Cử tri ước "đời sống kinh tế như ngày nay, đạo đức xã hội như ngày xưa"
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH & NSNN năm 2017; tình hình thực hiện phát triển KTXH & NSNN những tháng đầu năm 2018, có đại biểu đã bày tỏ sự lo ngại khi thời gian gần đây xảy ra "những chuyện động trời".
Theo đó, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cho rằng, những kết quả phòng chống tham nhũng làm nức lòng cử tri. Những nỗ lực đó là của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh của Trung ương, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân cả nước.
Đằng sau những thành tựu, chỉ số niềm tin của nhân dân đang được nâng lên. Chính phủ tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm lớn trong điều hành chỉ đạo từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
“Tôi rất tin tưởng kỳ vọng với đà này, chỉ tiêu kinh tế xã hội sẽ tiếp tục đạt được như mong đợi”- ông Cầu nói.
Tuy nhiên, từ thực tiễn cuộc sống, cử tri đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ làm nhanh hơn, quyết liệt hơn những vấn đề bức xúc đang đặt ra. Trước hết là vấn đề suy thoái đạo đức, kỷ cương phép nước chưa nghiêm.
“Hiện thực cuộc sống thời gian gần đây xảy ra nhưng câu chuyện động trời, khó tin, hành vi mất nhân tính như lấy than củi tre làm thuốc ung thư, cô giáo phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng, bạo hành trẻ em trong các trường mầm non, bạo lực trong học đường, bệnh viện, các vụ giết người dã man… gây chấn động dư luận và còn nhiều câu chuyện buồn khác. Cử tri tâm tư rằng, ước gì đời sống kinh tế như ngày nay còn đạo đức xã hội được như ngày xưa”- ông Cầu chia sẻ.
Ông cũng chỉ ra nguyên nhân của thực trạng đáng buồn nói trên có nhiều nhưng cốt yếu nhất là sự xuống cấp của đạo đức, sự buông lỏng kỷ cương phép nước. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ phải có những giải pháp mạnh tay ngăn chặn các hành vi mất nhân tính như trên.
Cử tri phấn khởi với kết quả phòng chống tham nhũng thời gian gần đây nhưng vẫn tâm tư trăn trở trước sự thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước, nhất là trong việc giao đất, xây dựng cơ bản.
Tình trạng dự án treo xảy ra nhiều, xuất hiện tình trạng đầu cơ đất vàng mua bán trục lợi.
Trong xây dựng cơ bản, người dân so sánh rằng, nếu xây dựng một ngôi nhà, người dân xây hết 650 triệu, còn nhà nước xây hết 1 tỷ đồng. Nhưng chất lượng thẩm mỹ không bằng của người dân. Cử tri kiến nghị Nhà nước tính toán lại định mức, bù giá, trượt giá, đội giá nếu không sẽ còn thất thoát.
Đưa ra dẫn chứng, ông Cầu nêu ra thực tiễn 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ là ví dụ nhãn tiền. Gần đây, Kiểm toán Nhà nước phát hiện ra các sai phạm ở các dự án BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp... Cá biệt như dự án nạo vét sông Sào Khê điều chỉnh lên đến đội vốn 36 lần từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng đã chứng minh tâm tư của cử tri là có cơ sở. “Cử tri kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo rốt ráo xử lý vấn đề này”- ông Cầu nhấn mạnh.
Trước đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn Cần Thơ) cũng đánh giá năm 2017, đầu năm 2018 có nhiều vấn đề xã hội bức xúc xảy ra như vấn đề giáo dục đào tạo, liên quan đến đạo đức người dạy, người học, cả phụ huynh và thầy cô giáo.
Vấn đề bất an trong trật tự xã hội, vi phạm các quy tắc chuẩn mực xã hội, vi phạm pháp luật, lối sống chỉ ra nhiều mối lo lắng cho cử tri người dân.
Đại biểu Xuân kiến nghị Chính phủ có những phân tích đánh giá các vấn đề trên xảy ra nguyên nhân là do đâu, do quản lý yếu kém, nhận thức xã hội, do cơ chế chính sách, do pháp luật chúng ta về tính khả thi, do hiệu quả của nền giáo dục... để đề xuất các giải pháp mạnh giải quyết các vấn đề này.
Tiếp đó là vấn đề tuyển dụng, đào tạo lao động. Người học ra trường không có việc làm và chất lượng đào tạo thấp xảy ra lặp đi lặp nhiều năm qua trở thành nỗi lo của người dân trong các lần tiếp xúc cử tri. Vấn đề này có tác động lớn đời sống xã hội nhưng chưa được đề cập rõ trong báo cáo của Chính phủ.
“Câu hỏi đặt ra có phải chúng ta chưa xác định được vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh khi lập các cơ sở đào tạo dẫn đến mất cân đối trong ngành nghề, dẫn đến người học không có việc làm. Chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có câu trả lời cho vấn đề này cho cử tri”- bà Xuân đặt vấn đề.
Infonet