Công ty kinh doanh lợn làm ăn như thế nào trong năm Hợi?
Ảnh hưởng từ dịch tả lợn, nhiều công ty kinh doanh lợn gặp nhiều khó khăn trong năm 2019. Giá thịt tăng cao đã giúp nhiều doanh nghiệp có kết quả rất tốt vào cuối năm.
Ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi trong năm qua, dẫn đến hoạt động của các công ty đều gặp khó khăn. Giá thịt lợn hơi trên thị trường từng rơi xuống dưới 30.000 đồng/kg do bán tháo.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 10, giá tăng hơn 70% lên quanh mức 60.000 đồng/kg và đạt đến 90.000 đồng/kg vào cuối tháng 12. Điều này giúp nhiều công ty thu lợi nhuận lớn trong 3 tháng cuối năm, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho giai đoạn đầu năm.
Dabaco với chuỗi giá trị miền Bắc
Xuất thân là đơn vị nhà nước từ năm 1996, Tập đoàn Dabaco Việt Nam ( HoSE: DBC ) chính thức cổ phần hóa vào năm 2005. Từ đó đến nay, tập đoàn này đã phát triển được chuỗi giá trị từ sản xuất con giống đến thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia công và chế biến thịt (chuỗi 3F), địa bàn chủ yếu ở miền Bắc
Mặc dù là một tập đoàn đa ngành, doanh thu của Dabaco vẫn chủ yếu đến từ mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với riêng lĩnh vực chăn nuôi, công ty có nuôi gà và lợn, trong đó doanh thu từ lợn (giống và thịt) là chiếm 80%.
Dabaco hiện có hệ thống các trang trại nuôi giữ, lai tạo lợn giống gốc cụ kị, ông bà thuộc các giống được nhập khẩu từ Canada, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Mỹ… và sản xuất con giống hạt nhân, giống bố mẹ, giống thương phẩm, tinh lợn cung cấp cho hệ thống chăn nuôi gia công của tập đoàn và bán ra thị trường.
Trại giống Lạc Vệ (Dabaco) cung cấp 40.000 con giống thương phẩm mỗi năm. |
Trong năm 2019, chịu ảnh hưởng chung từ dịch tả lợn châu Phi, Dabaco cũng gặp rất nhiều khó khăn trong hơn nửa đầu năm. Lợi nhuận 9 tháng chỉ đạt 47 tỷ đồng, giảm 81% và mới hoàn thành 15% kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên giá thịt lợn bất ngờ tăng vào cuối năm giúp công ty lãi lớn 258 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Kết quả này giúp doanh nghiệp lãi 305 tỷ đồng và hoàn thành 85% kế hoạch năm.
Năm 2020, HĐQT thông qua kế hoạch gồm tổng doanh thu (bao gồm cả nội bộ) 13.203 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 457 tỷ đồng, trong đó 405 tỷ đồng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh chính và 52 tỷ từ lĩnh vực khác. Kế hoạch lợi nhuận 2020 tăng khoảng 50% so với kết quả năm 2019 do kỳ vọng vào sự phục hồi ổn định của ngành chăn nuôi và sự đóng góp của các dự án mới đi vào hoạt động.
Masan MEATLife
Một đơn vị kinh doanh thịt lợn khác trên sàn chứng khoán là CTCP Masan MEATLife ( UPCoM: MML ). Giống với Dabaco, doanh thu của Masan MEATLife chủ yếu đến từ thức ăn chăn nuôi nhưng quy mô chăn nuôi và thịt lợn của doanh nghiệp hiện cũng khá lớn.
Thành lập năm 2011, Masan MEATLife khởi đầu trong mảng chăn nuôi từ năm 2016 khi thành lập trang trại nuôi lợn công nghệ cao tại Nghệ An (MNS Farm Nghệ An). Đến 2018, nhà máy chế biến thịt Meat Hà Nam đi vào hoạt động. Công ty cũng vừa huy động hơn nghìn tỷ đồng để thu xếp vốn cho MNS Meat Sài Gòn, tổ hợp chế biến thịt tại Long An dự kiến hoạt động trong 2020.
Với khoảng 99% là doanh thu thức ăn chăn nuôi, MEATLife gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 2016-2018 do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng thịt lợn tại Trung Quốc và dịch tả lợn châu Phi bùng phát.
Nửa đầu năm 2019, công ty đạt 234 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nhưng lại giảm vào nửa cuối năm. Nếu lợi nhuận quý III đạt 90 tỷ đồng thì sang quý IV, bất chấp đợt hồi phục của giá thịt lợn, lợi nhuận lại chỉ còn gần 46 tỷ đồng. Thậm chí, nếu tính cổ đông công ty mẹ chịu lỗ 37 tỷ đồng trong quý IV.
So với kế hoạch, với việc đạt 14.575 tỷ đồng doanh thu và 370 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt lần lượt gần 8% và 37%. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 115 tỷ đồng, chưa tới một nửa so với Dabaco trong khi quy mô vốn hóa và vốn điều lệ lại gấp khoảng 2 lần.
Ngoài ra, điểm đáng chú ý của Masan MEATLife còn đến từ mảng thịt khi doanh nghiệp ra mắt thương hiệu thịt mát MEATDeli cuối năm 2018. Ban lãnh đạo kỳ vọng phân phối MEATDeli tại hơn 4.000 điểm bán thịt trong năm nay nhờ việc tập đoàn Masan nhận sáp nhận chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+.
Vissan tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận
CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan, UPCoM: VSN ) chủ yếu cung cấp thịt và thực phẩm ra thị trường. Năm 2019 công ty đã cung cấp khoảng 1.675 tấn thịt bò, tăng 14%; thịt lợn 24.544 tấn, tăng 2%; thực phẩm chế biến hơn 26.000 tấn, tăng 15%.
Theo đó, Vissan ghi nhận doanh thu 4.903 tỷ đồng, tăng 10% và lợi nhuận trước thuế đạt 212,6 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước.
Bước sang năm 2020, Vissan cho biết sẽ tiếp tục triển khai xây dựng vùng chăn nuôi gia súc chất lượng cao, có thể truy xuất nguồn gốc, nhằm kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty tập trung phát triển dòng sản phẩm đóng khay, sản phẩm tẩm ướp.
Vissan hiện nay là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) với tỷ lệ sở hữu 67,78%, Ngoài ra, công ty Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (thuộc MEATLife) cũng đang nắm gần 25% vốn Vissan.
Các công ty khác
CTCP Chăn nuôi Phú Sơn ( UPCoM: PSL ) được thành lập trên cơ sở trại lợn tư nhân có tên KYCANOCO từ năm 1976. Báo cáo năm 2019, sản lượng heo giống và lợn thịt đều không đạt kế hoạch, lần lượt là 335 tấn và 1.757 tấn. Tổng doanh thu hơn 95 tỷ và thua lỗ hơn 20 tỷ đồng.
Phú Sơn cho biết trại lợn Phú Sơn bị nhiễm dịch tả lợn cuối tháng 6/2019 buộc phải tiêu hủy với tổng số lượng 16.118 con các loại, trong khi lợn được phép bán thì tiêu thụ khó khăn và không được hỗ trợ kinh phí tiêu hủy. Tuy nhiên đàn lợn Xuân Bắc vẫn an toàn với 2.000 con nái và kinh doanh có lãi. Công ty cũng thuê trại nuôi 5.000 con lợn thịt được chuyển từ trại Xuân Bắc về, dự kiến bán trong quý I/2020 và sẽ bù lỗ cho thời gian qua.
|
Công ty Chăn nuôi - Mitraco ( UPCoM: MLS ) được thành lập vào năm 2004 và là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi lợn có quy mô lớn của khu vực miền Trung. Công ty có 2 trung tâm sản xuất lợn giống chất lượng cao tại Hà Tĩnh. Hiện MLS chưa có báo cáo năm 2019 nhưng doanh thu hàng năm vào khoảng 250 tỷ đồng.
Ngoài ra một số đơn vị khác cũng có mảng nuôi lợn như Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam ( UPCoM: VLC ). Trên 90% doanh thu của VLC đến từ mảng sữa (sở hữu Mộc Châu Milk), trong khi tỷ trọng doanh thu chăn nuôi chỉ khoảng dưới 3%. Hiện VLC kinh doanh lợn giống thông qua 3 công ty chăn nuôi tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Quảng Nam.
Dù xuất thân từ thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát ( HoSE: HPG ) cũng có tham vọng lớn ở mảng nông nghiệp. Thông qua công ty Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát, tập đoàn đang kinh doanh các mảng thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn, bò và gia cầm. Doanh thu nông nghiệp tăng trưởng 175% trong năm 2019.
Với lợn, tập đoàn này tập trung vào cung cấp lợn giống bố mẹ, lợn giống thương phẩm, thịt chất lượng cao và đặt trang trại tại Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Bình Phước. Riêng mục tiêu 5 năm của Hòa Phát là đạt 450.000 đầu lợn thương phẩm/năm.
|
Một trại lợn của Hòa Phát. |
Từng là ông vua cá tra, Hùng Vương ( HoSE: HVG ) còn được biết có hệ thống chăn nuôi lợn rất hiện đại, bao gồm nhà máy chế biến thức ăn, hệ thống kho thức ăn chăn nuôi và con giống chất lượng cao được nhập khẩu từ Đan Mạch…
Hùng Vương hiện có 3 trại lợn giống tại An Giang (2 trại, tổng công suất 20.802 con) và Bình Định (1 trại, công suất 13.154 con).
Mảng nuôi lợn có thể xem là một trong những tài sản “cứu cánh” cho Hùng Vương để hợp tác với Thadi, công ty nông nghiệp của Thaco. Theo kế hoạch, Thadi sẽ góp 65% vốn vào công ty Giống - Chăn nuôi Tịnh Biên An Giang và Công ty Giống - Chăn nuôi Việt Thắng Phù Cát.
Như vậy, Thaco cũng bước chân vào kinh doanh lợn giống và ngoài ra Thadi còn tự đầu tư chăn nuôi lợn thịt theo tiêu chuẩn EFSA với quy mô 1,2 triệu con/năm.
NDH
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: KẾT QUẢ KINH DOANH 2019
Xem tất cả >>- Có hơn 50 doanh nghiệp lãi nghìn tỷ năm 2019
- Bức tranh ngành phân bón năm 2019: Lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp trên sàn đều giảm sút
- Doanh nghiệp than kinh doanh tốt, cổ phiếu vẫn ế ẩm
- Doanh nghiệp cảng biển đồng loạt lãi vượt kế hoạch 2019
- Mía đường Sơn La (SLS) báo lãi ròng quý 2 niên độ 2019-2020 tăng gấp rưỡi cùng kỳ