Cơ hội mua nhà thu hẹp với thế hệ Gen Z?
Nhiều người trẻ thuộc thế hệ Gen Z mong muốn được sở hữu nhà trước 30 tuổi và quyết tâm để đạt được điều đó bằng việc sẵn sàng tận dụng đòn bẩy tài chính.
- 02-06-2024Ấn Độ rút về 100 tấn vàng được lưu trữ ở Anh
- 01-06-2024Các nhà sản xuất tấm pin mặt trời ở châu Âu kêu cứu trước tình cảnh ế hàng, đóng cửa nhà máy, sa thải công nhân vì "cơn lũ" hàng giá rẻ từ Trung Quốc
- 01-06-2024Một loại “vàng lỏng” trở thành cơn sốt mới trên toàn cầu, giá nhảy vọt lên cao chưa từng thấy, túi tiền người tiêu dùng bắt đầu bị ảnh hưởng
Khi giấc mơ "an cư" nằm ngoài tầm tay
Chỉ cách đây một thập kỉ, một cặp vợ chồng thuộc thế hệ Millennials (Gen Y, những người sinh từ năm 1980 đến năm 1996) có thể dễ dàng mua được một ngôi nhà và sống ở đó suốt đời. Thế nhưng, giờ đây, thế hệ những người trẻ bước vào ngưỡng cửa cuộc đời Gen Z (những người sinh từ 1997 – 2012) lại đang phải đối mặt với những rào cản to lớn, thậm chí bất khả thi trong việc tìm cho mình một chốn an cư để có thể làm điểm tựa an tâm phát triển sự nghiệp.
Một thực tế mà không nhiều người nghĩ tới là Gen Z trưởng thành đang mua nhà nhiều hơn so với cha mẹ họ. Từ ba năm trước, theo một cuộc khảo sát năm 2020 của công ty nghiên cứu Gen Z Planet, 87% người thuộc thế hệ Z được hỏi cho biết họ mong muốn sở hữu một ngôi nhà trong tương lai, trong khi chỉ số này ở những người thuộc thế hệ Y chỉ có 63%. Cuộc nghiên cứu với tên gọi Redfin của tạp chí Forbes thực hiện năm 2023 cho thấy, 30% thanh niên 25 tuổi ở Mỹ sở hữu nhà vào năm 2022. Tỉ lệ này cao hơn so với 28% của Gen Y là những người sở hữu nhà ở độ tuổi đó và 27% Gen X (sinh từ 1965 đến 1980).
Nhiều người trẻ thuộc thế hệ Gen Z quyết tâm để đạt được giấc mơ sở hữu nhà bằng việc sẵn sàng tận dụng đòn bẩy tài chính.(Ảnh: Bluprint)
Với tư duy hiện đại về đầu tư, tài chính, Gen Z được đánh giá là thế hệ "dám làm" khi sẵn sàng tận dụng đòn bẩy tài chính và nắm bắt cơ hội lúc có thể để mua nhà, đồng thời quyết liệt "cày cuốc" để tất toán khoản nợ, làm chủ hoàn toàn tổ ấm. Thế nhưng, tác động từ các yếu tố khách quan như mức giá nhà đất, chung cư tăng liên tục theo từng năm, sự "đóng băng" của thị trường bất động sản, nhiều người trẻ hiện nay và có thể cả trong tương lai gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện giấc mơ sở hữu nhà.
Ra khỏi thời kì đại dịch Covid-19, người trẻ tại nhiều quốc gia nơi có thị trường bất động sản đô thị phát triển, phải chịu gấp 3 lần áp lực. Một là lạm phát cao, hai là lãi suất vay mua nhà tăng cao và ba là triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn. Có thể lấy dẫn chứng từ thị trường bất động sản tại Mỹ, khi giá nhà đang đắt đỏ nhất trong gần 40 năm. Những người muốn mua nhà tại quốc gia này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự kết hợp "kép" giữa lãi suất thế chấp cao và giá nhà cao. Sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu và cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đẩy lãi suất thế chấp lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2000. Bất chấp chi phí đi vay cao, giá nhà vẫn tiếp tục tăng do nguồn cung khan hiếm.
Mặt khác, thu nhập bình quân lại không tỉ lệ thuận với giá nhà. Tại Singapore, một người đi làm thu nhập trung bình cần tiết kiệm khoảng 15,5 năm mới sở hữu được nhà. Người Indonesia cần tới 18,5 năm, thậm chí lâu hơn một chút. Tại Anh, cách đây 40 năm, bỏ ra khoảng 18 nghìn bảng là mua được một ngôi nhà tầm 75 m2, còn bây giờ, cũng 18 nghìn bảng, chỉ mua được khoảnh đất 5 m2.
Những yếu tố trên đang đẩy giấc mơ sở hữu nhà ra xa tầm tay với nhiều người trẻ Gen Z mua nhà lần đầu. Có thể nói, nếu không cố gắng vượt bậc hoặc có sự hỗ trợ đặc biệt từ gia đình thì Gen Z ngày nay xác định chỉ có thể nằm mơ mới có thể trở thành chủ nhân những căn nhà của riêng mình.
Cơ hội nào cho Gen Z?
Với một số ít Gen Z, kinh tế khó khăn, giá bất động sản quá cao, áp lực tài chính ngày càng lớn cũng không ngăn được mục tiêu mua nhà của những người năng động và không ngừng phấn đấu. Tầng lớp này cũng đưa ra tiêu chí chọn nhà rất riêng, thay thế dần những quan điểm truyền thống. Không nặng nề với định kiến "phải là nhà đất mới giá trị", họ sẵn sàng đến với những sự lựa chọn vừa tầm như căn hộ mini hoặc xa trung tâm.
Nắm bắt được xu hướng và mong ước của nhóm khách hàng trẻ hiện đại, nhiều chủ đầu tư và ngân hàng đã tung ra các chính sách hỗ trợ lãi suất hấp dẫn, góp phần hiện thực hóa đích đến mua nhà trước 30 tuổi của người trẻ. Đây được nhận định sẽ là một xu thế xây dựng nhà ở trong thời gian tới. Như ở Mỹ hay một số nước châu Âu, nhà ở siêu nhỏ, xây dựng siêu nhanh và linh động đang dần trở nên phổ biến hơn. Đơn cử như Boxabl là một công ty khởi nghiệp của Mỹ trong lĩnh vực xây dựng nhà ở siêu nhỏ. Trong năm đầu tiên, Boxabl đã hoàn thành 400 đơn hàng nhà siêu nhỏ - mỗi căn nhà hình hộp vuông vức có giá trung bình tầm 60 nghìn USD, khoảng gần 1,5 tỷ VNĐ. So với giá nhà trung bình tại Mỹ, có vẻ như đây là một lựa chọn vừa túi tiền hơn với nhiều người. Boxabl cũng đã trưng bày hộp nhà siêu nhỏ của mình tại triển lãm đồ công nghệ CES 2023 vừa qua.
Hay như ở Bắc Kinh, Trung Quốc, để sở hữu căn hộ ở khu vực trung tâm thành phố, tức là từ vòng 3 vòng 4 trở vào, hầu như quá khó đối với những người trẻ, nhưng nếu chịu khó đi ra xa vòng 5 vòng 6, cách 30 - 40 km thì cơ hội này vẫn có. Các căn hộ cũ bình dân xây cách đây 20 năm ở vòng 3 - 4 giá 60 - 120 ngàn Nhân dân tệ/m2, tức 210 - 420 triệu VNĐ/m2 thì ra vòng 5 - 6 giá chỉ bằng 1/3. Với hệ thống tàu điện ngầm và xe bus chằng chịt thì việc vào trung tâm không phải là vấn đề lớn lắm.
Những căn nhà diện tích nhỏ, xa trung tâm... là lựa chọn không hề tệ cho những người trẻ muốn chen chân vào thị trường nhà ở. (Ảnh: Decoist)
Bên cạnh đó, người trẻ cũng có thế xem xét các lựa chọn như các chương trình nhà ở xã hội, các dự án nhà ở được chính phủ trợ cấp hoặc các chương trình đồng sở hữu. Ví dụ, đồng sở hữu nhà với một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính về cả giá mua ban đầu và khoản vay thế chấp. Cách làm này cũng cho phép họ được sở hữu một ngôi nhà tốt hơn so với việc một mình thanh toán toàn bộ chi phí.
Có đủ tiền mặt để mua nhà gần như là điều không thể với hầu hết những người mua nhà lần đầu. Nhưng việc mua nhà sẽ càng khó khăn hơn khi họ không đủ điều kiện để vay vốn. Một cách khác để tăng cơ hội vay vốn là tìm kiếm việc làm ổn định. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng thường ưu tiên những người đi vay có lịch sử việc làm nhất quán, lâu dài và bền vững, vì vậy những bạn trẻ muốn mua nhà cần tránh thay đổi công việc thường xuyên hoặc các công việc có thu nhập bấp bênh.
Wall Street Journal (WSJ) cho rằng, chưa bao giờ người trẻ khó chen chân vào thị trường nhà ở Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung như lúc này. Lãi suất vay mua nhà đang ở mức cao gần kỉ lục, nên việc mua nhà sẽ đắt hơn 52% so với chi phí thuê nhà. Thuê nhà phù hợp với khả năng tài chính trong giai đoạn trước mắt trước khi đủ điều kiện mua căn nhà phù hợp là một lựa chọn không hề tệ cho Gen Z theo gợi ý của WSJ.
VTV