Cổ đông nhiều ngân hàng chất vấn lãnh đạo về giá cổ phiếu và cổ tức
Bên cạnh đề xuất và cam kết đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh doanh, một số ban lãnh đạo ngân hàng còn phải chạy thêm KPI giá cổ phiếu.
- 26-04-2023Không phải tiền, dầu ăn, voucher,… “món quà” lớn nhất mà cổ đông muốn nhận được khi tham gia ĐHĐCĐ là gì?
- 26-04-2023Mùa đại hội: Ngân hàng nào chia cổ tức tiền mặt làm ấm lòng cổ đông?
- 25-04-2023Hơn 1.000 cổ đông đi họp đại hội cổ đông Sacombank hôm nay
- 17-04-2023Đại hội cổ đông ngân hàng, rộn ràng chuyện M&A
- 14-04-2023Đại hội cổ đông ngân hàng liên tục “nóng” chuyện trái phiếu
Tại đại hội cổ đông thường niên hôm 26/04 vừa qua tại HDBank, một cổ đông tổ chức đã nêu thắc mắc vì sao kết quả kinh doanh năm 2022 rất tốt nhưng giá cổ phiếu HDB, P/B ngân hàng vẫn thấp nhất trong 5 năm, đồng thời đặt câu hỏi với lãnh đạo ngân hàng rằng đây đã là thời điểm tốt nhất để mua vào cổ phiếu HDB chưa và liệu sắp tới những người đứng đầu ngân hàng có hành động mua vào hay không?
Trả lời cổ đông, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị cho biết, ban lãnh đạo ngân hàng là những nhà đầu tư dài hạn, không thể có câu trả lời chính xác về việc đây đã là thời điểm phù hợp để mua vào. Nhà đầu tư có thể tham khảo ý kiến của các đơn vị tư vấn. Còn về việc mua cổ phiếu thì cán bộ công nhân viên cũng như lãnh đạo ngân hàng thời gian qua vẫn đều đặn mua vào cổ phiếu HDB.
“Có một thực tế là thời gian qua ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên HDBank có tiền tích cóp đều mua cổ phiếu HDB, như một truyền thống”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.
Trước đó, tại đại hội cổ đông Sacombank tổ chức hôm 25/04, các cổ đông cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với vấn đề giá cổ phiếu và cổ tức.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank chia sẻ, việc giá cổ phiếu đi lên từ năm 2017 cũng là một trong những minh chứng cho việc kết quả kinh doanh của Sacombank đi lên. Về vấn đề chia cổ tức, Sacombank thuộc diện ngân hàng tái cơ cấu. Thời gian qua nhiều vấn đề trong việc tái cơ cấu đã được xử lý, chỉ còn việc bán đấu giá cổ phiếu của ông Trầm Bê xong là có thể hoàn thành đề án tái cơ cấu. Nếu giải quyết xong vấn đề này, ngân hàng có thể sẽ được chia cổ tức. Đồng thời, ngân hàng có dự định chia hết phần lợi nhuận tích lũy trong suốt thời gian vừa qua.
“Chúng tôi nhận nhiệm vụ thành viên hội đồng quản trị của Sacombank năm 2017. Lúc đấy, thị trường chứng khoán rất tốt, trong khi giá cổ phiếu của Sacombank chỉ khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu. Đến thời điểm hiện tại mặc dù thị trường chứng khoán rất kém, nhưng cổ phiếu STB vẫn đang quanh vùng 25.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy rõ ràng kết quả hoạt động kinh doanh của Sacombank rất tốt”, ông Dương Công Minh nói.
Tại Techcombank, năm 2013 là tròn một thập kỷ ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt. Lần cuối cùng Techcombank chia cổ tức là vào năm 2018 - chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 200%. Giá cổ phiếu của nhà băng này sau chia cổ tức cách đây 5 năm, chốt năm 2018 ở mức 25.850 đồng, đến nay ở mức xấp xỉ 30.000 đồng, tức tăng chưa tới 20% trong 5 năm.
Vấn đề cổ tức và giá cổ phiếu cũng đặc biệt nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư tại đại hội cổ đông thường niên của Techcombank trong các năm qua.
Tại đại hội năm 2023, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, ông cũng quan tâm đến giá cổ phiếu, song vấn đề được ông chú ý nhiều hơn đó là giá trị của Techcombank. Ngoài ra, ông cho biết thêm ngân hàng cũng có ý định mua cổ phiếu quỹ, tuy nhiên vẫn đang chờ hướng dẫn từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
“Tôi cũng quan tâm tới giá cổ phiếu TCB, nhưng tôi quan tâm hơn tới giá trị phát triển của tổ chức. Tôi luôn tin rằng giá trị tương lai của Techcombank sẽ gấp 5, gấp 10 lần hiện tại. Nếu đầu tư dài hạn, không có gì phải suy nghĩ. Còn nếu đầu tư ngắn hạn, đó không phải là sở trường của tôi”, ông Hồ Hùng Anh nói.
Việc chi trả cổ tức có 2 phương án là bằng tiền mặt và băng cổ phiếu. Trong đó, theo ông, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ nên thực hiện khi có những đòi hỏi về góc độ cải thiện các chỉ số. Ngoài ra, khi trả cổ tức theo hình thức này, cổ đông vẫn sẽ phải đóng 5% thuế thu nhập cá nhân khi bán cổ phiếu. Năm nay, Techcombank cũng đã trích 32 nghìn tỷ vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, theo đó, khi cần thiết sẽ điều chỉnh tăng vốn.
Về cổ tức tiền mặt, việc thực hiện còn phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư phát triển của ngân hàng. Với số vốn để lại, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư để tạo ra giá trị.
“Tôi từng nói với năm 2013 là 10 năm sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay vừa đúng năm thứ 10, tôi chưa thể nói gì sắp tới, nhưng mọi việc có thể xem xét”, chủ tịch Techcombank nói thêm với cổ đông.
Cũng liên quan tới giá cổ phiếu, tại chương trình “Bí mật đồng tiền mùa 2 - Số 08: Đột nhập Đại hội”, phát sóng trên nền tảng VTV Digital mới đây, khi được hỏi về khả năng giá cổ phiếu tăng gấp 5-10 lần, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI cho biết vấn đề ngân hàng cho rằng giá cổ phiếu sẽ tăng 5-10 lần không phải thông tin mới. Vì các năm trước nhà băng này cũng từng cho rằng giá cổ phiếu chưa phản ánh đúng tình hình kinh doanh và chưa đạt kỳ vọng. “Việc tăng 5-10 lần là hoàn toàn có thể, chỉ có điều chưa biết bao giờ”, ông Hưng đánh giá.
Nhịp sống Thị trường