Cục Đường bộ Việt Nam lên tiếng về việc nhà đầu tư BOT dừng duy tu bảo dưỡng Quốc lộ 51
Trạm thu phí BOT Quốc lộ 51. Ảnh: Sơn Vân/Báo Tin tức
Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam thông báo rằng, từ ngày 1/2/2023, BVEC dừng duy tu bảo dưỡng đối với tất cả các hạng mục thuộc dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51.
- 15-02-202310 tỉnh, thành có dân số lớn nhất Việt Nam
- 14-02-2023Đối tác thương mại duy nhất của Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu trên 10 tỷ USD trong tháng 1/2023
- 13-02-2023Một thành phố trực thuộc TW đặt mục tiêu GRDP bình quân trên 29.000 USD
BVEC cũng thông báo không chịu trách nhiệm đối với việc đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 51. Nhà đầu tư BOT này đưa ra lý do dừng duy tu bảo dưỡng Quốc lộ 51 là vì việc Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu tạm dừng thu phí dự án BOT Quốc lộ 51.
Mặc dù chấp hành việc dừng thu phí nhưng BVEC cho rằng, việc yêu cầu dừng thu phí là vi phạm hợp đồng được ký kết giữa Bộ Giao thông vận tải và BVEC vào năm 2009.
Về vấn đề này, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam vừa có thông tin phải hồi. Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện dự án trong thời gian kinh doanh khai thác, một số điều kiện quy định tại hợp đồng dự án thay đổi như chi phí đầu tư quyết toán, lãi suất tiền vay, mức thu, số thu, lưu lượng phân lưu… và Kiểm toán Nhà nước kiến nghị về phí bảo toàn vốn của dự án.
Quá trình đàm phán khi điều kiện hợp đồng thay đổi đã phát sinh một số vướng mắc như chưa có quy định cụ thể về điều khoản điều chỉnh tại hợp đồng dự án và chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn như lãi bảo toàn vốn, tính lãi cho phần vốn khác nhà đầu tư huy động cho dự án, thời gian thu phí tạo lợi nhuận.
Các vướng mắc như lãi bảo toàn vốn, thời gian thu phí tạo lợi nhuận cũng là vướng mắc chung của các dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Thông tư số 166/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính (quy định về quản lý, sử dụng chi phí chuẩn bị dự án và kinh phí hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình quản lý các dự án; một số chỉ tiêu tài chính của hợp đồng dự án…) có hiệu lực.
Những vướng mắc trên đã được Bộ Giao thông vận tải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại Nghị quyết số 11/2020/NQ-CP Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải căn cứ pháp luật từng thời kỳ, quy định của hợp đồng dự án và điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện quyết toán các hợp đồng BOT, BT trước thời điểm Thông tư 166/2011/TT-BTC có hiệu lực thi hành.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Cục Đường bộ Việt Nam đã chủ động đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, các ngân hàng tài trợ và các đơn vị liên quan để giải quyết các nội dung vướng mắc phát sinh và điều chỉnh thời gian thu phí tạo lợi nhuận theo quy định tại hợp đồng dự án.
Từ năm 2019 đến ngày 13/1/2023 (ngày tạm dừng thu phí), Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát hợp đồng dự án, qua 18 phiên họp đàm phán với BVEC, nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn để giải quyết các vướng mắc và đàm phán điều chỉnh thời gian thu phí tạo lợi nhuận.
Tại thời điểm tạm dừng thu, dự án vẫn còn một số nội dung vướng mắc các bên chưa thống nhất phương án giải quyết như: Lãi bảo toàn vốn chủ sở hữu (8,7%/năm) trong thời gian xây dựng và khai thác. Bên cạnh đó, tính lãi như vốn vay trong giai đoạn xây dựng đối với doanh thu thu phí giai đoạn 2009 - 2015 (375 tỷ đồng); phương án tính lãi vay đối với các khoản giảm trừ trong giai đoạn khai thác; thời gian thu phí tạo lợi nhuận.
"Để tránh việc thu phí quá thời hạn của dự án, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước và nhân dân, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải và quyết định việc tạm dừng thu phí dự án vào ngày 13/1/2023 để tiếp tục đàm phán, giải quyết vướng mắc", Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Đánh giá về việc BVEC dừng thực hiện đối với việc đảm bảo an toàn giao thông, bảo dưỡng thường xuyên và bảo trì, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo quy định tại hợp đồng BOT, BVEC có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình BOT cho đến khi chuyển giao công trình BOT cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận công trình BOT.
Trong thời gian chưa bàn giao công trình cho cơ quan quản lý đường bộ, BVEC chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác quản lý, bảo trì công trình dự án và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với BVEC hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận bàn giao tài sản công trình để thực hiện bảo quản tài sản công trình theo quy định và hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận bàn giao tài sản công trình và xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị BVEC chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam để tiếp tục đàm phán xử lý các vướng mắc.
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã có thông báo tạm dừng thu phí dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 từ 7 giờ ngày 13/1/2023 vì dự án đã thu đủ vốn. Khi hoàn vốn cho dự án, Bộ Giao thông vận tải đã tính cả 4 năm thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Khi dừng thu phí từ ngày 13/1, Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu BVEC tiếp tục quản lý, bảo trì công trình đảm bảo vận hành thông suốt, an toàn đến thời điểm bàn giao công trình.
Báo tin tức