MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu HDBank tăng giá mạnh, giao dịch thỏa thuận ''khủng'' trong ngày đại hội cổ đông

26-04-2022 - 17:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Cổ phiếu HDBank tăng giá mạnh, giao dịch thỏa thuận ''khủng'' trong ngày đại hội cổ đông

Trong phiên giao dịch 26/4, cổ phiếu HDBank xuất hiện 8 giao dịch thoả thuận lớn với 22,5 triệu cổ phiếu được sang tay tại mức giá 23.600 đồng/cp, tương đương giá trị 531 tỷ đồng.

Phiên giao dịch 26/4 chứng kiến sự hồi phục của thị trường chung với cả 3 chỉ số chính đều bật tăng mạnh mẽ. Đóng cửa buổi chiều, chỉ số VN-Index tăng 30,42 điểm (2,32%) lên 1.341,34 điểm; HNX-Index tăng 2,27% lên 345,17 điểm và UPCom-Index tăng 1,62% lên 101,15 điểm.

Tại nhóm ngân hàng, hàng loạt cổ phiếu tăng trên 4% sau phiên giảm sâu ngày hôm qua. Trong đó, HDB của HDBank là mã có có diễn biến đáng chú ý nhất khi ''xanh'' hơn 4% đi cùng với thanh khoản cao nhất ngành ngân hàng.

Cụ thể, phiên hôm nay có tổng cộng gần 26,9 triệu cổ phiếu HDB được giao dịch, tương đương giá trị gần 636 tỷ đồng. Trong đó, xuất hiện 8 giao dịch thoả thuận "khủng" vào cuối phiên sáng với 22,5 triệu cổ phiếu HDB được sang tay ở mức giá 23.600 đồng/cp, tương đương giá trị 531 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, HDB cũng ghi nhận hơn 4,4 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn, giá trị gần 105 tỷ đồng.

HDB còn là mã ngân hàng được khối ngoại gom mạnh nhất hôm nay với số lượng mua ròng đạt hơn 1 triệu đơn vị. Trước đó, trong phiên 25/4, HDB cũng được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong nhóm ngân hàng với hơn 350.000 cổ phiếu.

Diễn biến đáng chú ý tại cổ phiếu HDB xuất hiện trong bối cảnh HDBank tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 vào chiều hôm nay (26/4). Tại đại hội, cổ đông ngân hàng đã thông qua kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với mức thực hiện năm 2021. Các tỷ lệ sinh lời ROA, ROE năm 2022 mục tiêu đạt lần lượt 1,92% và 22,2%.

Tổng tài sản trong năm 2022 dự kiến tăng 18% lên 440.439 tỷ đồng, tổng huy động và dự nợ tín dụng tăng trưởng lần lượt 17% và 20%, tương ứng đạt 392.683 tỷ đồng và 256.060 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện tối đa không vượt quá chỉ tiêu tăng trưởng do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dự kiến không vượt qua mức 2%.

Trong năm 2022, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm gần 5.231 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%.

Bên cạnh đó, ĐHCĐ HDBank cũng đã bầu 2 nhân sự vào HĐQT là đại diện đối tác nước ngoài DEG - Deutsche Investitions-und Entwicklungsgesellschaft và IFC - International Finance Corporation.

Đánh giá về cổ phiếu HDB, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng giao dịch độc quyền bancassurance có thể diễn ra vào khoảng giữa năm với mức phí trả trước hấp dẫn. Đây sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho việc tăng giá cổ phiếu.

VDSC coi HDBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng đầu. Ngân hàng đã nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong ngành (khoảng 15%) vào đầu năm nhờ vai trò trong việc tái cơ cấu và quản lý các quỹ tín dụng của nhân dân. Tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể là cao nhất trong ngành. Kết hợp với việc giải ngân tốt hơn tại HDSaison và dư nợ được tái cơ cấu có thể quản lý được, các chuyên gia phân tích cho rằng HDBank sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2022 bất chấp động lực trong hệ số chi phí trên thu nhập hoạt động (CIR) suy yếu.

Trong báo cáo đánh giá phát hành gần đây, MBS cũng kỳ vọng về với khoản phí "upfront" cho hợp đồng bảo hiểm độc quyền trong năm nay của HDBank bên cạnh khoản tăng trưởng đến từ doanh thu phí bảo hiểm.

Theo MBS, HDBank hiện tại là 1 trong số ít các ngân hàng chưa kí hợp đồng bảo hiểm độc quyền với doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường. Năm 2021 là một năm có thể thấy rõ giá trị hợp đồng đang ngày một lớn và tăng với tỷ lệ đột biến. Một số thương vụ gần đây như VCB với FWD có "upfront fee" lên tới 400 triệu USD trong vòng 15 năm, ACB với Sunlife có khoản phí 370 triệu USD hay MSB với hơn 3,500 tỷ đồng trong vòng 15 năm với Prudential. Chính vì vậy, với sự hợp tác và phát triển thành công của HDBank và FWD trong thời gian qua, việc ban lãnh đạo kỳ vọng vào khoản phí trả trước của bancassurance có thể lên tới 1,000 tỷ đồng là hoàn toàn có cơ sở.

''Nếu khoản phí này được kí kết và ghi nhận trong năm nay, doanh thu năm 2022 của HDB được dự tính sẽ có sự tăng trưởng vượt dự tính và đem lại tiềm năng tăng giá cao hơn'', MBS nhận định.

https://cafef.vn/co-phieu-hdbank-tang-gia-manh-giao-dich-thoa-thuan-khung-trong-ngay-dai-hoi-co-dong-20220426170229603.chn

Quốc Thụy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên