MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng giảm sâu trong tháng 2, vốn hoá các ngân hàng Việt bốc hơi hơn 4 tỷ USD

02-03-2022 - 14:54 PM | Tài chính - ngân hàng

Cổ phiếu ngân hàng giảm sâu trong tháng 2, vốn hoá các ngân hàng Việt bốc hơi hơn 4 tỷ USD

Tháng 2 có tổng cộng 22/27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM giảm giá, trong đó, CTG, SSB và EIB là những mã lao dốc mạnh nhất.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 2 khá ''nhạt nhòa'' khi chỉ số chính Vn-Index giao dịch giằng co quanh vùng 1.500 điểm. Đóng cửa phiên 28/2, chỉ số sàn HOSE tăng 11 điểm, tương đương hơn 0,74% với thanh khoản thấp hơn nhiều so với những tháng trước Tết Nguyên Đán.

Một trong những yếu tố khiến thị trường ''chùng lại'' đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, thống kê trong tháng 2 cho thấy, có 22/27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM giảm giá so với cuối tháng 1 với mức giảm bình quân là 4,4%.

Trong đó, cổ phiếu ''lao dốc'' mạnh nhất là CTG của VietinBank khi giảm một mạch từ mức 36.900 đồng/cp xuống 33.150 đồng/cp, tương đương mức giảm 10,2%. Nhịp giảm trong tháng 2 đã xóa sạch thành quả tăng giá cả tháng trước đó; và đưa cổ phiếu này xuống thấp hơn 2% so với mức đóng cửa cuối năm 2021.

SSB của SeABank cũng là một trong những mã ngân hàng giảm mạnh trong tháng 2. Kết phiên 28/2, thị giá SSB dừng ở 35.400 đồng/cp, mất 9,9% giá trị so với cuối tháng trước. Xu hướng giảm được nối dài từ tháng 1 trong bối cảnh SeABank tiến hành chào bán hơn 181,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chỉ 15.000 đồng/cp. 

EIB của Eximbank cũng góp mặt trong Top 3 cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tệ nhất trong tháng 2 khi mất gần 9,6% giá trị. Cổ phiếu Eximbank giảm sâu sau khi ngân hàng này tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần 2 vào ngày 15/2. Mặc dù đã tổ chức được cuộc họp sau nhiều lần thất bại nhưng mâu thuẫn nội bộ của Eximbank vẫn tồn tại khi một loạt tờ trình của HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành trong các năm trước đều không được ĐHĐCĐ thông qua.

LPB của LienVietPostBank cũng lao dốc khá mạnh trong tháng 2 với mức giảm 9,4%. 

Liên quan đến cổ phiếu này, trong tháng qua, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thông báo chỉ bán được 800 cổ phiếu LPB cho 7 nhà đầu tư cá nhân. Trước đó, VNPost thông báo bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 10,15% vốn LienVietPostBank với giá khởi điểm là 28.930 đồng/cp. Ngay sau khi thông tin trên được công bố, cổ phiếu LPB đã tăng kịch biên độ trong 2 phiên liên tiếp 25/1 và 26/1 với thanh khoản cao đột biến. Mặc dù vậy, thị giá LPB đã quay đầu sụt giảm trong những tuần gần đây.

Ngoài những mã nói trên, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận xu hướng giảm giá trong tháng 2 như BID (-8,9%), STB (-7,6%), HDB (-6,8%), VCB (-5,1%), TCB (-4,5%), OCB (-4%), SHB (-3,8%),…

Cổ phiếu ngân hàng giảm sâu trong tháng 2, vốn hoá các ngân hàng Việt bốc hơi hơn 4 tỷ USD - Ảnh 1.

Ở phía ngược lại, PGB của PGBank là mã tăng tốt nhất ngành ngân hàng. Theo đó, cổ phiếu này đã ghi nhận mức tỷ suất sinh lời lên tới gần 9% sau 16 phiên giao dịch tháng trước.

Diễn biến tại cổ phiếu PGBank xuất hiện trong bối cảnh giới đầu tư vẫn kỳ vọng về "game" thoái vốn của Petrolimex - cổ đông lớn nhất của ngân hàng. Hiện tập đoàn này sở hữu 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% cổ phần của PG Bank. Tại đại hội bất thường hồi tháng 7 của PG Bank, Petrolimex cho biết sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại ngân hàng thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Sau PGB, VPB là mã ngân hàng có tỷ suất sinh lời tốt thứ hai khi tăng gần 3,7%. Bên cạnh diễn biến giá, thanh khoản VPB cũng tăng đột biến trong những ngày gần đây với khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên lên tới gần 19 triệu đơn vị.

Xu hướng tích cực tại cổ phiếu VPBank xuất hiện khi giới đầu tư kỳ vọng đợt phát hành riêng lẻ 15% cổ phần sẽ sớm được thực hiện vào thời gian tới. Chia sẻ với các nhà phân tích mới đây, lãnh đạo VPBank cho biết việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược vẫn đang theo đúng kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2022.

Ngoài PGB và VPB, 3 cổ phiếu ngân hàng khác cũng mang lãi về cho nhà đầu tư trong tháng 2 là NAB (+3%), MBB (+2,1%) và TPB (+0,7%).

Tính đến cuối tháng 2, vốn hóa thị trường của 27 ngân hàng đạt xấp xỉ 196.000 tỷ, giảm hơn 90.100 tỷ so với cuối tháng 1, tương đương giảm hơn 4 tỷ USD. Trong đó, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu vốn hóa ngành ngân hàng với gần 399.900 tỷ đồng; đứng kế sau là BIDV (221.057 tỷ) và VietinBank (159.311 tỷ).

https://cafef.vn/co-phieu-ngan-hang-giam-sau-trong-thang-2-von-hoa-cac-ngan-hang-viet-boc-hoi-hon-4-ty-usd-2022030214352034.chn

Quang Hưng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên