Chuyện lạ: Dự án yếu kém mang lại khoản lãi nghìn tỷ cho Đạm Hà Bắc
Ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến kiểm tra Nhà máy Đạm Hà Bắc vào tháng 8/2022 (Ảnh: VGP)
Khoản vay tài trợ dự án dự án Cải tạo Nhà máy Đạm Hà Bắc, một trong 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương - đã mang lại cho công ty khoản doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng trong năm 2023, giúp kết quả kinh doanh Đạm Hà Bắc đảo chiều.
Nội dung chính:
- Đạm Hà Bắc lãi hơn 1.600 tỷ đồng trong riêng quý IV/2023 nhờ khoản doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng từ việc xóa lãi vay.
- Khoản lãi vay này nằm trong khoản vay tài trợ dự án Cải tạo Nhà máy Đạm Hà Bắc, từ năm 2008 với hạn mức hơn 4.100 tỷ đồng.
- Kể từ năm 2015, khi nhà máy vận hành trở lại sau khi cải tạo, Đạm Hà Bắc có tới 6 năm thua lỗ liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu.
Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - UPCoM: DHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với khoản lợi nhuận sau thuế gần 1.650 tỷ đồng, bằng 19 lần kết quả cùng kỳ 2022.
Khoản lợi nhuận nói trên của Đạm Hà Bắc có được nhờ vào khoản doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng từ đề án tái cơ cấu các khoản vay với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Báo cáo tài chính của Đạm Hà Bắc không chỉ rõ chi tiết khoản thu này. Tuy nhiên, khoản lãi vay phải trả của công ty với Ngân hàng đã giảm con số tương đương (hơn 1.700 tỷ đồng) trong quý IV/2023 trong khi báo cáo dòng tiền không thể hiện việc thanh toán.
Thông tin chi tiết về việc xóa lãi có thể sẽ được công bố trên báo cáo kiểm toán năm 2023 của Đạm Hà Bắc.
Với khoản lợi nhuận đột biến hơn 1.800 tỷ đồng được ghi nhận trong quý IV, Đạm Hà Bắc đã có một năm kinh doanh có lãi, đạt 861 tỷ đồng, tương đương một nửa kết quả đạt được năm 2022.
Thua lỗ vì lãi vay
Từ năm 2008, Đạm Hà Bắc đã vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam một khoản vay với hạn mức trên 4.100 tỷ đồng để tài trợ dự án Cải tạo Nhà máy Đạm Hà Bắc. Đến năm 2015, khi dự án hoàn tất và đi vào hoạt động, công ty bắt đầu phải hạch toán lãi vay vào chi phí hoạt động hàng năm.
Đây là một trong 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương, đang được Bộ Công Thương cũng như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem - công ty mẹ, sở hữu phần lớn cổ phần Đạm Hà Bắc) đang lên phương án xử lý.
Đạm Hà Bắc từ một công ty phân đạm đầu ngành của Việt Nam, sau khi sử dụng vốn vay để cải tạo nhà máy, đã dần chìm trong thua lỗ.
Dự án Cải tạo Nhà máy không chỉ mang đến cho Đạm Hà Bắc những khoản lỗ khổng lồ, còn khiến công ty rơi vào tranh chấp nhiều năm với nhà thầu dự án. Đến nay những tranh chấp đó vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Các khoản lỗ hàng năm của Đạm Hà Bắc từ năm 2015 trở đi được lý giải là do hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất là từ nguyên liệu than với giá thành cao, thiếu cạnh tranh so với các doanh nghiệp cùng ngành sản xuất ure từ khí thiên nhiên.
Thứ hai, cũng là nguyên nhân chính, là do chi phí lãi vay quá nặng nề.
Từ năm 2015, khi nhà máy đi vào vận hành, chi phí lãi vay hàng năm của Đạm Hà Bắc chưa bao giờ dưới 400 tỷ đồng, thậm chí lên đến 980 tỷ đồng vào năm 2021. Trước đó một năm, vào năm 2014, khoản chi phí lãi vay của Đạm Hà Bắc chỉ ở mức 16 tỷ đồng. Trong 9 năm từ 2015 - 2023, tổng chi phí lãi vay của Đạm Hà Bắc đạt trên 6.700 tỷ đồng. Phần lớn chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay dự án Cải tạo Nhà máy.
Chi phí lãi vay hàng năm của Đạm Hà Bắc (tỷ đồng)
Từ khi nhà máy sau cải tạo đi vào vận hành, Đạm Hà Bắc đã có 6 năm liên tiếp thua lỗ. Năm 2021, công ty thoát lỗ và có lãi nghìn tỷ vào năm 2022 nhờ thị trường phân đạm khởi sắc.
Tuy nhiên, ngay cả khi có lãi, thì khoản chi phí lãi vay của Đạm Hà Bắc vẫn tiếp tục là gánh nặng.
Vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc đã bị bào mòn sau nhiều năm thua lỗ. Từ mức 2.223 tỷ đồng vào cuối năm 2014, đến cuối năm 2023, chỉ tiêu này của công ty đã âm 252 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của Đạm Hà Bắc (tỷ đồng)
Có lãi cũng nhờ… lãi vay
Điều bất ngờ đã đến với tình hình tài chính của Đạm Hà Bắc vào quý IV/2023 khi công ty được xóa khoản lãi vay tới 1.800 tỷ đồng, trực tiếp giúp Đạm Hà Bắc có lãi trở lại vào năm 2023 sau 9 tháng đầu năm thua lỗ.
Về nguyên tắc, Đạm Hà Bắc đã hạch toán chi phí lãi vay vào kết quả kinh doanh hàng năm của công ty.
Việc xóa lãi vay đã giúp Đạm Hà Bắc ghi nhận trở lại trên 1.800 tỷ đồng doanh thu. Nói cách khác, năm 2023, Đạm Hà Bắc có lãi nhờ….lãi vay. Đây lại là khoản vay liên quan đến một trong 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương.
Tuy nhiên, công ty không thực sự thanh toán rốt ráo các khoản lãi vay nói trên. Đến cuối năm 2023, dù đã giảm hơn 1.700 tỷ đồng (nhờ xóa lãi vay), thì khoản lãi vay phải trả của Đạm Hà Bắc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam vẫn còn trên 2.500 tỷ đồng.
Ngoài khoản lãi vay phải trả, đến cuối năm 2023, Đạm Hà Bắc vẫn còn số dư gốc 1.271 tỷ đồng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Tổng của hai khoản này (gốc và lãi) là 3.790 tỷ đồng.
Ngoài Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Đạm Hà Bắc còn nợ Vietinbank 1.344 tỷ đồng vay dài hạn cho dự án Cải tạo Nhà máy nói trên. Tuy nhiên, với Vietinbank, Đạm Hà Bắc không nợ lãi vay.
Như vậy tổng nợ vay (gốc và lãi) của Đạm Hà Bắc tính đến cuối năm 2013 với dự án Cải tạo Nhà máy là 5.134 tỷ đồng.
Quý IV/2023, Đạm Hà Bắc đạt doanh thu 1.189 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nhờ khoản lợi nhuận khác trên 1.800 tỷ đồng, công ty lãi 1.649 tỷ đồng trong riêng quý IV, bằng 19 lần kết quả quý IV/2022.
Lũy kế cả năm 2023, công ty lần lượt đạt 4.413 tỷ đồng doanh thu và 861 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt giảm 31,5% và 51,6% so với năm 2022.
Nhịp Sống Thị Trường