MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty sữa bò lớn nhất Mỹ nộp đơn phá sản và bài toán tăng trưởng của Vinamilk

01-12-2019 - 09:00 AM | Doanh nghiệp

Công ty sữa bò lớn nhất Mỹ gặp khó do sự suy thoái nhanh chóng ở mảng sữa bò truyền thống.Vinamilk tích cực tìm kiếm giải pháp khai thác nhu cầu rộng hơn từ người tiêu dùng và cao cấp hóa danh mục sản phẩm.Tính đến cuối tháng 9, thị phần của công ty tăng thêm 0,3% so đầu năm lên 61,3%.

Ngày 12/11, Dean Foods – công ty sữa lớn nhất Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án ở Houston, bang Texas. Dean Foods được thành lập vào năm 1925 chuyên sản xuất một số sản phẩm bơ và sữa nổi tiếng như Dairy Pure, Organic Valley và Land O'Lakes. 7 trong 8 quý gần nhất, công ty báo lỗ và dự kiến lỗ thêm 286 triệu USD trong 10 tháng tới. Cổ phiếu của Dean Foods lao dốc 79% giá trị trong năm nay, về mức 0,8 USD.

Dean Foods lý giải khó khăn của công ty chủ yếu là do sự suy thoái nhanh chóng ở mảng sữa bò truyền thống. Sữa bò từng là thức uống bổ dưỡng không thể thiếu trong tủ lạnh của mỗi gia đình Mỹ nhưng những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng chuyển hướng sang uống các loại sữa thay thế làm từ thực vật, hàm lượng đường thấp hơn.

Tại Mỹ, doanh số sữa bò đang giảm trong 4 năm qua với mức giảm khoảng 3 tỷ USD. Lượng sữa bò tiêu thụ ở Mỹ giảm 26% trong 2 thập niên qua, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Công ty sữa bò lớn nhất Mỹ nộp đơn phá sản và bài toán tăng trưởng của Vinamilk - Ảnh 1.

Ảnh: CNBC



Tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng cũng đã thay đổi, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Tiêu thụ sữa động vật và sữa bò giảm sút, một bộ phận người tiêu dùng đang chuyển dịch sang tiêu dùng sữa hạt hay các sản phẩm sữa cao cấp đạt chuẩn organic châu Âu (sản phẩm hữu cơ không có tác động hóa học).

Tăng trưởng ngành sữa từ quý IV/2017 ghi nhận mức âm. Do vậy, năm 2018, doanh nghiệp chiếm thị phần sữa lớn nhất Việt Nam - Vinamilk (HoSE: VNM) không hoàn thành kế hoạch kinh doanh và báo lợi nhuận giảm nhẹ so năm trước sau nhiều năm tăng trưởng liên tục.

Công ty sữa bò lớn nhất Mỹ nộp đơn phá sản và bài toán tăng trưởng của Vinamilk - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC Vinamilk qua các năm

Lợi nhuận của Vinamilk sau 4 quý giảm liên tiếp trong năm 2018 tăng trở lại trong 2 quý đầu năm nay trước khi giảm trở lại trong quý III. So với cùng kỳ, lợi nhuận quý III tăng nhẹ dù biên lợi nhuận gộp giảm do công ty tiết giảm chi phí. Công ty đã tìm cách tiết kiệm các chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hoa hồng và hỗ trợ nhà phân phối.

Công ty sữa bò lớn nhất Mỹ nộp đơn phá sản và bài toán tăng trưởng của Vinamilk - Ảnh 3.

Đvt: tỷ đồng


Trong bối cảnh này, Vinamilk bằng nhiều phương thức như phát triển sản phẩm phân khúc cao cấp, mở rộng thị trường xuất khẩu, hoàn tất hệ thống nhà máy sản xuất và hệ thống trang trại cho giai đoạn mới, tăng cường M&A hoàn thiện chuỗi giá trị

Liên tục tung ra sản phẩm mới, thực hiện nhiều chương trình thu hút thị phần

Theo Báo cáo của SSI Research công ty đứng đầu ngành sữa đã và đang tích cực tìm kiếm các giải pháp khác nhau để khai thác nhu cầu rộng hơn từ người tiêu dùng với hướng tới mục đích cuối cùng là tăng doanh thu. Đồng thời, Vinamilk cũng thực hiện cao cấp hóa danh mục sản phẩm và phát triển các sản phẩm hữu cơ.

Năm 2018, Vinamilk tung ra thị trường khoảng 18 sản phẩm mới thuộc các ngành hàng sữa nước, sữa bột, sữa chua ăn, sữa chua uống, bột dinh dưỡng, sữa đậu nành, kem và nước giải khát… Trong 9 tháng năm nay, Vinamilk tiếp tục ra mắt 17 sản phẩm mới ở nhiều ngành hàng và phân khúc, nổi bật là sản phẩm sữa bột trẻ em đạt chuẩn organic châu Âu, thức uống năng lượng thương hiệu Vinamilk My Joy và Vinamilk Power.

Theo khảo sát tại các siêu thị lớn ở TP HCM như Coopmart, BigC, AEON Mall bày bán nhiều chủng loại sản phẩm của Vinamilk từ phân khúc giá rẻ cho đến cao cấp, từ phục vụ đối tượng trẻ em, phụ nữ mang thai cho đến người già...Đặc biệt, sữa công thức Organic Gold là một trong những sản phẩm cao cấp nhất trên thị trường, giá cao hơn 15-30% so với các sản phẩm tương đương nhập khẩu như Meiji, Aptamil hoặc Similac IQ Plus của Abbott. Ngoài ra, để đáp ứng thị hiếu của các bà mẹ chuộng sữa nhập khẩu, công ty tung ra sản phẩm sữa Vinamilk Yoko Gold gia công tại Nhật với mức giá khá cạnh tranh với sữa Nan (Thụy Sỹ) hay Anfa (Mỹ).

Công ty sữa bò lớn nhất Mỹ nộp đơn phá sản và bài toán tăng trưởng của Vinamilk - Ảnh 4.

Sản phẩm mới của Vinamilk bày bán tại một siêu thị Coopmart, TP HCM. Nguồn: MH


Bên cạnh đó, công ty sữa này mở rộng kênh phân phối bên cạnh siêu thị, cửa hàng tiện lợi là chuỗi cửa hàng “Giấc mơ sữa Việt”. Tính đến cuối năm 2018 chuỗi đạt 426 cửa hàng. Tuy nhiên, theo SSI Research, thay đổi trong thị trường bán lẻ có thể khiến Vinamilk có thể phải tăng chi phí bán hàng để thúc đẩy sản phẩm sang các kênh khác để tăng thị phần trong tương lai. Doanh thu qua các kênh thương mại hiện đại đã tăng lên nhanh chóng, nhưng chỉ chiếm 10% tổng doanh thu.

Về mặt khách hàng, đơn vị tăng cường hợp tác chiến lược với các khách hàng đặc biệt (kênh KA) như bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp. Ví dụ, Vinamilk ký hợp tác chiến lược 5 năm với Vietnam Airlines, hợp tác chiến lược với Bệnh viện Chợ Rẫy trong 3 năm để cung cấp sản phẩm dinh dưỡng.

Nhóm khách hàng thuộc khối trường học từ việc cung cấp sữa học đường tại Hà Nội và các tỉnh thành trên toàn quốc theo chương trình sữa học đường quốc gia cũng là đối tượng Vinamilk hướng đến. Vinamilk cho biết đã trúng thầu chương trình sữa học đường với hơn 15 tỉnh thành (bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM) trong số 17 tỉnh thành tham gia chương trình. Theo SSI Research, doanh thu hàng năm từ chương trình tại riêng Hà Nội là 1.200 tỷ đồng.

Theo AC Nielsen, tính đến cuối tháng 9,  thị phần tính theo sản lượng tiêu thụ của Vinamilk tăng thêm 0,3 điểm % so đầu năm lên 61,3% và 2,1 điểm % so cùng kỳ, mức tăng đều ở tất cả ngành hàng. Với điều kiện thị trường hiện tại, ưu tiên là bảo vệ thị phần trước khi tăng thêm (trước đó, công ty đặt mục tiêu tăng thị phần 1 điểm % mỗi năm trong giai đoạn 2018-2021).

Tăng cường M&A, tấn công thị trường Trung Quốc

Việc kinh doanh có lãi nhiều năm qua đã giúp Vinamilk có nguồn tiền tương đối lớn. Tính đến 30/9, tổng tiền mặt cũng như tiền gửi ngân hàng là gần 11.000 tỷ đồng. Tuy công ty tăng vay nợ khá mạnh từ 1.275 tỷ lên 4.281 tỷ đồng nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 10,5% tổng nguồn.

Sẵn nhiều tiền và chiếm thị phần vượt trội tại thị trường nội địa, biện pháp nhanh nhất để Vinamilk tăng trưởng doanh thu là M&A cũng như mở rộng các thị trường xuất khẩu. Trong những năm qua, Vinamilk liên tục tìm hiếm và mua cổ phần nhiều doanh nghiệp. Điển hình như năm 2013, công ty sữa Việt mua Driftwood Dairy – một công ty chuyển sản xuất và phân phối sản phẩm từ sữa, nước hoa quả và đồ ăn nhẹ tại Mỹ. Năm 2017, Vinamilk mua Công ty Đường Việt Nam nhằm khép kín chuỗi cung ứng. Để tăng danh mục sản phẩm, Vinamilk còn đầu tư nắm 25% vốn Công ty Chế biến dừa Á Châu chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm làm từ dừa trong nước và xuất khẩu.

Công ty sữa bò lớn nhất Mỹ nộp đơn phá sản và bài toán tăng trưởng của Vinamilk - Ảnh 5.

Resort bò sữa của Vinamilk tại Tây Ninh. Ảnh: Vinamilk


Năm nay, thương vụ M&A đáng chú ý của Vinamilk là mua GTN Foods (HoSE: GTN) – đơn vị sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu. Tính đến 6/11, ông lớn ngành sữa đã chi 1.627 tỷ đồng để nắm giữ 43,15% vốn GTN. Gần đây, cổ đông lớn thứ hai của GTN (West Ocean Investment) đăng ký bán 41 triệu cổ phiếu GTN là cơ hội để VNM tăng tỷ lệ sở hữu lên mức có thể chi phối. Tuy nhiên, để tăng nắm giữ nên trên 50%, công ty sẽ phải chào mua công khai.

Tăng trưởng doanh thu xuất khẩu Vinamilk đang tăng trưởng ở mức một chữ số. Thời gian gần đây, công ty đang nắm tới thị trường Trung Quốc với tiềm năng hấp dẫn, chỉ cần nắm một thị phần nhỏ của thị trường 60 tỷ USD này cũng là rất có ý nghĩa đối với tăng trưởng lợi nhuận của VNM, SSI Research đánh giá.

Trung Quốc hiện có mức tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới và tiêu thụ bình quân đầu người liên tục tăng. Theo Euromonitor, con số này của Trung Quốc chỉ 22,5 kg sữa/người/năm, cao hơn Việt Nam là 19 kg nhưng thấp hơn các nước khác như Malaysia 26,7 kg, Thái Lan 31,7 kg và Hàn Quốc là 40,1 kg.

Đơn vị triển khai bán sản phẩm tại siêu thị ở tỉnh Hồ Nam và tỉnh Vũ Hán, phát triển gian hàng riêng trên kênh thương mại điện tử như Tmall (Alibaba), hợp tác trang thương mại điện tử như Daily Fresh và Lucky and Fresh. Về sản phẩm, do cạnh tranh gay gắt ở thị trường Trung Quốc, công ty sẽ nhắm vào các thị trường ngách như sữa chua uống, sữa chua ăn, sữa tươi cao cấp và sữa công thức cao cấp (organic, A2 - loại sữa tương đối giống sữa mẹ và không ảnh hưởng đến chức năng đường ruột).

Để phát triển các sản phẩm sữa tươi hoặc chuẩn organic, tính đến 30/9, tổng đàn bò cung cấp sữa cho Vinamilk là gần 130.000 con, tăng 4% so với đầu năm; trong đó tại các trang trại của Vinamilk gần 30.000 con. Công ty có 4 trang trại organic đạt chuẩn châu Âu trong tổng số 13 trang trại. Hiện tại đơn vị đang xây 4 trang trại mới cho cả bò sữa organic và bò sữa cao sản, trong đó 2 trang trại tại Việt Nam và 2 trang trại tại Lào.

Trong 12 tháng tiếp theo, Vinamilk kỳ vọng doanh thu nội địa sẽ tăng 6-7% nhờ sự mở rộng các ngành hàng chủ lục. Doanh thu xuất khẩu tăng 5-10% nhờ khu vực Trung Đông cải thiện (đang chiếm 85%) và tiềm năng xuất khẩu vào Trung Quốc, mảng chi nhánh nước ngoài dự kiến tăng 10% (khả quan tại thị trường Campuchia và mở rộng sang Myanmar, Philippines), trong khi thị trường Mỹ qua Driftwood Dairy chững lại.


Theo Ngọc Điểm

NDH

Trở lên trên