MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội và thách thức nào đón chờ cổ phiếu ngân hàng trong năm nay?

15-01-2023 - 12:22 PM | Tài chính - ngân hàng

Cơ hội và thách thức nào đón chờ cổ phiếu ngân hàng trong năm nay?

Chuyên gia cho rằng cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ hấp dẫn để đầu tư trong năm 2023. Trong đó, nhóm Big 4 đang đang cho thấy có nhiều ưu thế hơn so với các nhà băng còn lại.

Chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn
Chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn
Founder FIDT.vn
5 bài viết

Thị trường chứng khoán đã tăng 20% kể từ đáy. Dòng tiền cũng đang có những dấu hiệu ngập ngừng khi thị trường đã đi ngang trong biên độ hẹp hơn một tuần vừa qua. Nhiều cổ phiếu ngân hàng sau khi tăng mạnh 30-40% từ đáy cũng có dấu hiệu chững lại và đang tìm kiếm một chất xúc tác mới.

Để mang đến thêm góc nhìn cho nhà đầu tư về những triển vọng và thách thức của thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng, chúng tôi đã tham vấn ý kiến của ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập CTCP tư vấn đầu tư FIDT.

Ông dự báo thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Chủ yếu do vấn đề thắt chặt tiền tệ và lạm phát, nền kinh tế thế giới, đại diện cụ thể nhất là Mỹ đã có những dấu hiệu xuống dốc từ cuối quý 3/2022. Khi các thị trường xuất khẩu chính gặp khó khăn, trong vài trò là một trung tâm sản xuất - xuất khẩu hàng hóa lớn, Việt Nam cũng vì thế mà không nằm ngoài vùng ảnh hưởng.

Từ cuối năm 2022, những đơn hàng của các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu như gỗ, may mặc,.. cũng đã chứng kiến sự suy giảm. Nửa đầu năm 2023, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận những khó khăn nhất định chủ yếu do các vấn đề còn tồn đọng chưa được giải quyết triệt để từ năm trước.

Không chỉ khó khăn ở đầu ra, ngay cả ở phía đầu vào, doanh nghiệp cũng đang chịu không ít áp lực. Việc mặt bằng lãi suất tăng cao như thời gian vừa qua đã gia tăng đáng kể sức ép lên doanh nghiệp.

Đến giai đoạn hiện tại, các khó khăn kể trên cũng đã phản ánh khá rõ vào nhịp độ vận hành của nền kinh tế. Đến khoảng quý 2/2023, tình hình có thể còn sẽ rõ rệt hơn.

Với thị trường chứng khoán, ông dự báo thế nào về tình hình thời gian tới?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Thị trường chứng khoán là một nơi phản ánh kỳ vọng của tương lai và thường đi trước nền kinh tế thực từ 1-2 quý. Điều này có thể được nhận thấy rất rõ trong năm qua.

Nền kinh tế có dấu hiệu chậm lại từ quý III/2022, sau 4 lần tăng lãi suất trên 0,75 điểm phần trăm của FED. Trong khi hồi đầu quý II/2022, VN-Index đã bắt đầu trượt dài.

Nhìn chung cả năm 2022, mặc dù Việt Nam ghi nhận những con số vĩ mô rất tích cực như GDP tăng trưởng cao bậc nhất thế giới, tăng trưởng tín dụng đến 14,5%, lạm phát lại khống chế được dưới 4%,... song VN-Index lại giảm hơn 32% so với cuối năm 2021.

Có thể trong nửa đầu 2023, FED sẽ chạm đến mức lãi suất mục tiêu 5%. Lạm phát tại Mỹ cũng đã giảm dần. Cơ quan này vì lẽ đó có thể sẽ không còn nhiều lý do áp dụng các biện pháp mạnh để khống chế lạm phát.

Nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ tạo đáy ở quý I hoặc quý II năm nay. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã phản ứng rất rõ kỳ vọng này. Đại diện là chỉ số DJI đã phục hồi từ mốc 29.000 lên 34.000 điểm như hiện tại.

Nền kinh tế Việt Nam cũng có thể sẽ có những diễn biến tương tự. Các chỉ số vĩ mô có thể sẽ chưa tích cực trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, tôi cho rằng tình hình có thể sẽ khả quan hơn trong khoảng thời gian còn lại của năm. Cung tiền, giải ngân vốn đầu tư công có thể sẽ lại được thúc đẩy mạnh trở lại. Lạm phát cũng được kiềm chế tốt hơn.

Với tính chất phản ánh trước diễn biến nền kinh tế 1-2 quý, tôi cho rằng thị trường chứng khoán có thể đã tạo đáy quanh thời gian hiện tại.

Cơ hội và thách thức nào đón chờ cổ phiếu ngân hàng trong năm nay? - Ảnh 1.

ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập CTCP tư vấn đầu tư FIDT

Ông đánh giá thế nào về triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng?

Ông Huỳnh Minh Tuấn:  Thường nhóm ngân hàng sẽ đóng góp 30-35% lợi nhuận của các doanh nghiệp trong VN-Index. Hiện nay, các nhà băng đang là trụ đỡ lợi nhuận cho cả chỉ số.

Nhiều ngành như vật liệu xây dựng, bán lẻ, bất động sản… đã bắt đầu có sự suy giảm về lợi nhuận. Khoảng thời gian tới, các doanh nghiệp ngoài ngành ngân hàng sẽ phải thực sự nỗ lực để có thể giữ được lợi nhuận.

Về việc lý do tại sao các nhà băng lại có kết quả kinh doanh khả quan, trong nhiều năm tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng đã  có chuẩn mực, ổn định và hiệu quả hơn rất nhiều.

Điều này đã được thể hiện qua NIM, CASA,... đang được cải thiện qua từng ngày. Mặc dù năm qua những vấn đề về nợ xấu, các vụ việc không hay trên thị trường bất động sản, trái phiếu đã tác động đến ngành ngân hàng, song các nhà băng vẫn đang kiểm soát tốt tình hình.

Với mức tăng trưởng tín dụng 14,5% như hiện tại, ngân hàng vẫn là quán quân lợi nhuận và có mức độ hiệu quả tốt trong 19 nhóm ngành mà chúng tôi quan sát. Tôi cho rằng trong năm 2023, hiệu quả hoạt động cũng như lợi nhuận của nhóm này sẽ tiếp tục tăng lên. Đây cũng là một ngành khá hấp dẫn để đầu tư trong năm nay.

Bên cạnh tình hình kinh doanh tích cực, một điểm khác làm cho nhóm cổ phiếu nhà băng hấp dẫn đó là định giá của nhóm này. Nếu trước đây, VN-Index ở mức đỉnh 1.500 điểm, thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) bình quân của các ngân hàng lên đến 2,6 lần, thì hiện tại con số này chỉ 1,2 lần (chiết khấu khoảng 60%)

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nhận thấy rất rõ điều này. Đó cũng là lý do vì sao trong hơn 32 nghìn tỷ của khối ngoại đổ ròng vào thị trường chứng khoán từ tháng 11 đến nay có đến 30-35% là tập trung vào cổ phiếu ngân hàng.

Ông lưu ý gì dành cho nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng trong năm nay?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Cuộc đua lãi suất huy động thời gian vừa qua có thể để lại hệ quả là chi phí vốn của các ngân hàng bị đội lên. Mặt khác, lãi suất cho vay cũng đang đứng trước không ít áp lực phải được hạ xuống. Có một số nhà đầu tư lo ngại rằng biên lợi nhuận của các nhà băng vì lẽ đó sẽ bị thu hẹp.

Tuy nhiên, ngân hàng rất chủ động trong việc điều tiết 2 loại lãi suất đầu vào và đầu ra. Thông thường lãi suất huy động sẽ được giảm nhanh hơn lãi suất cho vay, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng vẫn được đảm bảo. Điều này có thể được nhận thấy rất rõ trong những năm COVID, NIM ngân hàng không thay đổi nhiều.

Trong năm 2023, khả năng cao đến những tháng cuối năm lãi suất cho vay mới bắt đầu có sự hiệu chỉnh. Trong khi thời điểm hiện tại, lãi suất đầu vào đã bắt đầu có những dấu hiệu hạ nhiệt. Vì lẽ đó NIM của các nhà băng có thể không chịu quá nhiều biến động.

Vấn đề nhà đầu tư cần quan tâm là một số cổ phiếu ngân hàng đã phản ánh hết các kỳ vọng và chưa có chất xúc tác mới để tăng giá. Về tổng thể, ngành ngân hàng có định giá rẻ và hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu muốn đạt được mức tỷ suất sinh lời vượt trội, nhà đầu tư phải chọn những cổ phiếu có câu chuyện riêng đặc biệt hơn như tái cơ cấu, bán vốn ngoại, mua bán sáp nhập…

Hoặc nếu muốn đầu tư vào toàn bộ nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư có thể cân nhắc các rổ ETF mô phỏng bộ chỉ số VNDiamond, VN30. Vì các rổ này có khoảng 30% tỷ trọng là cổ phiếu ngân hàng. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tự phân bổ, tạo ra một rổ cổ phiếu ngân hàng theo ý mình.

Trong năm nay, các ngân hàng quốc doanh lớn sẽ có hiệu quả hoạt động tốt hơn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Vì nhóm quốc danh sẽ có nhiều khả năng được tăng vốn. Điểm thứ hai đó là năng lực huy động của nhóm này luôn có lợi thế hơn các ngân hàng nhỏ. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua những sự vụ việc không hay trên thị trường tài chính lại càng làm cho uy tín của các ngân hàng lớn tăng cao hơn. Dòng tiền tiềm kiếm sự an toàn vì lẽ đó cũng tìm về với các nhà băng này nhiều hơn.

Với các ngân hàng nhỏ, để cạnh tranh lại buộc phải tăng lãi suất huy động lên. Điều này đã cũng đã dẫn đến việc biên lợi nhuận của nhóm này sẽ có phần hẹp hơn so với các ngân hàng lớn.

Văn Tuệ

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên