Có dùng ngân sách cũng không xử lý được nợ xấu
Theo ý kiến của chuyên gia, sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu vừa không phải là liều thuốc đúng đắn cho căn bệnh nợ xấu, vừa có khả năng gây thất thoát, lãng phí ngân sách một cách vô ích, không thu hồi được.
- 22-09-2016Lấy tiền ngân sách xử lý nợ xấu là một kiến nghị vô trách nhiệm
- 20-09-2016Góc nhìn: Nỗi sợ dùng ngân sách xử lý nợ xấu
- 19-09-2016Chủ tịch VAMC: "Năm nay chúng tôi nhận mua nợ xấu bằng nửa mọi năm"
- 16-09-2016Xử lý nợ xấu bằng tiền ngân sách: Chưa phải thời điểm
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Vấn đề có nên dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu hay không vẫn đang được tranh luận mà chưa thấy điểm kết. Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng để xử lý nợ xấu một cách hữu hiệu thì cần phải dùng “tiền tươi” (chứ không phải trái phiếu như giấy của VAMC).
Lý do là, khi dùng ngân sách cấp cho VAMC thì VAMC sẽ có tiền tươi để mua đứt bán đoạn nợ xấu với tổ chức tín dụng (TCTD) theo giá trị thực chứ không phải giá trị sổ sách. Nhờ thế mà các TCTD sẵn lòng bán bớt nợ xấu cho VAMC để thu tiền tươi (còn hơn là nhận về từ VAMC một mớ giấy trái phiếu VAMC với giá trị cao hơn, bằng giá trị sổ sách). Còn VAMC do mua được món hời (với giá thực tế, thấp hơn giá sổ sách) sẽ dễ dàng tìm được nhà đầu tư bán lại món nợ xấu đã mua này với giá cao hơn giá mà VAMC đã trả cho TCTD bằng tiền tươi. Kết quả là TCTD thì thoát được nợ xấu nên có điều kiện giảm lãi suất cho vay, còn VAMC thì thu lãi từ việc “buôn” nợ xấu này, nên ngân sách không những thu hồi được khoản đã rót vào VAMC để mua nợ xấu mà còn thu được lợi nhuận từ bán lại nợ xấu thông qua VAMC.
Tuy nhiên, lập luận như trên được dựa trên tiền đề là VAMC có thể tìm được và dễ dàng bán lại những khoản nợ xấu mua từ TCTD bằng tiền tươi. Nhưng lưu ý, đây chính là điểm nghẽn hiện tại với VAMC vì họ bị trói tay bởi đủ những khó khăn về pháp lý, từ chuyện thanh lý các tài sản thế chấp đến chuyện nhà đầu tư nước ngoài không được phép tham gia mua bán, sở hữu nợ xấu, tài sản thế chấp là bất động sản, và chuyện chưa có thị trường mua bán nợ xấu đúng nghĩa ở Việt Nam...
Bởi vậy, dù VAMC có được rót vốn từ ngân sách để mua nợ xấu bằng tiền tươi thì nợ xấu mua về rốt cuộc vẫn cũng sẽ bị mắc kẹt ở VAMC mà không dễ bề giải thoát được, cũng chẳng khác gì khi VAMC mua nợ xấu bằng trái phiếu của mình.
Nói cách khác, điều kiện tiên quyết để giải quyết nợ xấu ở Việt Nam là phải giải phóng những ách tắc mà VAMC hiện đang phải đối mặt trong việc xử lý nợ xấu mua về, chứ không phải là VAMC mua nợ xấu bằng gì (tiền tươi hay trái phiếu), và cũng không phải là VAMC lấy tiền đâu (phát hành trái phiếu doanh nghiệp VAMC hay vay, rút từ ngân sách) để mua nợ xấu.
Chủ trương dùng ngân sách để xử lý nợ xấu còn dựa vào lý do là ngân sách vẫn đang được dùng một cách gián tiếp để xử lý nợ xấu nên tiếp tục dùng thì cũng không sai/không sao. Nhưng cần lưu ý rằng từ trước đến nay không một cơ quan có thẩm quyền nào ra văn bản pháp luật công khai cho phép dùng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu. Nên dù đúng là có chuyện ngân sách bị sử dụng một cách bí mật hay trá hình dưới hình thức này hay hình thức kia liên quan đến nợ xấu thì điều này cần phải được nhìn nhận một cách rõ ràng là bất hợp pháp, hay đúng theo nghĩa là “bí mật” và “trá hình”, và càng không phải là cơ sở (pháp lý và thực tế) để kêu gọi/phê chuẩn dùng ngân sách xử lý nợ xấu một cách chính thức.
Và thực tế là có cơ quan chức năng nào đó đã gián tiếp dùng ngân sách để xử lý nợ xấu nhưng họ chưa bao giờ công khai thừa nhận điều này, luôn chỉ nói là không dùng đến ngân sách.
Ngoài ra, dùng ngân sách để xử lý được nợ xấu còn được cho là sẽ làm hạ lãi suất, từ đó làm lợi cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng, và cuối cùng là ngân sách. Nhưng đây chỉ là kịch bản lý tưởng hóa. Việc này cũng tương tự như tin rằng rót vốn ngân sách cho một doanh nghiệp nhà nước để đầu tư vào ngành (mũi nhọn) nào đó ắt sẽ thành công, thu được lợi nhuận lớn, nộp lãi ngược trở lại vào ngân sách, nên việc rót vốn vào doanh nghiệp nhà nước như vậy là rất nên làm. Có quá nhiều bất trắc trên con đường dài bắt đầu từ ngân sách qua VAMC đến ngân hàng qua doanh nghiệp và cá nhân rồi mới kết thúc ở ngân sách, mà chỉ cần một trục trặc ở một khâu nào đó thì kết quả hầu như sẽ là tiền đi từ ngân sách rồi... mất hút!
Và cuối cùng, dùng ngân sách để xử lý nợ xấu được cho là thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng trưởng thu nhập và nộp ngân sách (nhờ giảm được lãi suất). Cũng tương tự như trên, điều này cũng chỉ là kịch bản lý tưởng hóa, vì cũng có quá nhiều bất trắc trên con đường dài từ ngân sách đến nền kinh tế, thông qua VAMC và hệ thống ngân hàng, rồi lại quay trở lại ngân sách. Mấu chốt, và nguyên tắc làm ăn kinh tế, là khi “thả con săn sắt” mà không chắc “bắt được con cá rô” thì tốt nhất là phải nghĩ lại hai hay nhiều lần trước khi quyết định thả “con săn sắt” ra.
Tóm lại, sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu vừa không phải là liều thuốc đúng đắn cho căn bệnh nợ xấu, vừa có khả năng gây thất thoát, lãng phí ngân sách một cách vô ích, không thu hồi được.