Có lợi ích lớn ở Biển Đỏ, vì sao Trung Quốc "án binh bất động" khi Anh-Mỹ tập kích Houthi?
Khi Mỹ và Anh tiến hành các cuộc không kích nhằm ngăn chặn nhóm vũ trang Houthi do Iran hậu thuẫn tấn công các tàu ở Biển Đỏ, Trung Quốc một lần nữa giữ thái độ trung lập.
- 14-01-2024Khủng hoảng ở Biển Đỏ có thể phá tan hi vọng phục hồi kinh tế toàn cầu
- 11-01-2024Căng thẳng leo thang ở biển Đỏ
- 09-01-2024Tăng hơn 1 triệu USD một chuyến tàu do căng thẳng Biển Đỏ
Trung Quốc giữ thái độ trung lập
Theo Bloomberg, không phải vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không có nhiều mối đe dọa: Trung Quốc nhập khẩu khoảng một nửa lượng dầu thô từ Trung Đông và xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) nhiều hơn Mỹ.
Chỉ số vận tải hàng hóa container Thượng Hải (SCFI) tuần trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2022, phản ánh chi phí gia tăng do có khả năng các tàu hàng phải chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.
Nhưng khi Mỹ và Anh tiến hành các cuộc không kích vào đêm 11/1 nhằm ngăn chặn nhóm Houthi do Iran hậu thuẫn tấn công các tàu ở Biển Đỏ, Trung Quốc vẫn giữ thái độ trung lập.
"Họ [Trung Quốc] không thấy được nhiều lợi ích từ việc giữ một vị thế mạnh hơn. Việc này tương tự như cách tiếp cận của họ đối với vấn đề Nga - Ukraine,..." - nhà phân tích kinh tế địa lý trưởng Jennifer Welch tại Bloomberg Economics nói, đề cập việc Bắc Kinh từ chối chỉ trích Nga hay rút hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi Nga.
Theo Bloomberg, cổ phiếu vận tải châu Á đã tăng hôm 12/1 sau khi Mỹ và Anh tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở Yemen, khiến phiến quân Houthi thề sẽ phản ứng mạnh mẽ. Nhóm vũ trang có trụ sở tại Yemen này bắt đầu tấn công các tàu trên Biển Đỏ có quan hệ với Israel từ tháng 11/2023 để thể hiện sự ủng hộ đối với Hamas.
Hôm 12/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết nước này "quan ngại sâu sắc" về tình trạng leo thang ở Biển Đỏ, nhưng không cam kết thực hiện những hành động cụ thể.
"Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên có thể đóng vai trò mang tính xây dựng và có trách nhiệm để bảo vệ an ninh và tránh mọi cuộc tấn công nhằm vào tàu dân sự, điều này không có lợi cho thương mại quốc tế," bà Mao nói.
Tầm quan trọng của Trung Đông với Trung Quốc
Trong năm 2023, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với Trung Đông. Vào tháng 3 năm ngoái, Trung Quốc đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Iran và Ả Rập Saudi.
Nguồn thạo tin (ẩn danh) nói với Bloomberg, nhiều quốc gia Trung Đông trong những tuần gần đây đã kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng trong khu vực để ngăn chặn xung đột lan rộng. Nhưng Trung Quốc phải đối mặt với những rào cản trong việc thuyết phục Houthi hoặc Iran - một nhà cung cấp dầu ngày càng quan trọng với nước này.
Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu của nước này từ Trung Đông chiếm 46% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2023.
William Figueroa - trợ lý giáo sư tại Đại học Groningen ở Hà Lan, người nghiên cứu về Trung Quốc và Trung Đông - cho biết: "Trung Quốc có rất ít khả năng triển khai lực lượng ở vùng Vịnh và chắc chắn không sẵn sàng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột lớn hơn. Một sự lên án mạnh mẽ hơn sẽ có nguy cơ làm mất lòng các đồng minh của họ ở Tehran và sẽ không đạt được nhiều mục tiêu."
Henry Huiyao Wang - người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một nhóm nghiên cứu chính sách ở Bắc Kinh - cho biết, Trung Quốc muốn có một cách tiếp cận toàn diện đối với những căng thẳng ở Trung Đông, bao gồm cả các cuộc tấn công của Houthi.
Ông Henry nói: "Gốc rễ là cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Chúng ta cần thực sự nhìn nhận nó như một bức tranh tổng thể thay vì riêng lẻ."
Trung Quốc đã từ chối tham gia chiến dịch "Người bảo vệ Thịnh vượng" (Operation Prosperity Guardian) - liên minh đặc biệt gồm 22 quốc gia thành viên do Mỹ dẫn đầu - nhằm bảo vệ hoạt động vận tải hàng hải ở Biển Đỏ. Tuy vậy, Hải quân Trung Quốc vẫn có các tàu tuần tra chống cướp biển ở gần đó.
Giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế Josef Gregory Mahoney tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải nhận định, Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội nếu gửi lực lượng chống lại Houthi, cả từ những nhân vật Trung Đông sẽ phản đối động thái này và những chính khách "diều hâu" ở phương Tây lo ngại Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng.
"Có lẽ sẽ có rất nhiều lời chỉ trích từ một số người Trung Quốc, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa dân tộc", ông Mahoney nói.
Đời sống & pháp luật