Cơn bão sinh trắc học chưa qua, cơn bão chữ ký số lại sắp tới?
Đã xác thực sinh trắc học, nếu còn bắt buộc thêm chữ ký số sẽ ảnh hưởng rất lớn tới trải nghiệm, làm tăng chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng.
- 12-07-2024Đã xác thực sinh trắc học, nếu còn bắt buộc thêm chữ ký số sẽ ảnh hưởng rất lớn tới trải nghiệm, làm tăng chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng
- 09-07-2024"Nếu bắt buộc chữ ký số trong giao dịch trực tuyến ngân hàng, người dân sẽ phải tốn chi phí rất lớn mỗi năm"
- 28-06-2020Mở rộng phạm vi ứng dụng chữ ký số phục vụ giao dịch điện tử
Luật Giao dịch điện tử 2023 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7. Đây là văn bản pháp luật có phạm vi tác động tới nhiều lĩnh vực, nhiều chủ thể trong xã hội. Một số quy định có tính mới trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cần có hướng dẫn chi tiết để bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực thi.
Nhằm tạo căn cứ pháp lý để triển khai các quy định của Luật Giao dịch điện tử vào thực tiễn cuộc sống Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy. Dự thảo đang trong quá trình xin ý kiến các bên liên quan.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới thông tin, nếu áp dụng chữ ký điện tử theo quy định của dự thảo, người dân có nguy cơ phải gánh thêm hàng nghìn tỷ đồng tiền phí khi giao dịch với ngân hàng.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, rất đồng tình và ủng hộ với định hướng một xã hội văn minh, mỗi người dân nên có một chữ ký số, chữ ký điện tử cho các giao dịch dịch vụ công cũng như kinh doanh.
Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy mà Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và đang xin ý kiến là chưa phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023 (luật không cấm). Và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức tín dụng.
“Tôi rất đồng tình và ủng hộ việc mỗi người dân nên có một chữ ký số, chữ ký điện tử, tuy nhiên chúng ta cần phải xem xét ứng dụng vào bối cảnh thực tiễn từ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mức thích ứng dần của người dân, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như làm tăng chi phí đột biến cho người dân và doanh nghiệp… Mục đích cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản kiến nghị về dự thảo Nghị định, quy định về chữ ký điện tử, dịch vụ điện tử, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông” - ông Hùng cho hay.
Từ thực tế, các tổ chức tín dụng cũng cho rằng, hiện các ngân hàng đều áp dụng bảo mật 2 lớp, xác thực 2 yếu tố để đảm bảo người thực hiện giao dịch đúng là chủ sở hữu tài khoản. Từ ngày 1/7, các ngân hàng đồng loạt triển khai thêm bước xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345/NHNN của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng. Nếu thực hiện thêm phần chữ ký số sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, đến trải nghiệm của khách hàng, gia tăng chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng.
Do đó, các tổ chức tín dụng kiến nghị nên để người dân được quyền chủ động lựa chọn chữ ký số theo nhu cầu sử dụng. Nếu phải dùng thì phải mang tính hệ thống, dùng chung chữ ký số cho tất cả các hoạt động từ giao dịch ngân hàng đến hoạt động dịch vụ công, hành chính,…
“Nếu triển khai chữ ký số có thể đồng nhất trên một nền tảng để gia tăng trải nghiệm khách hàng. Nếu dịch vụ trải nghiệm không tốt về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới khách hàng. Mỗi tổ chức tín dụng cần vừa đảm bảo an toàn bảo mật cho người dân vừa phải thuận tiện sử dụng” - Đại diện Vietcombank kiến nghị.
Còn đại diện VietinBank cho rằng, mỗi ngân hàng cần chuẩn bị các giải pháp trong thời gian tới, nếu quy định bắt buộc sử dụng chữ ký điện tử thì mỗi ngân hàng cần phải đảm bảo cho lợi ích của người dân, có thể tính đến giải pháp một đầu mối chung để giảm thiểu chi phí cũng như cần đảm bảo tính riêng tư và phạm vi sử dụng trên toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng kiến nghị được sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn cho các hoạt động nội bộ; cũng như đại diện cho tổ chức đó giao dịch với tổ chức, cá nhân khác, tạo lập và cung cấp chữ ký điện tử cho tổ chức, cá nhân khác để sử dụng trong giao dịch với chính cơ quan, tổ chức đó, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
“Luật Giao dịch điện tử đã mở ra hướng tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn các hình thức, trong đó có chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn. Khi người dân có mức thu nhập cao hơn, nhận thức và thấy rằng cần thiết phải có 1 chữ ký số cho riêng mình thì tự họ sẽ lựa chọn và quyết định, các quy định dưới luật không nên áp đặt để tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp” - ông Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm.
Theo báo cáo của 1 trong bốn ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, đến thời điểm này, số lượng khách hàng giao dịch trên kênh số của ngân hàng này ước tính khoảng 12 triệu khách hàng, với số lượng giao dịch 6,5 - 7 triệu giao dịch/ngày (cả năm khoảng 2,3 tỷ giao dịch, bình quân 500 giao dịch/giây). Như vậy, khi dự thảo Nghị định có hiệu lực, với mức chi phí khảo sát qua các CA (Certificate Authority - tổ chức chuyên phát hành và chứng thực những chứng chỉ dạng kỹ thuật số) trên thị trường từ 550.000 - 1.800.000 đồng/năm, thì hàng năm khách hàng của ngân hàng này phải chi trả dịch vụ CA Provider lên đến từ 6.600 - 21.600 tỷ đồng.
Báo Công thương
Sự kiện: Xài đi ngại chi
Xem tất cả >>- Người dùng thẻ tín dụng nên thực hiện ngay điều này, tránh lộ thông tin thẻ dẫn tới mất tiền
- Người dùng ngân hàng chú ý: Xuất hiện loạt rủi ro mất tiền trong thẻ, chỉ mở thanh toán trực tuyến khi có nhu cầu và tắt ngay khi hoàn tất giao dịch
- Bay khắp thế giới với bộ đôi đặc quyền từ thẻ tín dụng VIB
- Từ 1/10, mở thẻ ngân hàng buộc phải xác thực sinh trắc học
- Có nên "mạnh tay" vay ngân hàng 2 tỷ đồng để mua nhà thời điểm này?