MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Coi chừng "bay màu" thẻ tín dụng!

30-04-2022 - 07:46 AM | Tài chính - ngân hàng

Tội phạm công nghệ sử dụng nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi để lừa gạt chủ thẻ tín dụng trong giao dịch, chi tiêu qua mạng.

Vừa qua, một số ngân hàng đã phối hợp với công an gửi thông báo khuyến cáo khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nâng cao cảnh giác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cập nhật một số hình thức lừa đảo phổ biến liên quan đến thẻ tín dụng trong thời gian gần đây.

Muôn mặt lừa đảo

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, các nhóm tội phạm công nghệ cao sử dụng nhiều thủ đoạn từ đơn giản đến phức tạp đánh vào sơ hở, lòng tin của khách hàng để chiếm đoạt tài khoản.

Theo đó, đối tượng gọi điện chào mời sử dụng dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng và yêu cầu khách hàng cung cấp hình ảnh 2 mặt thẻ hoặc số thẻ, CVV, OTP và số tiền cần rút. Kẻ gian hứa hẹn sẽ chuyển khoản lại tiền nhưng thực tế khách hàng không nhận được hoặc nhận được số tiền ít hơn so với số tiền đã bị ghi nợ trên thẻ trước đó.

Một chiêu thức phổ biến khác được ghi nhận và có người đã rơi vào bẫy, bị mất tiền oan uổng. Đó là hành vi giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin thẻ tín dụng (ví dụ: số thẻ, ngày hết hạn thẻ, mã CVV, mã OTP...) để được hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ (khoảng 2-3 triệu đồng).

Có trường hợp đóng giả người của ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin để được hưởng ưu đãi hoàn phí bảo hiểm liên kết thẻ tín dụng mà khách hàng đang tham gia. Nếu cả tin, cung cấp các thông tin trên cho đối tượng thì hậu quả là bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng.

Một thủ đoạn khác để lừa đảo người sử dụng thẻ tín dụng là giả mạo ngân hàng gửi thông báo phê duyệt một thẻ tín dụng cho khách hàng. Sau đó, đối tượng chuyển một tấm thẻ nhựa (có thể kèm quà tặng) đến khách hàng qua đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền nhất định. Vì thẻ giả, không thể sử dụng được đồng nghĩa khách hàng bị lừa mất tiền.

Ngân hàng còn khuyến cáo độc chiêu khác là giả mạo nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp cận và chào mời nâng hạn mức thẻ tín dụng với điều kiện chuyển cho đối tượng số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tiền "phí nâng hạn mức" (tùy thuộc vào hạn mức thẻ tín dụng khách hàng muốn nâng).

Sau khi đồng ý với thỏa thuận này, đối tượng giả mạo hình ảnh chứa thông tin thẻ tín dụng đã được chỉnh sửa số tiền với hạn mức mới theo yêu cầu của khách hàng. Sau khi nhận được "phí nâng hạn mức", đối tượng chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng.

 Coi chừng bay màu thẻ tín dụng!  - Ảnh 1.

Ngân hàng khuyến cáo người tiêu dùng cẩn thận khi giao dịch bằng thẻ tín dụng


Nói không với người lạ

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã khuyến cáo toàn bộ khách hàng đồng thời cập nhật những chiêu thức lừa đảo mới nhất của tội phạm công nghệ cao. Theo đó, VPBank yêu cầu khách hàng tuyệt đối không nạp tiền, chuyển tiền cho người lạ với nội dung để mở thẻ tín dụng/nâng hạn mức thẻ/hoàn phí bảo hiểm thẻ... hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ khác.

Đồng thời, không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email hoặc các yêu cầu soạn tin nhắn theo cú pháp lạ.

Bên cạnh đó, người dùng thẻ tín dụng không được cung cấp thông tin bảo mật như mật khẩu truy cập web ngân hàng điện tử, mật khẩu giao dịch một lần OTP, số thẻ, mã số pin, mã bảo mật CVV cho bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức nào, kể cả nhân viên ngân hàng.

"Không truy cập các website không tin cậy khi mua sắm trực tuyến, chỉ đăng nhập vào các website chính/độ tin cậy cao để mua hàng hóa dịch vụ. Hạn chế tối đa việc lưu thông tin trên website, không click lựa chọn "Lưu thông tin thẻ tín dụng" hoặc "Lưu thông tin cá nhân"..., không để chế độ nhớ tên đăng nhập, thông tin thẻ trên thiết bị máy tính, điện thoại... để phòng trường hợp bị kẻ gian đánh cắp, chiếm đoạt tài sản" - VPBank lưu ý người tiêu dùng.

Trung tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10 (TP HCM), khuyến cáo người dân hạn chế tối đa sử dụng mạng wifi công cộng để mua bán hay trao đổi bất cứ thứ gì liên quan đến tài khoản cá nhân, bởi đây sẽ là nguyên nhân chính khiến người dùng có thể mất tài khoản ngân hàng hay các tài khoản dịch vụ mạng quan trọng khác".

Công an TP HCM cho biết trong thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ đã khám phá nhiều vụ lừa đảo qua mạng, chiếm đoạt tài sản ngân hàng với số tiền lớn. Vì một số nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan, thông tin về dữ liệu cá nhân như tên, tuổi, năm sinh của nhiều người bị lộ, lọt trên mạng.

Kẻ gian có được dữ liệu này đã giả danh nhân viên ngân hàng, cơ quan công an, viện kiểm sát gọi điện yêu cầu người dân thực hiện như: đăng nhập vào website giả mạo giao diện cơ quan nhà nước, giao diện ngân hàng để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP... Sau đó, các đối tượng yêu cầu cung cấp mã OTP rồi chiếm đoạt sim, chiếm đoạt tài khoản, đăng nhập vào các ứng dụng ngân hàng điện tử, ví MoMo, ZaloPay để rút tiền.

Công an không làm việc qua điện thoại

"Công an TP HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu của bất kỳ ai khi gọi điện yêu cầu thực hiện mọi giao dịch. Đồng thời, không thực hiện yêu cầu của các đối tượng xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước để yêu cầu cung cấp thông tin.

Mọi vấn đề về liên hệ làm việc, Công an TP HCM đều có thư gửi về địa chỉ cư trú mời người dân lên trụ sở công an làm việc và Công an TP HCM tuyệt đối không làm việc qua mạng Facebook, Zalo, cũng không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại" - đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP HCM, lưu ý.

Theo Phạm Dũng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên