MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt đưa cổ đông "về bờ", tâm điểm thời gian tới là gì?

23-11-2021 - 14:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt đưa cổ đông "về bờ", tâm điểm thời gian tới là gì?

Dòng tiền đổ mạnh sang cổ phiếu ngân hàng khi giới đầu tư kỳ vọng NHNN sẽ sớm nới room cho các nhà băng. Bên cạnh đó, một loạt thương vụ bán vốn, phát hành cổ phiếu chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần cũng sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục là tâm điểm của thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch gần đây khi dòng tiền ''cuồn cuộn'' chảy vào giúp hàng loạt mã tăng giá mạnh. Riêng trong phiên giao dịch đầu tuần 22/11, có tới 25/27 mã ngân hàng tăng giá bất chấp thị trường chung chìm trong sắc đỏ.

Với nhịp tăng giá mạnh vừa qua, một loạt cổ phiếu ngân hàng như HDB, TPB và MSB đều đã thiết lập kỷ lục giá mới kể từ khi lên sàn (giá đã điều chỉnh). Trong khi những mã có tiếng là ''nặng gánh'' như CTG, BID, MBB cũng phần nào đưa cổ đông ‘’về bờ’’ sau đợt giảm sâu vào quý III và đầu quý IV.

Cổ phiếu ngân hàng bất ngờ trở lại mạnh mẽ sau một thời gian dài gần như bị thị trường ''bỏ quên''. Thực tế, sau 4 tháng sau khi VN-Index tạo đáy, chỉ số này đã tăng gần 17% và liên tục phá đỉnh thì hầu hết các mã ngân hàng vẫn còn kém 10 – 20% so với vùng giá ghi nhận từ đầu tháng 6, trừ một số cổ phiếu như PGB, OCB, MSB, NVB… vẫn giữ được trend tăng giá.

Sự ''im ắng'' của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong những tháng qua khiến định giá cổ phiếu của nhóm này đã trở nên hấp dẫn so với các ngành khác.

Theo Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), các ngân hàng hiện đang giao dịch ở mức trung bình 1,8x P/B dự phóng 2021 và 1,5x P/B dự phóng 2022, đây là mức định giá thấp so với mức ROE cao mà các ngân hàng tạo ra (trung bình là 18,5%). Không những vậy, hầu hết các ngân hàng hiện đang giao dịch ở mức định giá trung bình 5 năm trong khi ROE đã cải thiện đáng kể với mức ROE cao nhất trong 5 năm qua.

MBKE kỳ vọng dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng sẽ hồi phục từ quý 1/2022 khi thị trường dần nhận ra rằng (1) các ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và khả năng sinh lời mạnh mẽ, (2) rủi ro nợ xấu không nghiêm trọng như những nhận định trước đó và (3) định giá của các ngân hàng đã trở nên rẻ hơn so với các ngành khác.

Bên cạnh định giá hấp dẫn, dòng tiền chuyển hướng sang cổ phiếu ngân hàng khi giới đầu tư kỳ vọng nhóm này sẽ có thêm nhiều ''game'' mới trong thời gian tới.

Theo SSI Research, tính đến hết quý 3, hầu hết các ngân hàng đều đã chạm đến hạn mức tín dụng năm 2021. Do đó, đơn vị này kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.

Tại báo cáo cập nhật ngành ngân hàng công bố đầu tháng 11, MBKE cũng dự báo NHNN sẽ tiếp tục tăng hạn mức tín dụng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong quý 4 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong năm ngoái, tín dụng cũng bất ngờ tăng mạnh trong ba tháng cuối năm và cơ quan quản lý cũng hai lần nâng giới hạn tín dụng.

Ngoài kỳ vọng nới ''room'', nhiều ngân hàng cũng sở hữu riêng cho mình những thông tin tích cực giúp hỗ trợ mạnh mẽ đà tăng của cổ phiếu.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, Vietcombank và BIDV đang hoàn thiện những bước cuối cùng để tiến hành chia cổ tức trong thời gian tới. Trước đó, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 27,6% đã được hội đồng quản trị Vietcombank thông qua, trong khi BIDV cũng thực hiện xin ý kiến cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 và 2020.

Ngoài kế hoạch chia cổ tức, cả Vietcombank và BIDV cũng đều có kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn trong đầu năm 2022.

Tương tự, VietinBank cũng có kế hoạch chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,6% hoặc 17,7%.

Bên nhóm cổ phần, TPBank đã thông qua phương án phát hành hơn 410 triệu cổ phiếu TPB trả cổ tức, tương đương tỷ lệ phát hành 35%. SHB cũng chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10,5% và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 100:28, giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu.

Tại MSB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết sẽ bán toàn bộ 100% vốn ở Công ty Tài chính FCCOM. Hiện lãnh đạo MSB đang tiếp xúc với 2-3 nhà đầu tư và sẽ tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng trong tháng 11 này.

"Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022. Nếu đạt kỳ vọng và không có gì thay đổi, ngân hàng sẽ hoàn tất chuyển nhượng trong năm sau và ghi nhận lợi nhuận." Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ.

Với OCB, ngân hàng này đang đàm phán để bán tiếp 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi bán 15% cổ phần cho Aozora Bank. Thương vụ được dự báo sẽ sớm hoàn tất trong những tháng tới.

Tương tự, giới đầu tư cũng đang chờ đón đợt phát phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông chiến lược nước ngoài của VPBank. Mặc dù ngân hàng chưa tiết lộ danh tính đối tác chiến lược hướng đến nhưng nhiều khả năng SMBC là đối tượng mà VPBank hướng đến sau thương vụ bán 49% vốn FE Credit.

Đợt phát hành này được kỳ vọng không chỉ mang lại nguồn vốn mới để VPBank mở rộng hoạt động kinh doanh và còn giúp thay thế khoản vay ngoại tệ liên ngân hàng bằng tiền gửi ngoại tệ có chi phí vốn rẻ hơn. Hiện tại chỉ có Vietcombank và VietinBank có khoản tiền gửi ngoại tệ liên ngân hàng rất lớn và cả hai đều có cổ đông chiến lược là ngân hàng Nhật.

Trong trường hợp SMBC trở thành cổ đông chiến lược tại VPBank, tổ chức này sẽ buộc phải thoái vốn tại Eximbank sau 13 năm gắn bó. Với 15% vốn đang sở hữu, nhóm cổ đông nào tiếp quản lượng cổ phần do SMBC để lại sẽ có khả năng chấm dứt cuộc chiến vương quyền dai dẳng trong nhiều năm qua.

Và thực tế, sự ''nồng ấm'' trong quan hệ giữa VPBank và SMBC trong thời gian gần đây cũng tương đối đồng điệu với đà tăng của cổ phiếu EIB.

Cũng liên quan đến biến động cơ cấu cổ đông, PGB đã bật tăng 50% kể từ đầu tháng 11 khi thời điểm cổ đông lớn nhất của PGBank là Petrolimex đăng ký thoái vốn đang đến gần.

Quốc Thụy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên