Công an TP HCM tiếp tục thông tin về việc kiểm tra nồng độ cồn
Đại diện Công an TP HCM cho biết nếu người dân phát hiện lực lượng cảnh sát giao thông không thay ống thổi mới khi kiểm tra nồng độ cồn thì có thể yêu cầu thay ống thổi khác
- 11-12-2023Đo nồng độ cồn: Sao không phân định 2 vùng xanh - đỏ?
- 08-12-2023Mức phạt vi phạm nồng độ cồn mới nhất cho từng loại xe
- 07-12-2023Bộ Công an nói về quy định xử lý nồng độ cồn
Chiều 14-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM và Sở Thông tin và Truyền thông thành phố họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tại buổi họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi cho Công an thành phố về các vấn đề xoay quanh công tác kiểm tra nồng độ cồn. Nhất là việc người dân, dư luận còn nhiều thắc mắc trong việc lực lượng cảnh sát giao thông có thay ống thổi mới sau mỗi lần đo nồng độ cồn hay không.
Giải đáp, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết khi đo nồng độ cồn, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ thực hiện 2 bước. Đầu tiên là kiểm tra định tính và tiếp theo là kiểm tra định lượng.
Đối với kiểm tra định tính, người dân chỉ thở vào phễu máy đo vài giây chứ không cần ngậm ống thổi. Nếu không phát hiện cồn trong hơi thở, người dân sẽ tiếp tục lưu thông.
Nếu phát hiện có cồn trong hơi thở, người vi phạm sẽ được mời vào một khu vực để kiểm tra định lượng. Lúc này, người vi phạm sẽ được kiểm tra bằng máy dùng ống thổi.
"Theo quy định, mỗi người vi phạm sẽ dùng một ống thổi riêng. Cảnh sát giao thông sẽ lấy, bóc ống thổi trong túi hoặc để người vi phạm tự tay bóc ống thổi ra và cắm vào máy. Sau khi có kết quả đo, các lực lượng sẽ lập biên bản, tạm giữ phương tiện" - Phó Phòng Tham mưu Công an TP HCM nói rõ.
Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh nếu người dân phát hiện lực lượng cảnh sát giao thông không thay ống thổi mới thì có thể yêu cầu thay ống thổi khác.
Người lao động