Cởi trói quy định nhập khẩu, kỳ vọng giá xe giảm
Nhà nhập khẩu cho rằng quy định thông thoáng không giúp sức tiêu thụ xe năm nay tăng, còn doanh nghiệp sản xuất thì lo bị xe nhập lấn lướt
- 17-02-2020Xe Ấn Độ áp đảo về giá, xe Trung Quốc 'hết cửa' ở Việt Nam?
- 13-02-2020VinFast tăng giá xe, đẩy mức cao nhất lên sát 2 tỷ đồng
- 09-02-2020Xe ô tô điện Trung Quốc giá siêu rẻ, chạy 352km trong một lần sạc
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Trong đó, sửa đổi bổ sung Nghị định 116/2017 NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Nhập xe dễ nhưng khó bán
Cụ thể, đối với ôtô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức chứng nhận theo kiểu loại thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm đối với mẫu đại diện. Như vậy, quy định ôtô nhập khẩu chưa qua sử dụng phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra với từng lô đã được bãi bỏ. Theo các doanh nghiệp (DN), quy định mới sẽ giúp cho xe nhập khẩu về Việt Nam được thông quan trong khoảng 7 ngày thay vì 45 ngày như trước, đồng thời chi phí giảm một nửa.
Thị trường ôtô đang ế ẩm dù các hãng có nhiều chính sách khuyến mãi Ảnh: NGUYỄN HẢI
Ngoài ra, nghị định mới cũng bãi bỏ quy định DN nhập khẩu phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu do nhà chức trách nước ngoài cấp. Đây là điểm tháo gỡ rất có giá trị bởi cho đến nay, vẫn có nhiều quốc gia không cấp cho DN giấy chứng nhận này để bảo đảm tiêu chuẩn nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo giới chuyên môn, về lý thuyết, với các điều kiện nhập khẩu thông thoáng từ nghị định mới, ôtô nhập khẩu sẽ tràn về và cạnh tranh quyết liệt không chỉ đối với xe lắp ráp trong nước mà ngay chính các mẫu xe nhập cũng so kè với nhau. Từ đó, người tiêu dùng kỳ vọng giá xe giảm đáng kể. Tuy nhiên, giới kinh doanh ôtô đánh giá xu hướng thực tế có thể không diễn ra như vậy.
"Năm 2019, hai nước xuất khẩu ôtô nhiều cho Việt Nam là Thái Lan và Indonesia đã cung cấp được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho nhà nhập khẩu, kéo theo lượng xe nhập về Việt Nam đã tăng khá mạnh. Cho nên, dù bãi bỏ hay không bãi bỏ quy định này thì cũng không có quá nhiều ý nghĩa" - đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) nhận định.
Cũng theo đại diện VAMA, năm 2019, do các hãng ôtô nhận định thị trường ôtô tăng trưởng mạnh ở mức 20%-30% nên đã mạnh dạn chốt số lượng nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, thực tế, tăng trưởng thị trường năm 2019 không như kỳ vọng, dẫn đến tồn kho khá lớn, buộc các hãng phải liên tục "chạy" chương trình ưu đãi, giảm giá mạnh để giải quyết hàng tồn. Cùng đó, các nhà nhập khẩu đã rút kinh nghiệm từ việc nhận định sai thị trường trong năm trước nên năm nay, kế hoạch nhập khẩu có thể sẽ được điều chỉnh giảm đáng kể. "Kế hoạch nhập khẩu ôtô cho năm nay đã được ký kết với các nhà máy sản xuất ở Thái Lan, Indonesia… nên dù vướng mắc cho xe nhập có được tháo gỡ thì cũng khó tăng số lượng ngoài đơn đặt hàng nên nguồn xe nhập khẩu khó tăng đột biến" - một nhà nhập khẩu xe cho hay.
Xe nội lo lép vế
Dù sức ép từ việc nhập khẩu ồ ạt xe ngoại chưa lớn nhưng các nhà sản xuất, lắp ráp xe trong nước vẫn không khỏi lo lắng.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam, nhìn nhận quy định cởi trói cho xe nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến xe sản xuất trong nước. "Theo dõi biểu đồ nhập khẩu xe trong năm 2019 có thể thấy rõ nửa đầu năm, các DN nhập khẩu bị hạn chế bởi nhiều quy định chưa được cởi bỏ nên lượng nhập không quá lớn. Tuy nhiên, đến cuối năm, sau khi đáp ứng được một số quy định, lượng nhập khẩu đã tăng rất mạnh và tạo tồn kho lớn. Khi quy định được tháo gỡ, lượng tồn kho xe nhập khẩu có thể tăng thêm và uy hiếp đến sản phẩm sản xuất trong nước" - ông Đức phân tích.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Hyundai Thành Công Việt Nam, trong bối cảnh nhà nhập khẩu tung ra các chương trình khuyến mãi lớn để giải phóng hàng tồn, dẫn đến xe ngoại nhập giảm giá lớn, trong khi chính sách ưu đãi dành cho xe sản xuất trong nước theo đúng mục tiêu phát triển ngành công nghiệp của Chính phủ lại "chưa thấy đâu", thì chắc chắn DN nội sẽ thêm khó khăn.
"Cuối năm 2018, tại buổi tổng kết hoạt động của Bộ Công Thương, tôi có bài tham luận về chính sách dành cho công nghiệp ôtô nhưng gần 2 năm vẫn chưa thấy gì. Cứ chậm ban hành chính sách 1 năm thì chúng ta sẽ phải chạy đuổi đến 4-5 năm. Đợi khi thị trường đã được đáp ứng đủ nhu cầu bằng xe nhập khẩu thì công nghiệp ôtô sẽ không làm được nữa. Nguy cơ bị thôn tính thị trường là rất cao bởi Thái Lan, Indonesia đang giảm nhu cầu xe hơi trong khi năng lực sản xuất vẫn cao, tất yếu sẽ đẩy nguồn cung sang các nước có quan hệ phi thuế quan, trong đó có Việt Nam" - ông Đức nhận xét.
Theo một DN sản xuất, lắp ráp ôtô, việc đầu tư vào sản xuất ngoài mục đích bảo đảm hoạt động theo phương châm, mục đích của DN thì còn nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ là xây dựng một nền công nghiệp mà xương sống là công nghiệp ôtô. Do đó, khi cởi trói cho hoạt động nhập khẩu mà không đồng thời đưa ra chính sách bảo hộ hoạt động sản xuất trong nước thì khả năng mục tiêu không hoàn thành. Chưa kể, DN có thể rời bỏ sản xuất để chuyển sang nhập khẩu xe bởi "có lợi và nhàn hơn".
Thị trường đầu năm ảm đạm
Ghi nhận tại các đại lý ôtô ở TP HCM, dù có nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá mạnh đến cả trăm triệu đồng/xe nhưng không thu hút được khách. Thậm chí, có khách đặt mua xe từ trước Tết cũng thông báo hủy đặt hàng.
Ông Phạm Ngọc Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến Thành Ôtô, cho hay lượng xe nhập khẩu về trong những tháng đầu năm giảm mạnh. Chưa kể, dịch Covid-19 tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực nên thị trường ôtô không tránh khỏi bị tác động. Dự báo, tình hình ảm đạm không chỉ diễn ra trong ngắn hạn mà sẽ kéo dài nhiều tháng.
Người lao động