Còn tồn tại “dân gian” và “gian thương” khiến chuỗi liên kết nông nghiệp dễ bị phá vỡ
Ông Nguyễn Ngọc Dân, Chủ tịch công ty TNHH nông nghiệp United cho rằng, ngành nông nghiệp nội địa nước ta vẫn còn tồn tại "dân gian" và "gian thương" khiến chuỗi liên kết nông nghiệp gặp khó.
- 02-05-2019Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp với năng lực cạnh tranh toàn cầu!
- 02-05-2019Thứ trưởng tranh luận với 'ông lớn' chuyện VN thiếu vải
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam Phiên Hiến kế về nông nghiệp diễn ra sáng 2/5, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết, theo chủ trương được thông qua tại nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Đảng đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Tôi nhớ năm 2003, một vị lãnh đạo cấp khá cao thậm chí không dám đến thăm doanh nghiệp tư nhân vì sợ mang tiếng chệch hướng. Nhưng hôm nay chúng ta ở đây cùng nhau bàn thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp", ông Cao Đức Phát nói.
Trên thực tế, "thời gian qua đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nay nhìn lại thì các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực này còn rất mỏng; trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp", ông Phát nói.
Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. "Ở Mỹ, một hộ có 500.000 ha chỉ 2 vợ chồng làm. Còn quê tôi Thái Bình, chỉ có khoảng 2.000 - 3.000 m2 cho một hộ gia đình. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh có khả năng cạnh tranh cao trong giai đoạn mới thì không chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua, mà cần phát triển vai trò hạt nhân là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân", ông Cao Đức Phát cho hay.
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam Phiên Hiến kế về nông nghiệp
Bàn về câu chuyện liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, hiện nay, có ba hình thức liên kết của doanh nghiệp với hộ sản xuất. Đầu tiên là liên kết với nông dân qua hợp đồng thu mua nông sản (chiếm tỷ lệ cao nhất và phổ biến nhất), thứ hai là, loại hình hộ nông dân hợp đồng gia công cho doanh nghiệp chủ yếu phổ biến trong chăn nuôi, nhất là trong nuôi lợn, gà và ba là, loại hình hộ nông dân góp vốn, đất và làm thuê cho doanh nghiệp.
"Tuy vậy, nông nghiệp, nông thôn nước ta cũng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới, như chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm thấp nên năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp hạn chế; thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa thiếu ổn định...", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.
"Dân gian" và "gian thương"
Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Ngọc Dân, Chủ tịch công ty TNHH nông nghiệp United nêu thực trạng, có những nơi nông dân trồng nông sản để bán và để ăn trên các diện tích hoàn toàn khác nhau. Hậu quả là theo thời gian nông dân không có thị trường tiêu thụ.
"Hiện cuộc sống cao hơn, một bộ phận người dân chấp nhận mua trái cây nhập khẩu, trong khi đó ở nhiều nơi người nông dân vẫn trồng bằng phân hoá học, sản phẩm xuất khẩu bị trả lại", ông Dân nói.
Bàn về các rào cản tạo lập chuỗi liên kết nông nghiệp, ông Dân cũng chỉ ra một thực tế là ngành nông nghiệp nội địa của nước ta vẫn còn tồn tại "dân gian" và "gian thương". Người nông dân liên kết với doanh nghiệp thu mua đầu ra nhưng đến khi được giá lại "lật kèo" không bán cho doanh nghiệp như cam kết.
Đồng thời, một số doanh nghiệp "gian thương" cũng nâng giá cao nông sản để khuyến khích người dân trồng trọt thật nhiều sau đó nông dân trồng nhiều, giá thị trường rẻ lại hạ giá thu mua.
"Cũng có chuyện nơi nào mua giá cao thì người dân sẵn sàng bán, gây khó cho doanh nghiệp đã đặt hàng trước. Cuối cùng, các doanh nghiệp lớn lại tìm đến các nước khác phù hợp hơn để thu mua nông sản", ông Dân nói.
Thúc đẩy vai trò liên kết của hợp tác xã
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, dù liên kết với nông dân theo hình thức nào cũng cần tổ chức nông dân thành các hợp tác xã. Chính vì vậy, chúng ta nên xem hợp tác xã như một chủ thể trong liên kết.
"Hiện nay, hợp tác xã đang thiếu cả vốn, nguồn nhân lực và cả kỹ thuật, vì vậy Nhà nước cần tập trung hỗ trợ cho khu vực này. Cuối cùng, trong chuỗi liên kết nông nghiệp, khâu làm thương hiệu và đầu ra thì phải trông chờ vào doanh nghiệp. Vì vậy, cần cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa vào công đoạn tổ chức thực hiện sản xuất, đặt hàng và tham gia vào hợp tác xã", ông Thòn nói.
Cũng theo ông Thòn, cần phân vai giữa ba nhà là ba đỉnh tam giác "nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân", trong đó Nhà nước chỉ nên làm vai trò trọng tài, tạo lập cuộc chơi để tạo được liên kết bền vững.
Về nguyên nhân nhiều hợp tác xã chưa phát huy được vai trò trong liên kết sản xuất, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nêu 4 vấn đề, trong đó có việc quy mô hoạt động của các hợp tác xã đa số là vừa và nhỏ; khả năng thích ứng với cơ chế thị trường còn hạn chế; năng lực quản trị của cán bộ hợp tác xã còn yếu... Ngoài ra, cơ chế chính sách khu vực hợp tác xã còn yếu.
Ông Thịnh cho rằng, để làm tốt vai trò liên kết của hợp tác xã, việc đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền vì hiện người dân chưa nhận thức được vai trò của hợp tác xã kiểu mới, tâm lý hợp tác xã kiểu cũ để lại vẫn nặng nề.
Cùng với đó, Nhà nước cần sớm sửa đổi Luật hợp tác xã vì sau 7 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp, cản trở phát triển; sửa Luật đất đai để tháo gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất; sớm ban hành nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp.