MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cử tri chất vấn về các vụ việc làm giả giấy tờ để lấy tiền tiết kiệm của dân tại ngân hàng

30-05-2017 - 13:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Trả lời ý kiến cử tri, NHNN cho biết các vụ việc mất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng đã xác định được nguyên nhân bước đầu do khách hàng ký giấy trắng vì tin tưởng nhân viên ngân hàng; các ngân hàng chưa tuân thủ nghiêm các quy định; sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số nhân viên...

Ban Dân nguyện Quốc hội vừa công bố các báo cáo tổng hợp các ý kiến chất vấn của cử tri kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, cử tri TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị rằng, thời gian gần đây có nhiều vụ việc làm giả hồ sơ chứng từ để lấy tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng. Cử tri đề nghị ngành Ngân hàng cần chấn chỉnh, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách hàng không để xảy ra các trường hợp tương tự.

Trả lời vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc làm giả hồ sơ chứng từ để lấy tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng bị rút khỏi sổ (chẳng hạn BIDV chi nhánh Tây Hồ, VIB chi nhánh quận 11, Eximbank Nghệ An, VPBank, SCB...) mặc dù khách hàng không thực hiện các giao dịch rút tiền. Các vụ việc này đã được NHNN chỉ đạo các TCTD phối hợp với các cơ quan pháp luật xác định rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm minh đối với tập thể, cá nhân có vi phạm.

Nguyên nhân bước đầu được xác định là do: Khách hàng đã ký giấy trắng (hay còn gọi là ký khống giấy tờ) do tin tưởng nhân viên ngân hàng và sự cả nể của ngân hàng đối với các khách hàng lớn, điều này có thể dẫn đến sai sót, tạo sơ hở cho đối tượng muốn lừa đảo, trục lợi, chiếm đoạt tài sản; Các ngân chưa tuân thủ nghiêm các quy định về quy trình, thủ tục nhận gửi và rút tiền, thiếu sót và lơ là trong kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nghiệp vụ đối chiếu mẫu dấu, chữ ký của chủ tài khoản còn hạn chế; Sự vi phạm về đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ, nhân viên ngân hàng, cố tình làm trái quy định để trục lợi cá nhân.

Sau khi xác định rõ các nguyên nhân, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai các giải pháp đồng bộ như:

Đối với các TCTD: yêu cầu tăng cường công tác an ninh mạng, hướng dẫn bảo mật đối với khách hàng tránh làm lộ, lọt thông tin của khách hàng; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ về bảo mật, đảm bảo an toàn cho người gửi tiền, trong đó có quy định về nhận gửi tiền và rút tiền của khách hàng;Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong quá trình nhận tiền gửi và rút tiền của khách hàng; Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ kỷ luật, kỷ cương cho cán bộ trong toàn hệ thống ngân hàng; Xử lý nghiêm minh đối với tập thể, cá nhân phát hiện có vi phạm liên quan đến quá trình nhận gửi tiền và rút tiền gửi của khách hàng; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để tìm ra nguyên nhân dẫn đến bị mất tiền của khách hàng; Xác định tổn thất để có biện pháp xử lý, khắc phục nhanh chóng nhằm đảm bảo giữ vững lòng tin của khách hàng đối với hệ thống TCTD.

Đối với người dân, NHNN khuyến cáo cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không truy cập các trang web nghi ngờ giả mạo; Không cung cấp thông tin cá nhân cho tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền (kể cả nhân viên ngân hàng); Không ký các giấy tờ trắng theo đề nghị của cán bộ ngân hàng; Trực tiếp gửi tiền tại các điểm giao dịch của TCTD, không thực hiện ủy quyền gửi tiền hay rút tiền gửi cho nhân viên ngân hàng; Tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến quy trình bảo quản sổ tiết kiệm một cách cẩn thận; thường xuyên kiểm tra số dư tiền gửi; Kịp thời thông tin cho TCTD nơi gửi tiền và các cơ quan chức năng trong trường hợp nhận được các thông tin đáng ngờ hoặc phát hiện có dấu hiện bị rút tiền từ tài khoản.

Đối với các đơn vị thuộc NHNN, NHNN yêu cầu phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và khuyến cáo về những nội dung nêu trên; Chú trọng thanh tra về việc mở tài khoản, chuyển khoản, gửi và rút tiền tiết kiệm, quản lý sổ trắng, công tác an toàn kho quỹ và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nếu phát hiện các tập thể, cá nhân có sai phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng ngừa. Trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm phải kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên