Cứ 10 năm, hiệu suất các chức năng của cơ thể giảm 5%: Đừng dại đợi tới già mới lo cho sức khỏe
Sự lão hóa có thể đến sớm hơn bạn nghĩ. Và để làm chậm quá trình đó, ngay từ lúc này, bạn phải bắt đầu việc tập luyện cũng như có một chế độ sống lành mạnh, khoa học.
Theo Wall Street Journal, cứ 10 năm, hiệu suất các chức năng của cơ thể như não bộ, tim mạch và gan lại suy giảm 5%. Những vấn đề thính giác bắt đầu xuất hiện ở tuổi 25, dù rằng phải nhiều thập kỷ sau ta mới nhận ra. Hệ cơ – xương mất dần khi ta bước vào tuổi 30. Và những chỉ số về sức mạnh của cơ thể bắt đầu suy giảm từ 50 tuổi. Những chỉ số trên được đưa ra trong một nghiên cứu của Đại học Duke công bố trên Tạp chí Lão khoa (Mỹ).
Nghiên cứu này dựa vào kết quả theo dõi sức khỏe 775 người từ độ tuổi 30 đến 90. Theo đó, những người tham gia thực hiện các bài kiểm tra về sức mạnh, sự cân bằng và sức chịu đựng của cơ thể, ví dụ như đứng 1 chân trong 1 phút, hay đứng lên ngồi xuống 1 chiếc ghế trong 30 giây. Nhìn chung, người độ tuổi thấp có kết quả tốt hơn người độ tuổi cao, và nam giới tốt hơn nữ giới. Đồng thời nghiên cứu cũng chỉ ra, từ độ tuổi 50 chỉ số thu được bắt đầu thấp đi.
Giáo sư y khoa Morey của Đại học Y khoa Duke, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng ta nên xem xét những kết quả nghiên cứu này một cách nghiêm túc dưới góc độ sự lão hóa, chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề tuổi tác”.
Tin vui là vẫn có những cách thức làm chậm lại quá trình lão hóa của cơ thể. Dưới đây là một số vấn đề sức khỏe mà tuổi già phải đối mặt, và những lời khuyên nhằm cải thiện chúng:
Trí nhớ
Tốc độ lưu giữ và xử lý ký ức của não bộ đạt đỉnh cao ở độ tuổi 20 và sau đó suy giảm dần. Ở tuổi 40, việc học hỏi những thông tin, kiến thức mới trở nên khó khăn hơn. Theo Kathy Wild, giáo sư khoa Thần kinh Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon, ở độ tuổi này, để hoàn thành tốt một công việc đòi hỏi sự tập trung, tránh mọi sự xao nhãng, gián đoạn. Bà nói: “Vì thế, những người ở độ tuổi này chỉ nên làm từng việc một”.
Thị lực
Đến độ tuổi 40, bệnh viễn thị sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn khi tập trung nhìn vật thể ở gần, như những dòng chữ trên trang sách nếu không đeo kính. Nguyên nhân là do sự suy giảm khả năng của mắt khi tập trung vào những vật thể ở gần.
Hầu hết phụ nữ độ tuổi 40 và 50 mắc chứng bệnh khô mắt. Bệnh tăng nhãn áp và đục nhân mắt bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 50 – 60. Và 70% người ở độ tuổi 75 gặp triệu chứng đục nhân mắt khiến họ gặp khó khăn khi quan sát trong bóng tối. Tuy nhiên, chứng bệnh này có thể giải quyết bằng giải phẫu đơn giản.
Vấn đề thị lực lớn nhất tuổi già phải đối mặt là bệnh thoái hóa điểm vàng (thoái hóa hoàng điểm). Hiện vẫn chưa có cách nào chữa trị chứng bệnh này, nhưng chúng ta có thể phòng ngừa bằng nhiều biện pháp, trong đó hiệu quả nhất là một chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Bữa ăn nên bao gồm nhiều rau xanh, cung cấp đủ vitamin C và E. Ngoài ra, không nên hút thuốc lá và cần đeo kính râm bảo vệ hoàn toàn đôi mắt khỏi tia cực tím mỗi khi ra ngoài.
Khi bước sang tuổi 40, bạn sẽ cần đeo kính khi đọc sách vì mắc chứng viễn thị. Ảnh: Getty Images
Thính giác
Đôi tai con người hoạt động tốt nhất ở độ tuổi 18 – 25. Sau đó, chúng suy yếu dần. Quá trình này diễn ra chậm trong nhiều năm đến mức ta không thể nhận ra nó. Quá trình suy giảm thính giác ở tuổi già được đánh dấu bằng bệnh nghễnh ngãng. Nó thường xuất hiện ở những người độ tuổi 50.
Do những tác nhân như yếu tố di truyền, môi trường sống ô nhiễm tiếng ồn… nên gần như không có biện pháp nào hồi phục được thính lực của người già. Vì vậy, để ngăn cản quá trình suy giảm thính giác, chúng ta nên đeo các thiết bị bảo vệ tai, tránh xa những chỗ ồn ào.
Hệ cơ – xương
Các nhóm cơ liên kết với nhau nhằm giữ sự ổn định giúp cơ thể hoạt động thống nhất và tăng cường sức mạnh cho các bộ phận khác. Khi sức mạnh hệ thống này suy giảm, con người đi lại, hoạt động trở nên khó khăn, nặng nhọc hơn.
Quá trình suy giảm hệ cơ và sức cơ trở nên dễ nhận thấy ở độ tuổi cuối 30 và đầu 40, khi việc giảm cân trở nên khó khăn. Cùng với việc cơ bắp giảm, lượng mỡ thừa bắt đầu tăng lên. Sau tuổi 35, trung bình cơ thể mất khoảng 200g khối cơ và tích lũy khoảng 0,7kg chất béo mỗi năm, dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì ở người lớn tuổi.
Sau 40 tuổi, cơ thể giảm khoảng 1% khối cơ mỗi năm, lúc đầu là giảm khối cơ, sau là sức cơ, gây ra hiện tượng cơ bắp yếu và nhão sệ. Khi lao động chân tay, người già nhanh chóng mệt mỏi.
Suy giảm hệ cơ cũng dẫn đến suy giảm hệ xương khớp, ảnh hưởng rất nhiều đến sự cân bằng cơ thể. Một ví dụ là việc lên xuống cầu thang lúc này trở nên khó khăn hơn nếu ta không bám vào tay vịn.
Ở độ tuổi 60 - 70, sự suy giảm cùng lúc hệ cơ bắp và xương khớp thực sự trở nên trầm trọng, vì vậy việc duy trì chúng ở tuổi 40 - 50 là rất quan trọng. Chúng ta cần tập luyện các bài tập tăng sức mạnh càng sớm càng tốt!