Cuộc chơi "khô máu" của các siêu ứng dụng: Không phải cứ đổ tiền để miễn phí cho khách hàng, được họ lựa chọn lúc ban đầu là làm công nghệ tốt!
CEO Be Group tái khẳng định không muốn dùng từ "đốt tiền" vì từ này đang làm xã hội hiểu sai về startup. Startup công nghệ cần chi nhiều chi phí trong những năm đầu vì phải đầu tư lớn vào nền tảng, hệ thống, sản phẩm. Sản phẩm có tốt thì kinh doanh mới bền vững. Công ty công nghệ phải đầu tư rất nghiêm túc vào công nghệ, nếu không thì đừng nên làm!
- 15-10-2020Nói không với xu hướng "siêu ứng dụng", beGroup tuyên bố đã hoà vốn và dự kiến chính thức có lãi vào năm 2021
- 12-09-2020Tham vọng của Baemin tại thị trường Việt Nam, lỗ gần 570 tỷ đồng trong năm đầu vận hành, gần ngang ngửa với Foody
- 23-05-2019Đi sau Grab trong mảng gọi xe, nhưng Be Group lại sắp chạy trước đối thủ trong mảng tài chính?
Thị trường vận chuyển công nghệ thời gian gần đây xôn xao trước thông tin hai "ông lớn" Grab và Gojek đang tiến đến sự thoả thuận cuối cùng cho một cuộc sáp nhập. Các nguồn trích dẫn cho hay, sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ, đặc biệt SEA, cùng cuộc đua "đốt tiền" chưa thấy hồi kết khiến các nhà đầu tư lớn hai bên mất dần kiên nhẫn, và đang thúc đẩy tiến trình sáp nhập nói trên.
Bên ngoài, các tài xế đối tác cho thấy một sự phản đối gay gắt, khi việc sáp nhập kể trên chỉ mang lại lợi ích cho "tay to", ngược lại đe doạ đến công ăn việc làm của họ. Song song, những đơn vị còn lại cũng đối mặt với nguy cơ độc quyền và sự cạnh tranh "khủng khiếp". Dù vậy, vẫn có ngách đi cho những doanh nghiệp này, khi mà dư địa của thị trường vận chuyển công nghệ còn cực kỳ lớn.
Và thực tế, vận tải vận chuyển công nghệ Việt Nam năm 2020 nhìn lại đã có những thiết lập mới, Be Group chiếm 30% thị phần gọi xe, thậm chí nhanh chân trong cuộc chơi Fintech; hay BAEMIN lọt Top 3 ứng dụng delivery Food chỉ sau 1 năm ra mắt...
Phản hồi thông tin liên quan đến thế độc quyền của Grab-Gojek, Be Group từng phát đi tuyên bố sẽ không đốt tiền cho những dịch vụ gia tăng như giao đồ ăn… mà chỉ tập trung vào mảng cốt lõi (vận tải), chi tiêu một cách khôn ngoan. Theo Be Group, nếu lý do sáp nhập không xuất phát từ khách hàng, cộng đồng tài xế và nhân viên thì nó sẽ không tạo ra giá trị cho thị trường. Đây cũng là căn cứ cho mục tiêu phát triển của beGroup, cả hiện tại và tương lai.
Nền kinh tế phát triển không chỉ cần nhiều thầy mà còn rất nhiều thợ
Kết thúc năm 2020, ứng dụng gọi xe của Be Group cho biết đã được tải xuống hơn 10 triệu thiết bị di động với hơn 100.000 tài xế. Báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường ABI Research tại Việt Nam (2019, 2020), Be Group đang đứng vị trí số hai trong những ứng dụng gọi xe.
Đặc biệt, Be Group trở thành công ty gọi xe đầu tiên đạt điểm hoà vốn kinh doanh chỉ sau 2 năm hoạt động, và đang trên đà phát triển thành đại diện của xu hướng mobility trong bối cảnh mới. Theo đại diện Be Group, đó là kết quả của việc không chạy đua theo bất kỳ ứng dụng nào, bởi không phải kẻ có nhiều tiền sẽ là người chiến thắng. Chưa kể, trong công nghệ thì không có khái niệm "đốt tiền", mà phải lấy tài xế làm gốc!
"Từ phương diện kinh doanh, tôi không phải là người trực tiếp phục vụ khách hàng của Be Group mà là các anh chị em tài xế. Nếu không thể tạo ra đội ngũ tài xế yêu nghề, muốn phục vụ khách hàng tốt nhất, Be Group không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiều năm sống ở nước ngoài cho tôi thấy nghề nào cũng là nghề và đáng trân trọng. Nhưng ở Việt Nam, nhiều người nghĩ những nghề lao động chân tay, giản đơn chỉ là công việc tạm thời. Họ không nghĩ sẽ gắn bó lâu dài.
Tôi muốn thay đổi điều này. Nền kinh tế phát triển không chỉ cần nhiều thầy mà còn rất nhiều thợ. Tại sao lại không trân trọng những người lao động giản đơn, thiết yếu. Chính họ là động lực, nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển", CEO Nguyễn Hoàng Phương phân trần.
Bà Nguyễn Hoàng Phương - CEO Be Group.
Khách hàng không còn quan tâm về giá
Tiếp tục bày tỏ quan điểm về cuộc đua "vung tiền" hiện nay của những "tay to", bà Phương cho biết khi Be Group gia nhập thị trường, nhiều nghiên cứu cho rằng khách hàng Việt Nam chỉ quan tâm về giá. Nhưng sau 2 năm Be Group vận hành thực tế nhận ra rằng khách hàng hiện đại đang ngày càng ra rời xu hướng này. Họ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dịch vụ và sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm họ yêu mến, tin tưởng hơn.
"Còn nhận định tài xế luôn thích thưởng cao, chiết khấu thấp có thể đúng với một bộ phận nhóm tài xế không chuyên, chạy nhiều dịch vụ và coi nghề lái xe là thời vụ. Những tài xế nghiêm túc với nghề họ còn xem xét các yếu tố khác không chỉ đơn thuần là thu nhập ngắn hạn. Đó là lý do nhiều ứng dụng gọi xe mới vào thị trường không thu phí, chiết khấu và thưởng rất cao", bà Phương nhấn mạnh.
Theo Be Group, tài xế muốn gắn bó với công việc, công ty lâu dài, có thu nhập ổn định. Tài xế cũng muốn được trân trọng, có những giá trị ngoài thu nhập. Hơn hết, tài xế còn muốn chăm lo cho gia đình nên họ quan tâm công ty nào giúp chăm sóc gia đình của mình tốt hơn.
"Chúng tôi đi đúng theo con đường đó và không cạnh tranh với các ứng dụng khác về chiết khấu hay thưởng. Đó là những giá trị ngắn hạn. Tôn chỉ của Be Group là tạo nên tệp tài xế gắn bó, yêu nghề", đại diện Be Group cho hay.
Người chi nhiều tiền không hẳn là người chiến thắng, trong công nghệ không có khái niệm "đốt tiền"
Trong thị trường delivery food, người chiến thắng không hẳn là người chi nhiều tiền hơn!
Đó là thị trường vận tải, tại lĩnh vực giao nhận đồ ăn, mới đây đại diện BAEMIN cũng nhấn mạnh: Trong thị trường delivery food, người chiến thắng không hẳn là người chi nhiều tiền hơn!
Có thể nói, mảng giao nhận thực phẩm trực tuyến đang rất "hot" với doanh thu tại Việt Nam ước đạt 146 triệu USD năm 2019, "ông lớn" Grab và GoJek đều nhắm tới khai thác thị trường này sau khi thiết lập thị phần trong mảng gọi xe. Mục tiêu của họ là trở thành siêu ứng dụng của khu vực, giống như WeChat, Alipay và Meituan đang làm ở Trung Quốc.
Trong khi đó, khảo sát của Asia Plus công bố tháng 12/2020 ghi nhận, BAEMIN tập trung khai thác mảng cốt lõi cũng đã lọt Top 3 tại Việt Nam sau 1 năm xuất hiện tại Việt Nam. Theo đại diện BAEMIN, các công ty vận hành ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến đang chi rất nhiều tiền để phát triển thị trường và chạy theo các cuộc đua về tốc độ giao hàng, khuyến mãi khủng. Nhưng, chiến lược này không bền vững cũng như tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, BAEMIN khẳng định không chạy đua đốt tiền.
Đồng quan điểm, CEO Be Group tái khẳng định không muốn dùng từ "đốt tiền" vì từ này đang làm xã hội hiểu sai về startup. Startup công nghệ cần chi nhiều chi phí trong những năm đầu vì phải đầu tư lớn vào nền tảng, hệ thống, sản phẩm. Sản phẩm có tốt thì kinh doanh mới bền vững. Công ty công nghệ phải đầu tư rất nghiêm túc vào công nghệ, nếu không thì đừng nên làm!
Trong động thái mới nhất, Be Group đã phối hợp với VPBank ra mắt ngân hàng số Cake ngay trên ứng dụng. Đây là hoạt động nằm trong chiến lược phát triển mảng tài chính số, xây dựng hệ sinh thái tài chính công nghệ của Be Group.
"Không phải cứ đổ tiền để miễn phí cho khách hàng, được họ lựa chọn lúc ban đầu là làm công nghệ tốt. Bạn không nên cho ai cái gì miễn phí cả. Một sản phẩm miễn phí nên được đặt câu hỏi về giá trị. Với sản phẩm có giá trị thật sự, người sử dụng nên trả tiền", bà Phương chốt lời.