MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công nghệ, xu hướng thanh toán không tiền mặt nào đang được ưa chuộng nhất tại Việt Nam?

04-12-2023 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Công nghệ, xu hướng thanh toán không tiền mặt nào đang được ưa chuộng nhất tại Việt Nam?

Theo các chuyên gia, trong các phương thức thanh toán không tiền mặt hiện nay thì thanh toán qua thẻ có nhiều ưu điểm vượt trội và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Cạnh tranh trên thị trường thẻ hiện nay cũng rất sôi động. Nếu ngân hàng không chủ động đầu tư các công nghệ mới và chú trọng tính cá nhân hóa người dùng thì sẽ rất khó để nổi bật trên thị trường.

Tại buổi trò chuyện giao lưu trực tuyến: “Xu hướng thanh toán không tiền mặt mới nhất hiện nay” tổ chức vào ngày 01/12/2023, bà Winnie Wong - Giám đốc quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, người tiêu dùng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương có mức độ ưa chuộng các phương thức thanh toán số cao nhất thế giới, dự kiến vượt mức 20% đến năm 2027. Cũng trong giai đoạn này, Đông Nam Á được xem là một trong những khu vực tăng trưởng vượt trội, trong đó, Việt Nam và Indonesia là những nước dẫn đầu làn sóng này.

Chia sẻ cụ thể hơn về bức tranh tại Việt Nam, bà Tường Nguyễn - Giám đốc Trung tâm Chiến lược và Vận hành Thẻ VIB cho biết, thanh toán không tiền mặt đã trở thành một xu hướng không thể chối cãi tại Việt Nam. Các năm qua, tăng trưởng về thanh toán không tiền mặt đều đạt 2-3 chữ số. Các kênh thanh toán Internet, điện thoại di động, QR Code đều tăng trưởng mạnh mẽ.

Riêng về thẻ tín dụng, theo số liệu của Hiệp hội thẻ trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số chi tiêu qua thẻ đạt gần 448.000 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với cùng kỳ năm trước. Phương thức thanh toán này đang ngày càng được ưa chuộng với bình quân mỗi người dân Việt Nam sở hữu một chiếc thẻ tín dụng.

Lý giải cho việc các phương thức thanh toán không tiền mặt bùng nổ, bà Tường cho rằng, yếu tố quan trọng là mạng lưới chấp nhận thanh toán đã ngày càng nhiều hơn và cùng công nghệ hiện đại, người dùng có những trải nghiệm ngày một tiện lợi.

Đồng quan điểm, đại diện của Mastercard cho biết, sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng vì dễ sử dụng, an toàn và liền mạch. Họ có được trải nghiệm đa kênh tốt hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng có những chính sách khuyến khích, nâng cao hiểu biết của người dân về các phương thức thanh toán hiện đại. Việc xây dựng hạ tầng và độ phủ Internet trên diện rộng đóng vai trò rất lớn để thúc đẩy người dân thay đổi thói quen thanh toán. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 là chất xúc tác giúp quá trình này được đẩy nhanh hơn.

Thanh toán qua thẻ tín dụng tại Việt Nam còn nhiều dư địa để bứt phá

Theo các chuyên gia, trong những phương thức thanh toán không tiền mặt hiện nay thì thẻ tín dụng có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các hình thức truyền thống. Theo đó, người dùng có thể chi tiêu trước, trả tiền sau, được miễn lãi từ 45 đến 55 ngày. Đặc biệt, khi chi tiêu tại thị trường quốc tế hoặc nền tảng giao dịch xuyên quốc gia thì lợi thế của thẻ tín dụng nổi bật hơn hẳn. Tính năng hoàn tiền giúp cho thẻ tín dụng không đơn thuần chỉ là một phương thức thanh toán, mà còn giúp chủ thẻ tiết kiệm chi tiêu.

Đại diện VIB phân tích, dư địa để thị trường thẻ Việt Nam phát triển còn rất lớn bởi tỷ lệ thâm nhập của thẻ tín dụng ở nước ta mới chỉ đạt 10% dân số, còn khiêm tốn so với các nước khác, chẳng hạn như Thái Lan, Maylaysia, Trung Quốc đạt đến 21%; Singapore là 49%; Nhật Bản lên tới gần 70%.

“Trong quá trình nghiên cứu và đầu tư, chúng tôi nhận thấy nhu cầu của người dùng thẻ đang ngày càng gia tăng. Cùng với đó, VIB tập trung cá nhân hóa trải nghiệm chi tiêu của khách hàng với nhiều dòng thẻ chuyên biệt, được thiết kế theo từng nhu cầu, từ du lịch, mua sắm, đến thanh toán trực tuyến, rút tiền,… Mảng thẻ của chúng tôi có mức tăng trưởng rất nhanh, trong đó có những dòng thẻ tăng gấp 7-10 lần về số lượng phát hành và chất lượng chi tiêu, cho thấy nhu cầu của người dùng đối với thẻ tín dụng, đặc biệt là thẻ VIB, là rất cao”, đại diện VIB chia sẻ.

Chiến lược xoay quanh “công dân số”

Cũng tại buổi giao lưu trực tuyến, hai chuyên gia đến từ Mastercard và VIB đều đồng ý với nhau về vai trò của nhóm khách hàng công dân số đối với sự thay da đổi thịt của thị trường thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam. Họ là những người thuộc thế hệ Gen Y (sinh năm 1981-1996) và Gen Z (sinh năm 1997-2012), chiếm phần lớn trong tổng dân số ở độ tuổi lao động. Đặc biệt, người trẻ sinh ra trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh mẽ và phủ rộng nên cuộc sống của họ phụ thuộc nhiều vào hệ sinh thái số.

Theo bà Tường Nguyễn, đây là phân khúc khách hàng tiềm năng của toàn xã hội, trong đó có ngân hàng. VIB xác định đây là nhóm khách hàng chiến lược, có nhu cầu riêng khác, ưu chuộng sự tiện lợi, an toàn và cá nhân hóa khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ.

“Chúng tôi áp dụng những công nghệ mới nhất nhằm mang đến trải nghiệm độc đáo và thuận tiện cho người dùng trên môi trường số. Chẳng hạn, VIB là ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ mở thẻ tín dụng trực tuyến với quy trình chỉ từ 15-30 phút. Trong khi đó, theo quy trình truyền thống, khách hàng phải mất 3-7 ngày để nhận kết quả phê duyệt, chờ tiếp 3-7 ngày để nhận thẻ vật lý và sau đó mới sử dụng được”. Bằng cách này, VIB đã tiếp cận dễ dàng hơn tới khách hàng công dân số, chạm mốc gần 700.000 thẻ phát hành tính đến hết quý 3 năm nay.

Bên cạnh đó, VIB luôn sáng tạo trên hành trình tương tác nhằm tạo ra những kết nối thú vị với khách hàng. Đó là lý do ngân hàng đồng hành cùng các chương trình như The Masked Singer Vietnam – Ca Sĩ Mặt Nạ, Let's Feast Vietnam - Hành Trình Kỳ Thú. Thông qua những điểm chạm khác biệt này, VIB đã thành công trong việc kéo gần khoảng cách giữa khách hàng và hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ tài chính vượt trội, từ đó giúp người dùng có thêm sự lựa chọn về phương thức chi tiêu và quản lý tài chính.

Bà Winnie Wong cho biết, theo quan sát của Mastercard, phân khúc giới trẻ có phong cách sống mới được gọi là “kỹ thuật số là trên hết”. Các ngân hàng Việt, trong đó có VIB, đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kỹ thuật để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, bảo mật, đồng thời ưu tiên các tính năng cá nhân hóa để tạo ra trải nghiệm phù hợp và hấp dẫn.

Các chuyên gia nhận định, cạnh tranh trên thị trường thẻ hiện nay rất sôi động. Nếu ngân hàng không chủ động đầu tư các công nghệ mới và chú trọng tính cá nhân hóa người dùng thì sẽ rất khó để nổi bật trên thị trường. Lãnh đạo Trung tâm Chiến lược và Vận hành Thẻ VIB cho hay, ngay từ những ngày bắt đầu quá trình chuyển đổi sản phẩm thẻ, ngân hàng đã luôn đặt mục tiêu mang đến những trải nghiệm tốt nhất trên từng điểm chạm với khách hàng. Do đó, từ quá trình thiết kế, phát hành sản phẩm đến khâu chăm sóc khách hàng sau khi mở thẻ, VIB đều bám sát định hướng “lấy khách hàng làm trọng tâm”.

Vượt trội với định hướng cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng

Hiện thực hóa định hướng cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với số lượng người dùng diện rộng. Bà Tường Nguyễn chia sẻ, câu chuyện cá nhân hóa đã được VIB kiên định thực hiện từ năm 2018 khi ngân hàng tái cấu trúc mảng thẻ tín dụng, và công nghệ đóng vai trò là nền tảng chính yếu. Mở đầu là dòng thẻ Travel Elite và Financial Free ra mắt vào cuối năm 2018, tiếp đến, VIB liên tiếp ra mắt các dòng thẻ khác nhau như Cash Back, Zero Interest Rate, Premier Boundless... Trong đó, Zero Interest Rate là dòng thẻ "Buy now – Pay later" (Mua trước - Trả sau) đầu tiên tại Việt Nam.

Một dòng thẻ khác cũng là niềm tự hào của VIB là Online Plus 2in1, là dòng thẻ đầu tiên tại Đông Nam Á tích hợp thẻ tín dụng và thẻ thanh toán, giúp người dùng thuận tiện hơn khi lưu giữ và sử dụng. Các dòng thẻ khác cũng rất được yêu thích trên thị trường, chẳng hạn như Family Link - dòng thẻ tín dụng đồng hành cùng con đầu tiên tại Việt Nam, LazCard - dòng thẻ eCom vượt trội với mức hoàn tiền đến 50%, Super Card - dòng thẻ đầu tiên tại Việt Nam trao toàn quyền làm chủ, tự chọn tính năng và hoàn tiền đến 15% cho khách hàng...

Trong 5 năm qua và thời gian tới, đại diện VIB cho hay, ngân hàng luôn duy trì việc học hỏi từ chính khách hàng của mình thông qua các câu chuyện, trải nghiệm, góp ý, yêu cầu… Việc lắng nghe để thấu hiểu khách hàng cũng là động lực giúp VIB liên tục thay đổi, tốt hơn mỗi ngày nhưng đồng thời vẫn giữ vững nguyên tắc từ những ngày đầu, đó là trở thành "Sự lựa chọn tốt nhất" của khách hàng.

Bà Winnie Wong cho hay, VIB là đối tác quan trọng của Mastercard trong sứ mệnh thúc đẩy đổi mới và hiện đại hóa bối cảnh thanh toán tại Việt Nam. Tổ chức quốc tế này đánh giá cao việc hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng, tận tâm và sáng tạo trong quá trình cung cấp các giải pháp thanh toán hiện đại, an toàn, thuận tiện cho mọi người, ở mọi nơi.

Trong thời gian tới, Mastercard và VIB sẽ tiếp tục hợp tác, tận dụng các lợi thế về công nghệ, sự am hiểu khách hàng nhằm mở rộng mạng lưới thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, trong khu vực và trên toàn cầu.

Bạn có thể xem lại buổi giao lưu trực tuyến tại đây

Kim Ngân

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên