụ Pháp chế, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường….

“Cục Quản lý thị trường làm đầu mối, làm việc với tập đoàn Khải Đức với những nội dung cụ thể nhằm làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Khaisilk và tập đoàn Khải Đức trong việc lừa đảo người tiêu dùng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và cho biết sẽ đề nghị cơ quan điều tra của công an giúp giám định chất lượng của các sản phẩm lụa gắn mác Khaisilk bị thu giữ vừa qua tại cửa hàng 113 Hàng Gai vừa qua. Qua đó sẽ làm rõ những sai phạm về chất lượng, chỉ dẫn địa lý hàng hoá cũng như xuất xứ hàng hoá. Từ đó sẽ xác định mức độ sai phạm để củng cố cơ sở điều tra đối với vụ việc bán hàng giả nhãn mác của cửa hàng 113 Hàng Gai.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) cho rằng, việc gian lận nguồn gốc hàng hoá chắc chắn có nguy hiểm cho xã hội. Khi lừa mỗi người vài trăm ngàn đến vài triệu;, lừa hàng trăm người, hàng nghìn người qua cả chục năm thì giá trị trở nên rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Như vậy, một hành vi gian lận để thu lợi bất chính lên đến hàng chục tỷ đồng chẳng nhẽ không xứng đáng bị xử lý hình sự?

Theo ông Đức, không chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho những người mua khăn, hành vi của gắn mác sai lệch này còn gây một tác động dài hạn, to lớn hơn là gây mất lòng tin của người tiêu dùng vào những nhãn mác gắn trên sản phẩm, hàng hoá, từ đó làm thui chột những doanh nghiệp đang nỗ lực kinh doanh chân chính.

“Nếu Nhà nước không trừng phạt hành vi gian lận nhãn mác một cách thích đáng thì người tiêu dùng sẽ không còn tin vào nhãn mác hàng hoá nữa. Lúc đó sẽ làm mất đi động lực sản xuất hàng hoá có chất lượng cao của các doanh nghiệp. Đơn giản vì ai cũng sẽ có thể bán hàng chất lượng thấp và gắn mác chất lượng cao”, ông Đức phân tích.

Theo vị chuyên gia này, việc trừng phạt các doanh nghiệp có hành vi kinh doanh gian lận khi được làm một cách công khai, minh bạch sẽ giúp giảm tình trạng kinh doanh gian lận, chứ không thể làm giảm động lực kinh doanh chân chính của cộng đồng doanh nghiệp.


Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên