MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc cạnh tranh giành ưu thế kinh tế giữa BRICS và G7

23-04-2024 - 08:14 AM | Tài chính quốc tế

Các chuyên gia cảnh báo sự phân chia nền kinh tế toàn cầu thành hai khối có thể tạo ra nhiều rào cản thương mại hơn và làm gia tăng căng thẳng địa chính trị.

Cuộc cạnh tranh giành ưu thế kinh tế giữa BRICS và G7- Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị Ngoại trưởng G7 ở đảo Capri, Italy ngày 18/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tỷ trọng của BRICS (gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil) trong sản lượng toàn cầu đã tăng từ 32% lên 37% sau sự mở rộng của nhóm, Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) ước tính, khi BRICS bắt đầu vượt qua nhóm G7 (gồm các nước công nghiệp phát triển là Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đức và Nhật Bản). Các nhà phân tích tại Ngân hàng Kỹ thuật số BRICS tin tưởng rằng ảnh hưởng của nhóm đối với WTO và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ tiếp tục tăng lên.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sự phân chia nền kinh tế toàn cầu thành hai khối có thể tạo ra nhiều rào cản thương mại hơn và làm gia tăng căng thẳng địa chính trị, tờ Izvestia (Nga) ngày 22/4 lưu ý.

Trước đó trong thông điệp liên bang ngày 29/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các quốc gia BRICS đang vượt qua G7 về tỉ trọng trong GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP).Theo Tổng thống Putin, tỉ trọng của BRICS trong nền kinh tế thế giới theo sức mua tương đương sẽ tăng lên 36,6% vào năm 2028, trong khi tỉ trọng của G7 sẽ giảm xuống 27,8%.

Theo nhà lãnh đạo Nga, tỉ trọng GDP của các nước BRICS tính theo sức mua tương đương năm 1992 là 19,3% của thế giới, còn của các nước G7 là 45,7%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, lợi thế đã nghiêng về BRICS - 34,4% so với 30,3%.

Yevgeny Smirnov, quyền Trưởng Khoa Kinh tế Thế giới và Quan hệ Kinh tế Quốc tế tại Đại học Quản lý Quốc gia Nga, nhận định: “Một số thành viên BRICS hiện tại là những nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng, điều này làm nổi bật vai trò địa chiến lược của nhóm trong nền kinh tế toàn cầu. Hai 'ông lớn' dầu mỏ - Trung Quốc và Ấn Độ - cũng là thành viên BRICS. Điều này có nghĩa là trong tương lai, nhóm này sẽ phần lớn trở thành tâm điểm chú ý của thương mại năng lượng toàn cầu vì BRICS một phần sẽ quyết định hình thức của chuỗi công nghiệp toàn cầu và hợp tác năng lượng quốc tế".

Trong khi đó, các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Kinh tế, Chính trị và Luật của Nga trong lĩnh vực Khoa học và Kỹ thuật chỉ ra rằng, sản xuất ngày càng tăng ở các nước BRICS phản ánh ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế ngày càng cao của họ, điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong phân phối sản lượng thế giới.

Theo chuyên gia Smirnov, khi BRICS mở rộng và đạt được nhiều ảnh hưởng hơn, khối sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới cả các nước đang phát triển và các tổ chức quốc tế về "ai sẽ kiểm soát trật tự thế giới mới". Ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của nhóm BRICS có thể được nhìn thấy một phần trong tham vọng thay đổi cách các quốc gia kinh doanh thông qua việc từ bỏ đồng đô la Mỹ làm phương tiện thanh toán giữa các nước thành viên.

Tuy nhiên, chuyên gia Smirnov lưu ý, các mối đe dọa tiềm tàng trong vấn đề này bao gồm sự xấu đi trong quan hệ quốc tế và căng thẳng gia tăng; hạn chế tự do di chuyển vốn, công nghệ và con người giữa các khối; và các điều kiện thương mại không bình đẳng đối với các quốc gia không thuộc một trong hai khối.

Năm ngoái BRICS chứng kiến sự mở rộng mang tính đột phá khi kết nạp thêm Saudi Arabia, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đồng thời để ngỏ khả năng chấp nhận các thành viên mới.

Với việc bổ sung thêm 5 quốc gia mới, BRICS chiếm hơn 40% sản lượng dầu thô toàn cầu, trong khi dân số của khối này lên tới gần 3,6 tỉ người - gần một nửa tổng dân số thế giới. Nhiều quốc gia khác đã bày tỏ quan tâm đến việc trở thành thành viên của BRICS, trong khi một số quốc gia đã chính thức nộp đơn đăng ký. Nhóm thứ hai bao gồm Venezuela, Thái Lan, Senegal, Cuba, Kazakhstan, Belarus, Bahrain và Pakistan.

Theo dữ liệu của IMF, tỉ trọng của G7 trong GDP toàn cầu tính theo PPP đã giảm liên tục trong nhiều năm qua, từ 50,42% năm 1982 xuống còn 30,39% vào năm 2022. IMF dự báo con số này sẽ tiếp tục giảm, xuống còn 29,44% trong năm nay.

Theo Vũ Thanh

Báo Tin Tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên