Coteccons đón đầu sóng xây nhà xưởng trong thời "chiến"
Ghi nhận từ năm 2014 đến nay, tổng giá trị nhận thầu đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan của Coteccons là 26.300 tỷ đồng, bao gồm những dự án như Paihong, Manwah, Gain Lucky, First Team F-Power…
Căng thẳng Trung – Mỹ dưới góc nhìn trực diện đang lên cao, kéo theo một cuộc chiến thương mại toàn cầu, điều mà có lẽ không một ai mong muốn. Tuy nhiên, với nền kinh tế còn khá "mới mẻ" như Việt Nam, đôi khi đó là điều ngược lại. Vẫn có nhiều ý kiến lạc quan rằng dòng vốn nước ngoài sẽ đổ về trong bối cảnh rủi ro gia tăng ở khu vực khác.
Những ngành hưởng lợi được "điểm tên" liên tục thời gian qua có thể kể đến dệt may, nhóm xuất khẩu nói chung… kết quả sơ bộ quý 2-3 năm nay cũng phần nào cho thấy kỳ vọng trên là đúng, ít nhất cho ngắn hạn. Một số ngành khác cũng dự báo sẽ hưởng lợi, dù không được đề cập nhiều nhưng thực tế có những căn cứ đáng tin cậy. Đặc biệt mảng xây dựng, tập trung chính tại phân khúc công nghiệp, khi dòng vốn từ Trung Quốc dành cho nhà máy đang có xu hướng chảy về Việt Nam gia tăng.
Đón đầu sóng xây nhà xưởng
Nói đến Trung Quốc, chúng ta thường nghe về một quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khủng những năm gần đây, hiện đang nuôi mộng "Made in China 2025", tức trong một thập kỷ, Bắc Kinh sẽ xây dựng một đế chế để thống trị các công nghệ tiên tiến như vi mạch tiên tiến, trí tuệ nhân tạo và ô tô điện. Như vậy, việc đầu tư xây dựng nhà máy là điều dễ dàng hiểu được.
Chiều ngược lại, công tác nhận thầu xây dựng cho quốc gia này của những đơn vị trong nước cũng khá dày, trong đó có Coteccons. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, lãnh đạo Coteccons cho biết đã thành lập văn phòng đại diện tại Quảng Châu để đón đầu xu hướng các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Hong Kong và cả khu vực Đài Loan. Lý do lúc bấy giờ theo Coteccons nhằm hưởng lợi khi Việt Nam gia nhập TPP, tập trung tại những dự án liên quan đến lĩnh vực nhà xưởng công nghiệp.
Và nay, chiến tranh thương mại còn dự báo dòng chảy xây dựng nhà máy Trung Quốc càng thêm đổ mạnh về Việt Nam, đây cũng là "catalyst" cho Coteccons với những vị thế hiện có. Ghi nhận từ năm 2014 đến nay, tổng giá trị nhận thầu đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan của Coteccons là 26.300 tỷ đồng, bao gồm những dự án như Paihong, Manwah, Gain Lucky, First Team F-Power…
Liên quan đến công tác làm ăn với cường quốc mới này, Coteccons từng khẳng định các nhà thầu Trung Quốc đã và đang làm việc luôn có nguồn tài chính ổn định, có thể ứng tiền ngay sau khi ký hợp đồng. Tuy nhiên, yêu cầu đối với bên nhận thầu là thời gian thi công đảm bảo tiến độ.
Mới đây, Coteccons vừa ký hợp đồng thầu thi công Nhà xưởng Timberland Manwah Bình Dương với tổng giá trị lên tới 1.500 tỷ đồng (tiến độ 270 ngày), chủ đầu tư là Công ty TNHHTimberland (thuộc Tập đoàn Manwah).
Đẩy mạnh mảng công nghiệp – Coteccons tìm việc để làm
Điểm qua Coteccons, giai đoạn 2014-2017 Công ty trở thành cái tên được quan tâm khi doanh thu cùng lợi nhuận nhảy vọt lần lượt 255% và 400%, Backlog cũng có lúc đạt đến 30.000 tỷ đồng với hàng loạt các dự án phủ Bắc vào Nam.
Bước sang năm 2018, đà tăng trưởng của "ông lớn" này có phần chững lại, điển hình kết thúc quý 2/2018, Coteccons ghi nhận doanh thu 12.613 tỷ, tăng 20% và và lãi sau thuế 718 tỷ, chỉ nhích 1% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cũng ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014, đạt 6,7% (so với 8,4% nửa đầu năm ngoái), tương ứng biên lãi ròng điều chỉnh từ 6,8% xuống 5,7%.
Nguyên nhân, không riêng Coteccons, cạnh tranh gay gắt, giá nguyên vật liệu tăng, chi phí nhân công tăng, đi cùng động thái Nhà nước hạn chế dòng tín dụng vào bất động sản là những gì các đơn vị xây dựng đang gặp phải, dẫn đến khó có thể duy trì giá trị các hợp đồng ký mới cao hơn năm trước.
Nhận thấy được thách thức, Coteccons đang ngày càng giảm phụ thuộc vào thị trường nhà ở, tăng nhận thầu tại các dự án công nghiệp trong ngoài nước như VinFast, nhà máy dệt Gain Lucky… Bằng chứng cơ cấu doanh thu nửa đầu năm Công ty có sự chuyển dịch đáng kể. So với cùng kỳ năm trước tỷ trọng nhà ở sụt giảm từ 70% xuống còn 52%, trong khi đó hoạt động xây dựng trung tâm thương mại tăng từ 10% lên 14%, đặc biệt, hoạt động nhà xưởng có mức tăng ấn tượng từ 10% lên 28%.
Tựu trung lại, sự dịch chuyển trong cơ cấu doanh thu Coteccons theo giới phân tích phần nào phản ánh được một phần xu hướng, triển vọng của ngành xây dựng nói riêng hay bất động sản nói chung. Và với chiến tranh thương mại hay TPP như đã đề cập, dòng vốn xây dựng từ Trung Quốc theo quan sát sẽ đổ về Việt Nam, Coteccons với trọng tâm chuyển dịch sang mảng công nghiệp nhằm đón đầu, cùng những lợi thế về vốn, quy mô, lực lượng lao động, năng lực thi công được dự báo sẽ hưởng lợi thời gian tới.
Mới đây, Coteccons công bố kết quả kinh doanh 9 tháng tăng trưởng nhẹ. Chi tiết, doanh thu thuần Công ty đạt 20.737 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và đã thực hiện được 74% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.192 tỷ đồng, tương đương 79% chỉ tiêu, tương ứng EPS đạt 14.469 đồng/cp.
Trí Thức Trẻ