Cơ thể doanh nghiệp chỉ 40kg, gánh trên lưng 3 - 4 tạ với 7000 giấy phép con thì sống sao nổi?
Chỉ có một vài bộ ngành quan tâm đến việc rà soát 7000 giấy phép con đang tồn tại và cản trở doanh nghiệp. Do đó, cần phải có sự cương quyết và minh bạch hơn, nếu những Bộ trưởng nào không đảm bảo điều kiện kinh doanh thì sắp tới Quốc hội không bầu nữa.
- 01-10-2015Giấy phép con - Nỗi khiếp sợ của doanh nghiệp
- 25-08-2015Quy hoạch bị lạm dụng như “giấy phép con”
- 07-06-2015Chính phủ yêu cầu gỡ bỏ, Bộ quyết đẻ giấy phép con
- 31-05-2015Nhiều doanh nghiệp chưa dám “lên tiếng” với giấy phép con
Đó là quan điểm được ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra khi đánh giá về thực trạng giấy phép con và sự thiếu trách nhiệm trong việc rà soát lại các văn bản này, để đảm bảo điều kiện kinh doanh cho các DN.
Thông tin đáng giật mình được chính Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc đưa ra, không phải là gần 6000 điều kiện kinh doanh (giấy phép con) được ban hành mà có tới 7000 giấy phép con.
"Tôi biết là hiện có khoảng 7000 giấy phép con, nhưng trên một nửa không còn căn cứ pháp lý để tồn tại. Bởi theo luật mới, thông tư không được hạn chế quyền kinh doanh của DN. Trong 7000 giấy phép con đó, tôi chắc chắn sẽ còn nhiều điều kiện kinh doanh không hợp lý, nên cần phải rà soát thường xuyên và tích cực" - ông Lộc khẳng định.
Câu chuyện ông Lê Văn Tấn - chủ quán Xin Chào bị khởi tố hình sự chỉ vì chậm đăng ký kinh doanh vài ngày, làm sôi sục dư luận thời gian gần đây, được xem là vụ việc điển hình cho những hệ quả mà hàng nghìn giấy phép con đang bủa vây, giăng bẫy doanh nghiệp.
Nhiều bộ ngành vẫn phớt lờ rà soát giấy phép con
Thực tế này càng đặt ra yêu cầu, phải nhanh chóng dẹp bỏ cả "rừng" giấy phép con, để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, lành mạnh và an toàn hơn cho doanh nghiệp. Thế nhưng cho đến giờ này, khi mà Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới sắp có hiệu lực từ ngày 1/7, yêu cầu phải rà soát để loại bỏ những giấy phép con làm cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, lại chưa được nhiều bộ ngành chú ý tới.
Tình trạng ban hành giấy phép con không đúng thẩm quyền nghiêm trọng đến nỗi, Chủ tịch VCCI phải thẳng thắn chỉ ra rằng có một số bộ ngành vẫn "phớt lờ", xem như không quan tâm đến chuyện là có Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới, vẫn tiếp túc hành những giấy phép con.
"Theo quy định thì sau khi các Luật này có hiệu lực (từ ngày 1/7 tới đây - PV) thì không được ban hành các loại giấy phép con này. Do đó, việc ban hành này tôi thấy rất là lạ và cần phải rà soát lại để đảm bảo tính nhất quán" - Chủ tịch VCCI đề nghị.
Trong khi đó, đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan có trách nhiệm rà soát các quy định kinh doanh, thì lại tỏ ra sốt ruột khi mà có không ít bộ ngành, không những vẫn bảo vệ quan điểm trong việc giữ những giấy phép con, mà còn không quan tâm đến việc rà soát lại những quy định làm khó doanh nghiệp này.
Bà Bùi Thu Thủy, Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bày tỏ nỗi sốt ruột khi hiện nay, cơ quan này đang rất ráo riết trong việc rà soát lại 7000 giấy phép con, khi mà thời hạn đến 1/7 không còn nhiều, song rất khó khăn để giải quyết được vấn đề này.
Vị này cho biết, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phân loại các nội dung của giấy phép con để rà soát. Theo đó, những giấy phép nào thực sự cần thiết thì sẽ được yêu cầu nâng lên thành nghị định, còn những quy định nào không phù hượp thì sẽ cương quyết loại bỏ. .
"Chỉ những gì liên quan đến an toàn xã hội, an ninh quốc phòng... thì mới cần giấy phép, còn những giấy phép không giải trình được sự cần thiết thì không được đưa vào. Song vấn đề này cũng rất khó, vì nhiều bộ chuyên ngành rất bảo vệ quan điểm trong việc giữ giấy phép con, trong khi nhiều cuộc họp chỉ có cấp vụ đi họp và cũng không báo cáo rõ ràng. Cho thấy, các bộ ngành vẫn chưa thực sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ" - Bà Thủy thẳng thắn chỉ ra.
"Bộ trưởng nào không đảm bảo điều kiện kinh doanh cho DN, thì Quốc hội không bầu nữa"
Sự chậm trễ của các bộ ngành, cũng chính là sự thiếu trách nhiệm với người dân và DN trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh- một thực tế được ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa nhận.
Ông nói, trong những cuộc trò chuyện gần đây với nhiều lãnh đạo, đều cảm thấy sốt ruột khi nói về thực trạng DN Việt Nam, khó khăn và ốm yếu với một cơ thể chỉ 40 kg, nhưng lại gánh trên lưng đến 3 - 4 tạ, với hàng nghìn giấy phép con, thì không thể sống nổi.
"Nếu không ban hành được những quy định kinh doanh tạo thuận lợi, thì DN sẽ càng khó khăn và có lẽ có thể sẽ còn nhiều DN bị rơi vào tình trạng ông bán phở, khi mà quy định tréo nhau. Do đó, rất mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng Chính phủ cương quyết với các Bộ trưởng trong việc giải quyết giấy phép con" - ông Hà nhấn mạnh.
Đồng thời, vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng thẳng thắn nói: "Nếu Bộ trưởng không đảm bảo được các điều kiện trong kinh doanh phù hợp với tinh thần của Luật, không làm được thì Quốc hội sắp tới không bầu nữa. Chúng ta cần minh bạch rõ những vị nào làm được và không làm được, kêu gọi các Đại biểu Quốc hội có sự cương quyết khi bầu cử".