Công an chỉ rõ nguyên tắc "3 không, 3 luôn" để tránh bị lừa đảo, rút sạch tiền trong tài khoản
Các đối tượng thường lợi dụng triệt để khoa học, công nghệ và những kẽ hở để thực hiện hành vi lừa đảo khiến nhiều người dân "sập bẫy", mất sạch tiền trong tài khoản.
- 16-05-2024Clip dễ hiểu: Cảnh giác trước chiêu giả mạo Công an phường để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- 16-05-2024Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh cán bộ BHXH yêu cầu đồng bộ dữ liệu CCCD, cập nhật thông tin trên VssID
- 06-09-2023Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng cảnh giác với lừa đảo qua mã QR
Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, nhưng thời gian qua vẫn xuất hiện nhiều nạn nhân mới của các trò lừa đảo trên không gian mạng.
Đơn cử, lợi dụng việc một số cơ quan Nhà nước đang triển khai các phần mềm dịch vụ công trực tuyến, các đối tượng lừa đảo đã tạo các ứng dụng mạo danh cơ quan Nhà nước có các tên gọi như "Dịch vụ công", "Phần mềm thuế", "VNeID", "Bộ Công an"...
Sau đó, bằng các thủ đoạn khác nhau, đối tượng tiếp cận và dẫn dụ, lừa người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo trên điện thoại.
Các ứng dụng này khi được cài đặt vào máy có thể chiếm quyền điều khiển, truy cập toàn bộ thông tin dữ liệu của điện thoại như: Thông tin ứng dụng, tài khoản, danh bạ, tin nhắn, hình ảnh, mã OTP…. Từ đó có thể chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân nếu trong điện thoại có cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử.
Một ví dụ cụ thể là vào đầu tháng 4 vừa qua, anh P. ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đến cơ quan Công an trình báo bị mất 678 triệu đồng vì làm theo lời một đối tượng giả danh Công an. Đối tượng này gọi điện, yêu cầu anh P. cập nhật thông tin căn cước công dân bằng cách truy cập vào link dẫn đến một trang web giả mạo dịch vụ công để chiếm quyền sử dụng điện thoại của anh P rồi rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Trình báo tại cơ quan Công an, anh P. chia sẻ: “Do phần mềm có giao diện gần giống với giao diện “Dịch vụ công trực tuyến” thật của Bộ Công an nên tôi hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác theo hướng dẫn. Khi cài đặt, phần mềm yêu cầu toàn quyền truy cập điện thoại của tôi, tôi cũng không nghi ngờ gì. Tiếp đó các đối tượng yêu cầu tôi chuyển khoản 12 nghìn đồng vào tài khoản có tên là “Quỹ bảo trợ trẻ em VN”. Tôi vừa thực hiện xong thì ngay lập tức tài khoản ngân hàng của tôi báo toàn bộ số tiền trong tài khoản của tôi đã bị chuyển sang tài khoản khác. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa”.
Làm gì để tránh rơi vào bẫy?
Một số thủ đoạn gần đây của tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là: giả danh (giả danh lãnh đạo, cơ quan pháp luật, nhân viên ngân hàng, cán bộ viễn thông, bảo hiểm xã hội, công ty tài chính, vv…); hack facebook, zalo; gọi điện khủng bố; lừa đảo trúng thưởng; bẫy tình trên mạng xã hội; mua bán hàng trực tuyến, làm việc qua ứng dụng lạ,…
Các đối tượng triệt để lợi dụng khoa học, công nghệ và những kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực Internet, viễn thông, tài chính, ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Mặt khác, một bộ phận người dân không tìm hiểu, cập nhật các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này nên dễ dàng bị các đối tượng tiếp cận, thao túng tâm lý, lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có người chậm trình báo cho cơ quan chức năng, khiến cho việc xác minh, điều tra, nhất là phối hợp các ngân hàng phong tỏa nguồn tiền, thu hồi tài sản và xác minh, truy vết đối tượng trên không gian mạng gặp nhiều trở ngại.
Để tránh rơi vào bẫy lừa cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân cần nhận diện đặc điểm chung của các hình thức lừa đảo để nâng cao cảnh giác.
Theo đó, người dân tuyệt đối không làm 3 điều này: Không cung cấp thông tin, hình ảnh của cá nhân hoặc đưa lên mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát; không cung cấp thông tin, mật khẩu, mã OTP của tài khoản ngân hàng, ví điện tử cho người khác dù trực tiếp hay gián tiếp; không click vào các đường link lạ, hoặc link nghi ngờ có mã độc trên tin nhắn hoặc website.
Đồng thời, luôn nâng cao cảnh giác và không làm theo hướng dẫn của người lạ mà không xác minh để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản; luôn cảnh giác khi cài đặt các ứng dụng (APP), nhất là các APP vay tiền để tránh tình trạng vay với lãi suất cao, bị đòi nợ theo hình thức tín dụng đen; luôn trình báo cơ quan Công an hoặc cơ quan chức năng khi phát hiện, nghi ngờ các hành vi phạm tội, lừa đảo.
Đời sống và pháp luật