MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có đúng là kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn Ấn Độ và Trung Quốc?

28-10-2016 - 08:09 AM | Tài chính quốc tế

Theo các chuyên gia kinh tế, ý kiến gây tranh cãi của tỉ phú Donald Trump cho rằng kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng "đình đốn” và tăng trưởng chậm hơn cả hai nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc chỉ phản ánh một nửa sự thực.

Trong buổi tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ vừa qua, ứng viên Đảng Cộng hoà bình luận rằng nền kinh tế Ấn Độ hiện tăng trưởng 8%, Trung Quốc tăng trưởng 7% trong khi kinh tế Mỹ đang tăng trưởng và theo báo cáo gần đây nhất chỉ ở mức 1%. "Tôi cho rằng tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm hơn nữa... Kinh tế Mỹ đang đình trệ", Trump nói.

Tỉ phú Trump đúng khi nói rằng kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn Ấn Độ và Trung Quốc bởi theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ tăng 7,6% so với tỉ lệ tăng trưởng 6,9% của Trung Quốc. Trong khi đó, theo các số liệu của Uỷ ban Phân tích Kinh tế Mỹ, nền kinh tế Mỹ đạt tỉ lệ tăng trưởng 1,4% trong quý II/2016.

Nhìn về giá trị bề mặt, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Mỹ khá thấp so với tỉ lệ tăng trưởng của Ấn Độ và Trung Quốc có thể gây sốc.

Mối lo ngại của ứng viên tổng thống thuộc Đảng Cộng hoà về tình hình tăng trưởng kinh tế Mỹ không phải không có lý do chính đáng. Trong quý I năm nay, kinh tế Mỹ chỉ đạt tỉ lệ tăng trưởng khiêm tốn là 0,8% mặc dù mức tăng trưởng này đã nhích lên trong quý II.

Tuy nhiên, theo một số nhà kinh tế, sự so sánh một nền kinh tế phát triển như Mỹ với các nền kinh tế đang phát triển không lột tả được một bức tranh kinh tế thực sự.

Matthew Oxenford, chuyên gia nghiên cứu thuộc viện chính sách độc lâp Chatham House, nhận định đây thực sự là một sự so sánh khập khiễng vì các nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ thường tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với các nước đã phát triển như Mỹ. Các nền kinh tế phát triển cũng thường gặp nhiều khó khăn trong việc tạo ra sự tăng trưởng.

William Cline, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tại Washington, cho biết: "Các nước như Ấn Độ và Trung Quốc có sự tăng trưởng rượt đuổi mà giới kinh tế gọi là hội tụ”.

Một nhà kinh tế đã đưa ra ví dụ về toàn bộ công việc của việc phát minh ra chiếc máy bay đầu tiên tại Mỹ. Chuyên gia John Nugée thuộc Chatham House cho hay: "Khi chế tạo ra chiếc máy bay đầu tiên cũng nghĩa là nước Mỹ chấp nhận một công việc kinh doanh táo bạo, có sức sáng tạo cao, đầy kỹ xảo song chứa đầy rủi ro và nhiều thất bại trước khi anh em nhà Wright thử nghiệm thành công cho máy bay bay được. Trái lại, khi Ấn Độ phát chế chiếc máy bay đầu tiên của mình, toàn bộ công việc họ phải làm là bận rộn với một hãng sản xuất và nói 'Chúng tôi muốn một trong những chiếc đó'. Do vậy, việc rượt đuổi và bắt kịp đối với một nước nghèo dễ dàng hơn công việc duy trì đà tăng trưởng để đi từ thành công này sang thành công khác lớn hơn mà một nước giàu cần phải làm."

Chuyên gia Oxenford cũng nhất trí cho rằng các nền kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh hơn. Ông nói: "Về cơ bản, có nhiều 'thành quả dễ gặt hái 'ở các nước đang phát triển như việc di dân từ khu vực nông thôn lên thành thị, xây dựng các thể chế quản lý tốt và triển khai những đổi mới về công nghệ đã được thực thi ở các nền kinh tế phát triển."

Tại Mỹ, khoảng 82% dân số đã sinh sống ở các khu vực nông thôn so với tỉ lệ chỉ 33% ở Ấn Độ và 56% ở Trung Quốc.

Báo cáo tổng kết năm 2014 của Liên hiệp Quốc cho thấy Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước có số dân cư ở nông thôn đông nhất thế giới.

Song theo số liệu thống kê của CIA, số dân này di chuyển từ nông thôn lên thành thị với tỉ lệ 2,38% ở Ấn Độ và 3,05% ở Trung Quốc. Trong khi đó, tỉ lệ người rời nông thôn lên thành thị ở Mỹ là 1,02%.

Chuyên gia Cline cho biết, khi nhân công chuyển từ ngành nông nghiệp truyền thống vốn có năng suất thấp sang ngành kinh tế 'hiện đại' ở đô thị, thì sản lượng kinh tế sẽ tăng vọt và đó là lý do tại sao Ấn Độ và Trung Quốc trong khoảng thời gian dài có thể đạt tỉ lệ tăng trưởng từ 6 đến 8% song các nền kinh tế tiên tiến chỉ tăng trưởng khoảng 2 hay 3%.

Ông Trump cũng cho biết tỉ lệ tăng trưởng hiện nay của Trung Quốc và Ấn Độ là "mức thấp thảm hoạ” đối với những nước này. Trên thực tế, các số liệu kinh tế cho thấy tỉ lệ tăng trưởng của hai nước này có chiều hướng giảm song còn xa mức thảm hoạ.

Theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2015 là 6,9%, thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình 9,7% trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2015. Tương tự, tỉ lệ tăng trưởng năm ngoái của Ấn Độ là 7,6%, thấp hơn so với tỉ lệ tăng trưởng 6,5% trong cùng kỳ từ 1990 đến 2015. Trong khi đó, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong giai đoạn này là 2,4%.

Song các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Barclays đã đưa ra dự đoán khả quan về tỉ lệ GDP Mỹ sẽ tăng 2,5% trong quý III/2016, một con số tăng trưởng vững chắc đối với một nền kinh tế phát triển. Chúng ta sẽ biết những con số dự đoán này có đúng hay không khi các số liệu mới về kinh tế Mỹ được công bố vào ngày 28/10.

Xuân Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên