MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cứ mỗi 30 phút làm việc, nhất định phải dành ra 3 phút làm một thứ : Thói quen làm nên sự khác biệt cho người trường thọ

14-09-2021 - 14:34 PM | Sống

Cứ mỗi 30 phút làm việc, nhất định phải dành ra 3 phút làm một thứ : Thói quen làm nên sự khác biệt cho người trường thọ

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, cứ cách 30 phút làm việc liên tục, chúng ta cần dành ra 3 phút để làm một thứ. Bắt đầu làm càng sớm thì điều này càng tạo ra sự khác biệt cho sức khỏe của bạn.

Ngồi hàng giờ liên tục tại bàn làm việc có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trao đổi chất của chúng ta, góp phần làm tăng lượng đường trong máu và cholesterol cao. Theo thời gian, ngay cả những người khỏe mạnh cũng sẽ sụt giảm nền tảng thể chất.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia: Chỉ cần sau 30 phút làm việc, bạn lập tức đứng dậy và di chuyển trong khoảng 3 phút, tác hại đến từ việc ngồi nhiều sẽ giảm đáng kể. Trong 3 phút đó, bạn có thể thực hiện bất cứ một động tác nào từ đi bộ, đi vệ sinh cho tới tập thể dục.

Theo các nghiên cứu dịch tễ học, người trưởng thành ở Hoa Kỳ thường ngồi khoảng sáu tiếng rưỡi mỗi ngày. Hầu hết thời gian đó diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.

Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đại dịch xảy ra, thời gian làm việc online ở nhà gia tăng. Dữ liệu sơ bộ cho thấy, so với năm 2019, chúng ta có xu hướng ngồi yên một chỗ ngày càng lâu.

Các tác giả của nghiên cứu đã cho rằng, “Cứ mỗi một tiếng đồng hồ bạn duy trì cơ thể ở tư thế ít vận động (ngồi hoặc nằm) thì một phần nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường loại 2 của bạn sẽ gia tăng.”

Cứ mỗi 30 phút làm việc, nhất định phải dành ra 3 phút làm một thứ : Thói quen làm nên sự khác biệt cho người trường thọ - Ảnh 1.

Ngồi trong thời gian dài không chỉ dẫn đến đau lưng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe trao đổi chất của bạn. (Ảnh: iStock / PeopleImages)

Các cơ ở chân đáng lẽ phải được hoạt động nhiều nhất thì gần như không hoạt động gì khi chúng ta ngồi. Do ít hoạt động, chúng không cần thêm nhiên liệu khiến quá trình “nạp” đường từ máu bị gián đoạn.

Cơ thể cũng không giải phóng các chất sinh hóa thường giúp phân hủy các axit béo trong máu. Vì vậy, khi chúng ta “ngồi lì” tại bàn làm việc, lượng đường trong máu và cholesterol sẽ liên tục tích tụ trong máu.

Việc leo vài bậc cầu thang, đứng lên ngồi xuống, hoặc thậm chí chỉ đi bộ vài bước cũng giúp cơ thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu. Việc này chỉ chiếm thời gian nghỉ ngắn ngủi, không làm gián đoạn quá trình làm việc của bạn.

Sau 30 phút làm việc, 3 phút nghỉ này đại diện cho lượng vận động tối thiểu để bảo vệ quá trình trao đổi chất, đặc biệt là với những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao.

Theo Tạp chí Sinh lý học Mỹ, một tổ hợp các nhà khoa học quốc tế đã thực hiện nghiên cứu để xem điều gì sẽ xảy ra, nếu nhân viên văn phòng thực hiện đúng quy tắc “30 phút làm việc - 3 phút gián đoạn” trong 3 tuần.

Một nhóm tình nguyện viên tham gia bao gồm cả nam và nữ, có thói quen ít vấn động, có tiền sử béo phì và nguy cơ cao mắc các vấn đề về trao đổi chất như tiểu đường. Họ được kiểm tra sức khỏe, ghi lại chất lượng quá trình trao đổi chất và đeo máy theo dõi hoạt động trong một tuần để lấy số liệu cơ bản.

Sau đó, một nửa tình nguyện viên tiếp tục với cuộc sống bình thường của họ. Một nửa còn lại sẽ áp dụng quy tắc “30 phút làm việc - 3 phút gián đoạn”. Những người thuộc nhóm thứ 2 buộc phải cài đặt ứng dụng báo thức cứ 30 phút lại đổ chuông một lần. Tiếng báo thức chỉ tự động tắt đi sau khi họ đứng dậy, hoạt động đủ 3 phút/lần.

Cứ mỗi 30 phút làm việc, nhất định phải dành ra 3 phút làm một thứ : Thói quen làm nên sự khác biệt cho người trường thọ - Ảnh 2.

Các tình nguyện viên thuộc nhóm thứ 2 có thể tự lựa chọn cách hoạt động. Họ đi bộ quanh phòng làm việc, leo lên và leo xuống cầu thang, đứng lên ngồi xuống tại chỗ, hoặc đi uống nước, pha cà phê, đi vệ sinh, gặp mặt và trò chuyện với mọi người…

Thí nghiệm này được kéo dài trong ba tuần. Sau đó, các nhóm tình nguyện viên cùng trở lại phòng thí nghiệm để thực hiện một đợt kiểm tra trao đổi chất khác.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, kết quả của hai nhóm đã có sự khác biệt trông thấy. Nhóm thứ 1 vẫn xuất hiện các vấn đề với quá trình kháng insulin, kiểm soát lượng đường trong máu và mức cholesterol của cơ thể.

Trong khi đó, những người thuộc nhóm thứ 2 đã có sự thay đổi. Lượng đường trong máu của họ thấp hơn vào buổi sáng. Điều này cho thấy, cơ thể của họ đã kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn vào ban đêm. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn. Trong ngày, lượng đường trong máu của họ cũng duy trì ở mức ổn định, ít tăng đột biến và lượng cholesterol HDL có lợi trong máu của họ tăng lên.

Những thay đổi ban đầu còn khá ít nhưng đã trở thành tín hiệu tích cực cho sức khỏe. Khi kiên trì áp dụng quy tắc “30 phút làm việc - 3 phút gián đoạn” trong thời gian dài, nền tảng thể chất của mỗi người nhất định sẽ được cải thiện đáng kể.

Điều thú vị là mức tăng cũng dao động tùy thuộc vào tần suất và mức độ mà mỗi tình nguyện viên tiến hành.

Với những người hoạt động năng nổ, ví dụ như leo cầu thang bộ liên tục trong 3 phút, hiệu quả trao đổi chất trong cơ thể gia tăng nhiều hơn. Những người chỉ hoạt động vừa phải sau 30 phút làm việc như đi bộ nhẹ nhàng thường hưởng lợi ít hơn, theo Tiến sĩ Erik Naslund của Viện Karolinska, người giám sát nghiên cứu cho biết.

Theo The New York Times

Phương Thuý

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên