Cuộc đua chuyển đổi số của ngành ngân hàng: 10 năm nhìn lại
Thời gian qua, ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực chuyển đổi số nhanh và mạnh nhất tại Việt Nam.
- 24-09-2024Vụ chuyển khoản nhầm vào tài khoản của người có nợ quá hạn, bị ngân hàng tự động trích nợ: Luật sư nói gì?
- 24-09-2024Phải làm sao khi Internet Banking bị khóa?
- 24-09-2024Thấy bàn phím ATM nhô cao hơn bình thường và nhiều dấu hiệu lạ khác, người dùng ngân hàng dừng ngay giao dịch để tránh bị đánh cắp thông tin!
Mười năm qua, thị trường tài chính - ngân hàng đã chứng kiến thay đổi về mọi mặt. Năm 2014-2015 là thời điểm mà nhiều nhà băng bắt đầu vực dậy từ sau khủng hoảng 2011-2012. Từ đây, những chiến lược kinh doanh mới bắt đầu được triển khai, thay đổi hoàn toàn cách ngân hàng vận hành hệ thống và đặc biệt là cách phục vụ khách hàng, chuyển sang "lấy khách hàng làm trọng tâm".
"Chuyển đổi số" đã được một số nhà băng lựa chọn từ sớm. Họ bắt đầu thay đổi hệ thống Corebanking, đầu tư cho nhân sự, nền tảng, ứng dụng những công nghệ hiện đại trên thế giới để mang đến những sản phẩm, dịch vụ mới mẻ cho người dùng. Trong đó, lĩnh vực thanh toán được thúc đẩy đầu tiên.
Những năm 2017-2018, việc thanh toán, chuyển khoản đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều với sự "nở rộ" của Internet Banking, Mobile Banking, Ví điện tử. Nhằm tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các dịch vụ hiện đại, nhiều ngân hàng cũng bắt đầu miễn phí toàn bộ giao dịch trên nền tảng số.
Song song với đó, việc mở tài khoản, mở thẻ ngân hàng cũng nhanh chóng và tiện lợi hơn, có thể thực hiện 24/7 mà không cần tới phòng giao dịch/chi nhánh khi một số nhà băng ra mắt mô hình ngân hàng tự động.
Đến giai đoạn 2019-2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hướng lớn tới tình hình kinh tế xã hội trên toàn cầu và trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên đối với ngành ngân hàng, đây là một cú hích mạnh mẽ giúp chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.
Thay vì những nền tảng riêng rẽ Mobile Banking, Internet Banking như trước đây, các nhà băng đã lần lượt ra mắt Ngân hàng số, là hợp nhất của những nền tảng này. Theo đó, người dùng bắt đầu có những trải nghiệm mượt mà hơn, nhanh chóng và tiện lợi hơn. Thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, giao dịch đã giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, thanh toán điện tử vẫn đang tăng trưởng không ngừng.
Thanh toán trực tuyến và những con số ấn tượng
Đến nay, các hình thức thanh toán trực tuyến đã có mặt trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ. Từ các trung tâm mua sắm, cửa hàng, quán ăn, tới chợ truyền thống, người dùng đều có thể dễ dàng quẹt thẻ, chuyển khoản hay quét mã QR... để thanh toán mà không cần mang tiền mặt.
Theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong 6 tháng đầu năm 2024, giao dịch không dùng tiền mặt đạt 7,83 tỷ giao dịch với tổng giá trị 134,9 triệu tỷ đồng, (tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng 49,97% về số lượng và 32,13% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 38,53% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 104,2% về số lượng và 99,5% về giá trị.
Tính đến nay, có hơn 87% người trưởng thành mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, với tổng 180 triệu tài khoản và 138 triệu thẻ ngân hàng. Số lượng điểm chấp nhận thẻ đạt 1,8 triệu đơn vị, cùng mạng lưới thanh toán chấp nhận mã QR đang ngày càng phủ rộng nhanh chóng.
Cách đây 10 năm, chuyển khoản vẫn còn là thuật ngữ xa lạ với đại chúng. Kể cả đối với những giao dịch khoản tiền lớn như mua bán đất, mua vàng, người dân vẫn phải ra ngân hàng rút từng cọc tiền mặt để sử dụng. Nhưng hiện tại, hiếm thấy ai ra đường với chiếc ví dày cộm. Từ trung tâm thương mại hiện đại đến những cửa hàng nhỏ lẻ, ở đâu cũng chấp nhận thanh toán bằng QR, chuyển khoản. Thậm chí đi đổ xăng, ma chay hiếu hỉ hay đi xe buýt, uống trà đá, người ta vẫn chuộng “quét mã” dù chỉ vài nghìn đồng.
Hình ảnh điển hình thấy rõ sự chuyển mình của ngành ngân hàng là các cây ATM ngày Tết. Số lượng ATM giảm nhưng tình trạng xếp hàng dài, tắc nghẽn dịp cận Tết không còn diễn ra như nhiều năm trước, cho thấy nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm.
Không thể phủ nhận đại dịch Covid 19 là một trong những nguyên nhân thúc đẩy người dân gia tăng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, việc mua sắm online phổ biến mạnh mẽ, kèm với đó là sự phát triển của các phương thức thanh toán không tiền mặt. Cho đến nay, ngay cả khi dịch bệnh đã được đẩy lùi, khách hàng cũng không còn chuộng tiền mặt như trước.
Thiết lập hệ sinh thái số toàn diện - hướng đi chung của ngành ngân hàng
Song song với việc phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử, các ngân hàng tập trung đẩy mạnh các tiện ích đa dạng, kết nối liên thông với các ngành, lĩnh vực khác nhằm thiết lập một “hệ sinh thái số” toàn diện, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Hiện nay, hầu hết các nghiệp vụ ngân hàng cơ bản đã được số hóa (mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, mở sổ tiết kiệm,...) với 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Việc mở tài khoản trực tuyến qua các ứng dụng ngân hàng (Mobile Banking) trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn bao giờ hết nhờ phương thức xác minh danh tính điện tử eKYC (nhận diện khách hàng bằng công nghệ AI dựa vào thông tin sinh trắc học, giấy tờ tùy thân).
Khách hàng cũng có thể mở thẻ tín dụng, gửi tiết kiệm trực tuyến hoặc đăng ký vay tín chấp online và được giải ngân trực tiếp vào tài khoản thanh toán cá nhân của mình chỉ trong vài phút, thay vì phải đến các phòng giao dịch truyền thống như trước đây.
Không dừng lại ở các dịch vụ ngân hàng cơ bản, nhiều ứng dụng Mobile Banking còn mở rộng ra các dịch vụ công quốc gia, dịch vụ dân sinh như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, đặt nhà hàng, tour du lịch, bảo hiểm, chứng khoán,...
Thậm chí, mới đây, 4 ông lớn ngành ngân hàng là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã chính thức triển khai bán vàng qua app và thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần làm giảm tình trạng “chen chúc” tại các điểm giao dịch vàng diễn ra trong nhiều năm qua.
Đã qua rồi cái thời mà khách hàng phải tới các quầy giao dịch, điểm thu phí, xếp hàng lấy số và chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, giờ đây chỉ với một thiết bị điện tử kết nối Internet và cài đặt ứng dụng eBanking, khách hàng có thể thực hiện hầu hết giao dịch ngay tại nhà.
Better Choice Awards 2024
Better Choice Awards là giải thưởng tôn vinh, đề cao giá trị Đổi mới sáng tạo phục vụ lợi ích thiết thực của người tiêu dùng, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp tổ chức cùng Công ty cổ phần VCCorp, dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Better Choice Awards có 3 hệ thống giải thưởng lớn bao gồm: Smart Choice Awards, Car Choice Awards và Innovative Choice Awards.
Năm 2024, Innovative Choice Awards lần đầu tiên mở rộng tới các lĩnh vực Nhà thông minh, Thời trang, Dịch vụ vận chuyển và đặc biệt là Tài chính - Ngân hàng, với bộ tiêu chí chấm giải được các chuyên gia tới từ PwC Việt Nam phối hợp xây dựng.
Giải thưởng đã bắt đầu nhận đề cử thông qua website: https://betterchoice.vn/ và công bố chính thức thông tin cũng như mở cổng bầu chọn vào ngày 9/9/2024, sau buổi họp báo tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6B Hoàng Diệu.
Nhịp sống thị trường