Công ty Phương Trang bị bà Phấn bắt gánh nợ ra sao?
Phía Phương Trang khẳng định chỉ thực nhận hơn 3.936 tỉ đồng trong tổng số hơn 16.486 tỉ đồng ngân hàng giải ngân, còn lại bị nhóm bà Phấn “phù phép” để bắt gánh dư nợ...
- 02-05-201816 ngân hàng bị mời ra tòa trong phiên xử đại gia Hứa Thị Phấn
- 17-04-2018Xét xử vụ “bà trùm” Hứa Thị Phấn: Tòa triệu tập 4 công ty chứng khoán, 16 ngân hàng trong và ngoài nước
- 14-04-2018Bà Hứa Thị Phấn chuẩn bị hầu tòa trong vụ rút ruột 6.362 tỷ đồng tại ngân hàng Đại Tín
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, dự kiến ngày 8-5 tới, TAND TP.HCM sẽ đưa bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phú Mỹ) cùng 27 bị cáo khác ra xử sơ thẩm về các tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Vay 16.486 tỉ, Phương Trang chỉ nhận được 3.936 tỉ
Đáng chú ý, cáo trạng của VKSND Tối cao xác định về khoản thiệt hại của Công ty CP Đầu tư Phương Trang (có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án), theo số liệu do Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Tín) cung cấp thì từ tháng 5-2010 đến tháng 2-2012, TrustBank Chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang đã giải ngân cho Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác với tổng số tiền trên sổ sách là 16.486 tỉ đồng. Đến nay, tổng dư nợ gốc của nhóm Phương Trang là 9.437 tỉ đồng.
Tuy nhiên, phía Phương Trang khẳng định tổng số tiền Phương Trang thực nhận chỉ là hơn 3.936 tỉ đồng. Bà Phấn và TrustBank đã lợi dụng việc Phương Trang cần vốn để kinh doanh yêu cầu Phương Trang ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân, chứng từ nhận tiền giao trước cho ngân hàng; sau đó phê duyệt cho vay và giải ngân không thông báo cho Phương Trang. Bà Phấn không chuyển tiền hoặc chỉ chuyển một phần trong tổng số tiền Phương Trang đã ký vay, đẩy dư nợ cho Phương Trang. Phương Trang không chấp nhận số dư nợ gốc 9.437 tỉ đồng nên TrustBank không thể đòi nợ và cũng không thể xử lý tài sản để thu hồi nợ vay của Phương Trang.
Bà Phấn tại phiên xử đại án Phạm Công Danh giai đoạn 1. Ảnh: HY
Tổng hợp hồ sơ, sổ sách, chứng từ lưu trữ tại ngân hàng, lời khai, tường trình của 14 bị can là cán bộ, nhân viên TrustBank..., kết quả điều tra xác định: Do TrustBank đang gặp khó về thanh khoản, tồn quỹ tiền mặt chỉ khoảng 20 tỉ đồng, không đủ tiền giải ngân nên bà Phấn đã chỉ đạo thu chi khống không dùng tiền mặt, khi khách hàng phần lớn không đến ngân hàng thực hiện giao dịch, thực hiện hạch toán khống trên hệ thống SmartBank, thực hiện việc giải ngân các khoản vay của các công ty và cá nhân thuộc nhóm Phương Trang nhưng không chuyển tiền hoặc chuyển tiền không đủ cho nhóm Phương Trang, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục.
Cuối ngày, bộ phận kế toán và bộ phận ngân quỹ của chi nhánh lập khống chứng từ chi giải ngân các khoản vay của Phương Trang và hạch toán chi khống trên hệ thống SmartBank để cấn trừ với các chứng từ thu khống trên, đảm bảo trên sổ sách và tồn quỹ thực tế không bị chênh lệch.
Chứng từ chi giải ngân các khoản vay của Phương Trang chủ yếu giải ngân bằng tiền mặt đã có sẵn chữ ký của khách hàng trên ủy nhiệm chi, phiếu chuyển khoản và séc rút tiền mặt hoặc giấy lĩnh tiền mặt nên chỉ có chứng từ thu, bảng kê thu của nhóm Phú Mỹ và Phương Trang không có chữ ký khách hàng khi hạch toán. Việc lấy chữ ký khách hàng được hoàn thiện vào cuối ngày hoặc sau đó một hoặc nhiều ngày. Cụ thể: Giao dịch viên và thủ quỹ của TrustBank đưa cho một nhân viên và tài xế của Phương Trang ký thay khách hàng khi một trong hai người này đến ngân hàng thực hiện giao dịch dù hai người này không được Phương Trang hay bất cứ công ty và cá nhân nào thuộc Phương Trang ủy quyền hay chỉ đạo đi ký chứng từ.
Lợi dụng việc phía Phương Trang ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân các khoản vay của Phương Trang, nhóm bà Phấn cấn trừ với các chứng từ thu khống để không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán, lấy tiền sử dụng cá nhân và đẩy dư nợ cho Phương Trang gánh.
Có xử vắng mặt được bà Phấn?
Một vấn đề khác mà dư luận chú ý là tình hình sức khỏe của bị cáo đầu vụ Hứa Thị Phấn liệu có đảm bảo để có mặt tại phiên xử ngày 8-5 hay không và tòa có thể xử vắng mặt bị cáo này hay không?
Theo hồ sơ, bà Phấn bị khởi tố bị can ngày 22-3-2017 nhưng từ 16 ngày trước đó, bà đã nhập viện cấp cứu do lên huyết áp độ 3/4 (180/88 mmHg) và tiểu đường type II. Cho đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng bị can để hỏi cung nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời, các luật sư của bà Phấn kiến nghị hoãn hỏi cung cho đến khi sức khỏe của bà tốt hơn. Kể từ khi khởi tố bà Phấn, CQĐT chưa thể hỏi cung bà Phấn về các nội dung liên quan đến hành vi phạm tội, đơn tố giác và kiến nghị của bị can...
Tuy nhiên, CQĐT đề nghị cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bà Phấn trong quá trình xét xử để lượng hình phạt, bởi lẽ bà Phấn vẫn ký các đơn tố cáo, đơn kiến nghị và cả đơn kháng cáo trong vụ án Ngân hàng Đại Dương mà bà bị cấp sơ thẩm xử 17 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo các chuyên gia, muốn biết rõ tình trạng sức khỏe của bị cáo thì phải thành lập hội đồng giám định sức khỏe trước khi tòa mở phiên xử để từ đó mới có thể quyết định bị cáo có thể tham gia phiên tòa hay không. Nếu bị cáo không đủ sức khỏe ra tòa nhưng đồng ý xét xử vắng mặt thì tòa sẽ xét xử vắng mặt bị cáo nếu đã có đầy đủ lời khai và chứng cứ trong hồ sơ bút lục. Trong một số trường hợp, nếu xác định bị cáo bị bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng thì có thể tạm đình chỉ vụ án để chờ bị cáo chữa bệnh nhưng phải có thời hạn chứ không phải muốn chữa đến bao giờ thì chữa.
Nhiều ý kiến cho rằng đối với những bệnh mà bà Phấn đang mắc phải thì vẫn có thể có mặt được tại phiên tòa. Còn việc bị cáo có khai hay không khai thì không quan trọng vì còn có lời khai của các bị cáo, nhân chứng cùng các bằng chứng khác. Việc bị cáo có mặt tại tòa nhằm đảm bảo quyền lợi của chính bị cáo.
Phiên xử kéo dài đến hết tháng
Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài từ ngày 8 đến 30-5 do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM ) làm chủ tọa.
Trong vụ án, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam được xác định là nguyên đơn dân sự. Đặc biệt, 16 ngân hàng khác sẽ ra tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cùng tư cách này, đại diện 47 công ty, trường đại học, các đơn vị nhà nước liên quan cũng được triệu tập ra tòa. Cạnh đó, có 115 cá nhân được triệu tập ra tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.
Phiên tòa có hàng chục luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng như bảo vệ cho các công ty, tổ chức liên quan.
Theo cáo trạng, đầu năm 2007, bà Phấn cùng Công ty Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ họ hàng, gia đình (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) đứng tên giúp bà Phấn mua cổ phần của TrustBank. Bà Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ TrustBank, là cổ đông lớn nên nắm quyền chi phối, thâu tóm và điều hành mọi hoạt động đầu tư, tín dụng, thu chi... của ngân hàng, gây thiệt hại cho ngân hàng 12.005 tỉ đồng...
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh