Coteccons từng bước lấy lại ngôi vương: Nửa niên độ 2023-2024 lãi đột biến gấp 8,8 lần với 136 tỷ đồng, dư tiền mặt lên cao nhất kể từ năm 2019
Tổng số tiền mà ông lớn xây dựng đang “cất” tại nhà băng hơn 4.300 tỷ đồng. Đây là quy mô tiền mặt cao nhất của CTD từ năm 2019.
- 31-01-2024Vinamilk: Doanh thu xuất khẩu quý 4/2023 tăng trưởng ấn tượng gần 20%
- 31-01-2024Vietjet Air đạt doanh thu 62.500 tỷ đồng trong năm 2023, dư tiền mặt tăng gấp đôi
- 31-01-2024Vinamilk cầm gần 1 tỷ USD tiền mặt và tiền gửi, tăng trưởng dương quý thứ 3 liên tục nhưng vẫn 'xa rời' thời đỉnh cao
CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2024 với kết quả kinh doanh khả quan. Đây là quý thứ 2 mà CTD thay đổi niên độ tài chính (năm tài chính 2024 sẽ tính đầy đủ trên 12 tháng, từ ngày 01/07/2023 đến 30/06/2024).
Cụ thể, trong kỳ CTD ghi nhận doanh thu thuần 5.660 tỷ đồng, giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ.
Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp tương ứng giảm còn 169 tỷ đồng. Đà giảm của CTD dễ hiểu trong bối cảnh toàn ngành còn rất khó khăn. Dù vậy, điểm sáng của CTD là hiệu suất hoạt động cải thiện, trong đó biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 3%.
Song song, nhờ cắt giảm đáng kể các chi phí, bao gồm chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 33% còn 122 tỷ, chi phí lãi vay giảm 11% còn 22 tỷ… Kết quả, lãi ròng quý 2/2024 của Công ty thu về hơn 69 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ. Tương ứng, EBITDA vượt 4% lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Lũy kế bán niên 2024, CTD ghi nhận 9.784 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, lãi ròng đột biến gấp 8,8 lần lên gần 136 tỷ đồng. So với kế hoạch ĐHĐCĐ giao phó cho niên độ mới là doanh thu hợp nhất 17.793 tỷ và lãi sau thuế 274 tỷ, nửa chặng đường Công ty đã thực hiện được 55% chỉ tiêu doanh thu và 50% chỉ tiêu lãi sau thuế. Đây là kết quả đáng khích lệ của CTD trong giai đoạn hiện nay. Với chỉ tiêu này, CTD đang từng bước lấy lại vị thế Top 1 toàn ngành xây dựng Việt Nam.
Mặt khác, nhờ duy trì mức lợi nhuận nhất quán bất chấp biến động, cùng tập khách hàng có năng lực tài chính vững mạnh giúp CTD ghi nhận lưu chuyển dòng tiền thuần từ kinh doanh trong kỳ dương trở lại 536 tỷ đồng, so với đầu kỳ âm đến 329 tỷ đồng. Theo tính toán, số ngày vòng quay tiền Công ty đang dần tiệm cận giai đoạn trước năm 2018 (thời kỳ hoàng kim của CTD). Tại ngày 31/12/2023, CTD có tổng tài sản gần 21.652 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm và tập trung chủ yếu tại tài sản ngắn hạn với hơn 19.889 tỷ đồng, chiếm 92%.
Đáng chú ý, CTD nắm hơn 2.842 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng 51% so với đầu năm, toàn bộ là tiền gửi tại ngân hàng. Ngoài ra, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 1.768 tỷ đồng, bao gồm hơn 1.462 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng thương mại có kỳ hạn gốc trên 3 tháng và không quá 1 năm. Tương ứng, tổng số tiền mà ông lớn xây dựng đang “cất” tại nhà băng hơn 4.300 tỷ đồng. Đây là quy mô tiền mặt cao nhất của CTD từ năm 2019.
CTD còn có khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn với hơn 49 tỷ đồng vào chứng chỉ quỹ ETF Kim Growth VN30, hơn 28 tỷ đồng vào cổ phiếu CTCP FPT.
Về nợ, tổng nợ của Công ty đến cuối kỳ còn hơn 13.244 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay ngắn hạn gần 582 tỷ đồng, khoản vay dài hạn 496 tỷ đồng.
Nhìn chung, với đòn bẩy tài chính thấp, quy mô tiền mặt kỷ lục là những yếu tố giúp CTD chủ động tìm kiếm cơ hội M&A hiện thực hóa mục tiêu doanh thu tỷ USD thời gian tới. Công ty cũng lọt Top 3 (cùng với Viettel Money, TPBank) giành giải Đơn vị Vươn mình rực rỡ tại WeChoice Awards 2023. Cụ thể, Coteccons đã được vinh danh trong giải thưởng “Đơn Vị Vươn Mình Rực Rỡ” tại WeChoice Awards 2023 với hơn 80.000 lượt vote.
Nhịp sống thị trường