MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty “ma” dùng 3.000 tài khoản ngân hàng cho người nước ngoài thuê để phạm tội

10-06-2022 - 14:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Công ty TNHH Cửu Châu do Lê Thế Trung làm Giám đốc, có địa chỉ tại tỉnh Phú Thọ. Với danh nghĩa là công ty xây dựng, 11 đối tượng trong đường dây này dưới sự điều hành của Trung đã ráo riết tiến hành các hoạt động tuyển dụng và liên tục tìm kiếm, liên hệ với nhiều đối tượng tại Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương... để mua, thuê lại tài khoản ngân hàng, sau đó chuyển cho các đối tượng tại Đài Loan để sử dụng phạm tội.

Thủ đoạn tinh vi của "công ty ma"

Tháng 8-2021, Công an huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An phát hiện một số đối tượng có biểu hiện thu thập tài khoản ngân hàng của một số người dân trên địa bàn và nhiều địa phương khác trên cả nước. Từ đó, Cơ quan công an xác định được đối tượng cầm đầu đường dây là Lê Thế Trung, có địa chỉ thường trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trung lập ra Công ty TNHH Cửu Châu đặt trụ sở tại Phú Thọ với danh nghĩa kinh doanh trên lĩnh vực xây dựng nhưng công việc chính của Trung là liên hệ và giao dịch với các "ông chủ" không rõ lai lịch tại nước ngoài có nhu cầu thuê, mua lại tài khoản ngân hàng với mục đích phạm tội. Đồng thời, Trung cùng các "chân rết" liên tục tìm kiếm, liên hệ người dân tại nhiều tỉnh thành để mua, thuê lại tài khoản ngân hàng, từ đó chuyển cho các đối tượng tại nước ngoài.

Công ty “ma” dùng 3.000 tài khoản ngân hàng cho người nước ngoài thuê để phạm tội - Ảnh 1.

Ban chuyên án họp bàn kế hoạch phá án.


Xác định đây là đường dây "Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" quy mô rất lớn, liên quan nhiều đối tượng, nhiều tỉnh thành và có cả yếu tố nước ngoài, Công an huyện Nghĩa Đàn đã báo cáo lãnh đạo công an tỉnh để chỉ đạo xác lập chuyên án, tập trung lực lượng nhanh chóng điều tra, làm rõ.

Ban chuyên án phối hợp với phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao cũng như các phòng nghiệp vụ khác nhanh chóng vào cuộc điều tra. Quá trình điều tra, xác minh, ban chuyên án gặp nhiều khó khăn do các tài khoản này là của người dân vì hoàn cảnh khó khăn hoặc bị dụ dỗ, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật. Mặt khác, việc giao dịch với các đối tượng đều thông qua ứng dụng có máy chủ đặt tại nước ngoài, có chức năng tự động xóa tin nhắn nên việc xác định được địa chỉ cụ thể của đối tượng nghi vấn rất khó.

Tiến hành xác minh các tài khoản ngân hàng của những người này, Cơ quan công an phát hiện hoạt động giao dịch chuyển tiền với số lượng rất lớn, có nội dung chuyển tiền để nạp vào các tài khoản cá độ và "game đổi thưởng online". Tuy nhiên, các đối tượng chủ yếu giao dịch bằng ứng dụng Mobile Banking có địa chỉ đặt ở nước ngoài, số điện thoại đăng ký sử dụng cũng là số sim rác. Bên cạnh đó, số tiền trong tài khoản luân chuyển qua rất nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau nhằm che giấu dòng tiền, gây nhiều khó khăn cho ban chuyên án trong quá trình tiến hành xác minh. Ngoài ra, để tránh bị phát hiện, các tài khoản chỉ được sử dụng trong một thời gian nhất định hoặc khi lượng tiền giao dịch lớn sẽ ngừng hoạt động.

Công ty “ma” dùng 3.000 tài khoản ngân hàng cho người nước ngoài thuê để phạm tội - Ảnh 2.

Cảnh sát lấy lời khai đối tượng Lê Thế Trung.


Các tài khoản này có dấu hiệu được sử dụng vào việc nạp tiền game đổi thưởng, cá độ trực tuyến của các đối tượng tại Việt Nam và "rửa tiền" cho tội phạm khác. Hàng chục tổ công tác được phân công đến các tỉnh, thành trong cả nước để bám sát các đối tượng. Qua đó phát hiện nhóm đối tượng có dấu hiệu bất minh về kinh tế và có lượng tiền giao dịch với số lượng lớn, thường di chuyển qua các tỉnh thành nơi có người cho thuê tài khoản sinh sống. Trong đó tập trung chủ yếu  tại các địa bàn Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Phú Thọ.

Mỗi tài khoản giao dịch hàng trăm tỷ đồng

Ngày 15-5-2022, ban chuyên án chia thành 6 mũi công tác với 80 cán bộ chiến sĩ tham gia, nhanh chóng có mặt tại nhiều địa điểm thuộc các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ và Hà Nội.

Sáng 16-5, các mũi công tác nhận lệnh đồng loạt tiến hành bắt, khám xét người, chỗ ở và nơi làm việc đối với 6 đối tượng gồm: Bùi Văn Nhật (SN 1995, trú tại xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), Lê Văn Hà (SN 1992, trú tại xã Đông Hoàng, Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), Lê Trung Kiên (SN 1990, trú tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), Lê Thế Trung (SN 1985, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), Nguyễn Như Quân (SN 1999, trú tại xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), Nguyễn Văn Thiều (SN 1996, trú tại xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Công ty “ma” dùng 3.000 tài khoản ngân hàng cho người nước ngoài thuê để phạm tội - Ảnh 3.

Cảnh sát dẫn giải các đối tượng về nơi tạm giữ phục vụ công tác điều tra.


Quá trình đấu tranh chuyên án, đến ngày 18-5, ban chuyên án bắt giữ thêm 2 đối tượng gồm: Bùi Văn Bắc (SN 1993, trú tại xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), Nguyễn Khắc Thành (SN 2002, trú tại phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Bắc là cấp dưới của Nguyễn Như Quân, làm nhiệm vụ gom các tài khoản tại khu vực huyện Nghĩa Đàn và một số huyện lân cận của tỉnh Thanh Hóa.

Tiếp tục đấu tranh, mở rộng chuyên án, ngày 21-5, ban chuyên án bắt giữ đối tượng Nguyễn Khắc Ái (SN 2002, trú tại Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) khi đối tượng đang lẩn trốn tại khu vực bến xe Nước Ngầm, TP Hà Nội. Cùng ngày, mũi công tác khác cũng có mặt tại TP Hà Nội tiến hành bắt giữ Nguyễn Văn Hiệp (SN 1990, trú tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) khi đối tượng đang lẩn trốn tại đây. Một tổ công tác khác có mặt tại tỉnh Lâm Đồng để truy bắt đối tượng còn lại trong đường dây này. Đến ngày 31-5, ban chuyên án đã tiến hành bắt giữ đối tượng Nguyễn Quang Khá (SN 1987, trú tại xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) khi hắn đang lẩn trốn tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Tang vật thu giữ gồm 20 điện thoại di động, 8 máy tính xách tay, 3 ô tô, hơn 1.500 phôi sim điện thoại, 650 thẻ ngân hàng các loại và vật chứng khác có liên quan đến việc hoạt động phạm tội của đối tượng. Đồng thời, phong tỏa trên 1.200 tài khoản ngân hàng có liên quan đến các đối tượng trong chuyên án.

Kết quả điều tra bước đầu xác định nhóm đối tượng nêu trên làm việc tại Công ty TNHH Cửu Châu do Lê Thế Trung làm giám đốc. Các đối tượng này được các đối tượng ở nước ngoài hướng dẫn lập các tài khoản Telegram để giao dịch với "khách hàng" là những đối tượng có nhu cầu thuê lại tài khoản ngân hàng do "công ty" cung cấp, chủ yếu là các đối tượng người Đài Loan.

Công ty “ma” dùng 3.000 tài khoản ngân hàng cho người nước ngoài thuê để phạm tội - Ảnh 4.

Đối tượng Lê Thế Trung.


Việc nhận nhiệm vụ tạo thêm các tài khoản mới và thống kê bảng lương hằng tháng theo các tài khoản sử dụng được thông qua một đối tượng không rõ lại lịch, ở nước ngoài điều hành. Mỗi tháng các đối tượng trong nhóm "Công ty" được trả 2.550 Đài tệ/tài khoản (khoảng 2 triệu đồng). Hằng tháng Lê Thế Trung chịu trách nhiệm nhận tiền từ các tài khoản trung gian và chuyển cho nhân viên của công ty "ma" này.Riêng các chủ tài khoản cho thuê cũng được thanh toán tiền vào các ngày từ 15-18 hằng tháng.

Khi có yêu cầu mở tài khoản mới, các đối tượng sẽ liên hệ, thỏa thuận thuê lại của người có nhu cầu cho thuê, bán tài khoản và hướng dẫn cách mở tại các ngân hàng, đồng thời gửi kèm 1 số điện thoại di động để đăng ký nhận mã OTP. Sau khi đăng ký thành công, các đối tượng chỉ đạo cấp dưới hoặc tự mình xác thực và gửi sim điện thoại tới đối tượng nhận có địa chỉ tại thành phố Đài Trung, Đài Loan. Sao kê tại các ngân hàng cho thấy, lượng tiền giao dịch của các tài khoản này từ thời điểm mở tài khoản đến khi đối tượng dừng sử dụng từ 50 tỷ đồng đến trên 400 tỷ đồng/tài khoản.

Công ty “ma” dùng 3.000 tài khoản ngân hàng cho người nước ngoài thuê để phạm tội - Ảnh 5.
Công ty “ma” dùng 3.000 tài khoản ngân hàng cho người nước ngoài thuê để phạm tội - Ảnh 6.

Các đối tượng và tang vật thu giữ trong chuyên án.


Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận: từ năm 2020 cho đến đầu 2022, các đối tượng đã tiến hành mua, thuê, mượn tài khoản của hơn 600 người tại nhiều tỉnh thành với khoảng 3.000 tài khoản ngân hàng đã được giao cho các đối tượng tại Đài Loan sử dụng. Trong đó, bước đầu xác định được thời điểm hiện tại có 633 tài khoản hiện đang hoạt động, trong đó nhiều tài khoản có lượng tiền giao dịch lớn hằng ngày.

Cơ quan CSĐT huyện Nghĩa Đàn đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can nói trên để điều tra về hành vi "Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" quy định tại Điều 291, Bộ luật Hình sự. Hiện chuyên án đang được tiếp tục điều tra, mở rộng.

Theo Hải Việt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên